Nông dân Đắk Mil đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình chăm sóc cây trồng. Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất và tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp...

Năm 2014, gia đình ông Mai Văn Lâm, ở thôn Nam Định, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil hỗ trợ gần 120 cây giống bưởi da xanh cùng phân bón, kỹ thuật để triển khai mô hình thí điểm trồng bưởi da xanh xen canh trong vườn xoài.

Để bảo đảm nguồn giống bưởi chất lượng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã liên hệ lấy giống từ Viện giống cây ăn quả miền Nam. Qua 3 năm chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, vườn bưởi của gia đình ông Lâm bắt đầu cho thu hoạch.

Đến nay, gia đình ông Lâm đã thu hoạch bưởi năm thứ 3, mỗi cây thu được từ 40 - 60 kg quả. Với giá thu mua 40 ngàn đồng/kg tại vườn, gần 120 cây bưởi trồng trên diện tích 5 sào đất, mỗi vụ gia đình ông thu được hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

 Mô hình xen canh bưởi da xanh trong vườn xoài của gia đình ông Mai Văn Lâm

Mô hình xen canh bưởi da xanh trong vườn xoài của gia đình ông Mai Văn Lâm

Trồng bưởi da xanh là một trong những mô hình mà Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil triển khai hỗ trợ người dân trồng thí điểm để giúp có thêm sự lựa chọn cây trồng xen canh, mang lại nguồn thu nhập cao. Ông Lâm chia sẻ: "Qua thời gian chăm sóc, tôi thấy cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế. Cây bưởi dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc không khó, hoàn toàn có thể lựa chọn là cây trồng chủ lực cho kinh tế cao".

Đối với việc tái canh cà phê, thông qua các chương trình tập huấn, hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã giúp người dân chủ động thực hiện việc tái canh vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Hoàng Sáng, ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An, sau khi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi cải tạo vườn cà phê già cỗi, ông đã về tìm mua chồi ghép ở các vườn cà phê chất lượng và tự mình thực hiện việc ghép cải tạo hơn 2 ha. Đến nay, vườn cà phê đã ghép cải tạo được 3 năm, mỗi ha cho thu nhập bình quân từ 5 tấn quả trở lên.

Ông Sáng cho biết, việc tuyển lựa chồi ghép với những cây mang nhiều ưu điểm vượt trội đã được nhân rộng trên toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng của gia đình tôi, chính vì thế, hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Để giúp người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các hoạt động tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được huyện Đắk Mil chú trọng. Thời gian qua, huyện đã tổ chức 230 cuộc tập huấn, hội thảo, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho khoảng 11.500 lượt người tham gia, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.

Qua các lớp tập huấn giúp người dân tiếp cận, nắm bắt khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, sử dụng các giống cây trồng mới năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt... góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài ra huyện kêu gọi các doanh nghiệp, công ty tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và "đầu ra" cho nông dân. Hiện nay trên địa bàn huyện đang có 10 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông, lâm sản và gieo ươm cây trồng; 2 HTX sản xuất cà phê và gieo ươm cây giống. Các doanh nghiệp này đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, qua quá trình lao động sản xuất, khi tiếp cận với các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phần lớn người dân trên địa bàn huyện đều có sự tìm tòi, am hiểu cơ bản và áp dụng vào thực tiễn. Nguồn lực đất đai, tài chính của một số hộ gia đình sẵn có đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao/nong-dan-dak-mil-day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nong-nghiep-74988.html