Nông dân đá đèn

(LĐ) - Ở miền Tây Nam Bộ, khi nói "đá đèn" người ta có thể nghĩ theo 2 nghĩa: Nghĩa đá banh và nghĩa ăn nhậu. Theo nghĩa đen, đá đèn là cầu thủ đá banh ban đêm ở sân vận động (SVĐ) có đèn chiếu sáng. Còn khi dân ăn nhậu nói "đá đèn" - hay còn gọi là "đá sân vuông", có nghĩa là "đá" ly rượu qua lại trong tiệc nhậu thâu đêm nào đó.

Trong bài viết này, "đá đèn" được hiểu theo nghĩa đen, tức đá banh ban đêm trong SVĐ hiện đại được chiếu sáng bằng đèn cao áp. Mà người đá lại là nông dân (ND), những "Hai Lúa" chân ám phèn vừa rời khỏi đồng ruộng Đồng Tháp Mười, hoặc các "anh cả" cần mẫn đến từ những đồi chè ngào ngạt ở "thủ đô gió ngàn"... Ngước hướng nào cũng chói Năm 1984, khi giàn đèn trên SVĐ Long An đưa vào hoạt động, nó trở thành giàn đèn hiện đại nhất nước vào thời điểm đó. Thế nhưng, sau khi phục vụ xong giải SKADA 1984, giàn đèn nói trên phải “trùm mền” suốt gần 20 năm, vì mỗi lần mở quá tốn kém, dù đội bóng Long An không ít năm thi đấu ở giải mạnh nhất quốc gia. Khi đội bóng Long An được giao cho bầu Thắng với tên mới ĐTLA, rồi thăng hạng chuyên nghiệp, giàn đèn trên SVĐ Long An mới được tu sửa, hoạt động trở lại, phục vụ các trận đấu của ĐTLA và các lễ hội lớn của tỉnh. Vậy mà, trong 10 ngày qua (từ 15 đến 25.9), hằng đêm 4 trụ đèn SVĐ Long An đều sáng rực để phục vụ ND đá banh tại vòng chung kết (VCK) Giải bóng đá ND toàn quốc tranh Cúp VFA 2010. Nếu như cầu thủ chuyên nghiệp luôn ngán đá lúc 15 giờ, thích được đá đèn (buổi tối mát mẻ), thì cầu thủ ND ngược lại, họ không ngại nắng nóng, mà ngán... đèn. Võ Văn Cường - hậu vệ cánh phải của đội bóng đá ND Long An, đến từ vùng Đồng Tháp Mười thuộc xã Vĩnh Thạnh - huyện Tân Hưng, kể: “Hồi nhỏ tới giờ chỉ đá sân ruộng (vào mùa khô), hoặc sân tạm trên cụm tuyến dân cư (vào mùa lũ), lâu lâu mới được ra đá sân cát ngoài huyện. Giờ được đá sân cỏ, đá đèn ban đêm mát mẻ, nên tụi em ai đá cũng hay hơn. Nhưng em sợ nhất tranh bóng bổng, vì ngước hướng nào cũng bị chói mắt”. Sau trận đấu với đội Tây Ninh (đội Long An bị gỡ 1 - 1 ở phút bù giờ cuối cùng và bị rớt khỏi vòng bán kết), thủ môn Phan Thanh Toàn rầu rĩ kể: “Trái phạt góc đó đội bạn đá không hiểm, nhưng vì ngay hướng đèn nên em bị chói mắt, phán đoán không chính xác, để đội bạn đánh đầu gỡ hòa...”. Phải rời khỏi giải sớm cũng vì 1 bàn thua do “chói đèn”, thủ môn Lê Duy Khánh của đội Cà Mau tiếc rẻ: “Nếu được vô VCK ở giải lần sau, tụi em sẽ có kinh nghiệm hơn khi đá đèn”. “Hai Lúa” lai kinh... Đến với giải bóng đá ND từ vùng cực nam của tổ quốc (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), cầu thủ Phạm Phi Thòn phải vượt qua khó khăn không chỉ quãng đường dài. VCK diễn ra vào đúng vụ thu hoạch bắp ở quê anh. Thòn nói: “Đi thi đấu cho biết đó biết đây ai mà không thích, nhưng nồi cơm gia đình mới là quan trọng hơn, mà em là lao động chính trong nhà”. Ban đầu Thòn dự định không đi, nên không tập trung về Cà Mau tập huấn. Thế nhưng, đến cận ngày đi Long An mà toàn đội vẫn chờ. Vậy là Thòn bỏ 1 hécta bắp đang thu hoạch dở dang, tức tốc xuống tàu về Cà Mau. Chính cầu thủ “vé vớt” số 10 Phi Thòn chứ không ai khác đã ghi bàn thắng duy nhất trong trận ra quân gặp đội Thái Nguyên. Rời khỏi giải sớm sau khi thua Tiền Giang ở trận cuối vòng bảng, các cầu thủ ND Cà Mau ngay trong đêm đã vượt quãng đường hơn 300km về nhà, vì hầu hết họ đều có hoàn cảnh giống như Phi Thòn: Nôn nóng công chuyện nhà, lúa, bắp đang chờ đợi! Trong số 8 đội lọt vào VCK giải, Thái Nguyên là đại diện duy nhất ở phía bắc. Ngày 12.9, khi sắp tới giờ lên xe từ TP.Thái Nguyên đi sân bay Nội Bài, để từ đó vào Long An, cả đội chỉ mới có 15 cầu thủ. Bảy cầu thủ còn lại đã bỏ cuộc chơi giữa chừng vì các lý do: Vợ đẻ, cha bệnh, vào vụ thu hoạch chè... Ngay trước khi xe lăn bánh, lại xảy ra sự cố với cầu thủ Nguyễn Văn Nghiệp (xã vùng cao Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ). Vợ anh mới sinh được 3 ngày (sinh mổ), người nhà mới điện báo tin vết mổ bị nhiễm trùng, trong khi gia đình neo đơn, ở vùng cao heo hút... Cuối cùng anh Nghiệp cũng đi theo đoàn, sau khi chắc chắn rằng, một bác sĩ từ thị trấn Đồng Hỷ đã lên đường vào Hợp Tiến để chăm sóc cho người sản phụ. Hầu hết các cầu thủ đều chưa từng đá trên sân cỏ, chưa biết mang giày đinh. Khi ra tập cho quen sân Long An, cả đội cứ té nhào xuống mặt sân cỏ mới bị cơn mưa nhỏ lướt qua làm trơn trượt. Mười mấy đôi giày đinh ở cửa hàng thể thao gần đó được các cầu thủ mua sạch. Đá giày đinh không quen, nửa chừng đau chân, nhiều cầu thủ phải xin trọng tài “đổi giày”. Ra đi đầy bất trắc như vậy, nhưng Thái Nguyên lại là đội thi đấu lăn xả, hết mình, một phần cũng nhờ có nhóm cổ động viên (CĐV) 30 người cùng họ bay vào Long An. Một góc khán đài SVĐ Long An vào các ngày 15 và 17.9 luôn sôi động mỗi khi đội Thái Nguyên lên bóng. Thế nhưng, những CĐV ấy chỉ đủ chi phí cho 1 tuần ở Long An. Hết hiệp 1 trận Thái Nguyên - Tiền Giang, trên SVĐ Long An diễn ra cảnh cảm động: Các cầu thủ Thái Nguyên tiễn 30 CĐV ra xe đi TPHCM để kịp giờ lên máy bay về Bắc. Tình cảm ấy như làm cho đôi chân các cầu thủ Thái Nguyên thanh thoát hơn, họ thắng đậm Tiền Giang 3 - 1. Đá sân này, bớt sân kia Đài Truyền hình Long An phát trực tiếp trận khai mạc, các trận bán, chung kết và những trận có đội chủ nhà. Trong những ngày ấy, bà con ở xã biên giới Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) đón xem đá banh như xem World Cup. Chiếc tivi 21 inches ở nhà cầu thủ Võ Hoàng Lương luôn có cả trăm người xem, dù đến giữa hiệp 2 cầu thủ này mới được HLV đội Long An cho vô sân. Đối với ND ở xã biên giới heo hút này, được xem bóng đá truyền hình trực tiếp đã là thú vị, nay càng “đã” hơn khi xem trực tiếp cầu thủ xã nhà đá trên tivi. Ông Hồ Văn Bún - Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Hưng - nhận xét: “Ở vùng biên giới heo hút thiếu điều kiện giải trí, thanh niên ND chiều chiều thường nhậu nhẹt thành thói quen. Phong trào bóng đá ND mấy năm qua đã tạo thêm sân chơi lành mạnh, giúp bớt chuyện nhậu nhẹt. Họ đá sân này nên bớt sân kia (sân vuông - bàn nhậu)”. Đội ND Cà Mau dự VCK lần này có lực lượng nòng cốt ở huyện biển Phú Tân - nơi có phong trào bóng đá ND mạnh nhất tỉnh. Ở Cà Mau, khi nhắc đến Phú Tân, người ta nghĩ ngay đến loại rượu đế độ cao nổi tiếng được sản xuất ở đây. Những ND vùng biển này cũng không kém cạnh ai khi “đá đèn” trên “sân vuông”. Năm 1998, nhìn cảnh những thiếu niên mới lớn mỗi chiều “lai rai” bên bàn nhậu, hai ND tên là Đức Hiền và Thanh Bình chợt có sáng kiến tổ chức dạy bóng đá cho thiếu niên, nhi đồng trong vùng. Sau đó, các cầu thủ nhí được các anh đào tạo đã làm xôn xao tỉnh Cà Mau khi đoạt giải II bóng đá thiếu niên và giải III bóng đá nhi đồng toàn tỉnh. Đội hình nhí ngày ấy tiếp tục làm nòng cốt cho bóng đá ND huyện Phú Tân và cả tỉnh Cà Mau cho đến ngày nay. Bây giờ, khi về Cà Mau, ít còn nghe người ta “khen” chuyện “nhậu” ở Phú Tân, mà thay vào đó là chuyện “đá banh”. “Cúp vàng” quý như... vàng Ngoài số tiền thưởng 100 triệu đồng, đội vô địch Giải bóng đá ND 2010 còn được trao “cúp vàng” (tất nhiên không phải bằng vàng) làm theo nguyên mẫu cúp vàng FIFA dành cho đội vô địch World Cup. Ban tổ chức đặt làm chiếc cúp ở TPHCM rồi đưa xuống Long An. Từ đây, dù cho kết cục thế nào, chiếc cúp cũng tiếp tục có cuộc hành trình thú vị. Tôi thích nhất đội Thái Nguyên vô địch để chiếc cúp tiếp tục cuộc hành trình đẹp. Dự kiến, nếu đoạt cúp, toàn đội Thái Nguyên sẽ ghé lại Hà Nội để dâng cúp mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau đó, toàn đội sẽ đi thẳng lên “thủ đô kháng chiến” huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) - địa phương đóng góp lực lượng nòng cốt cho đội bóng. Toàn đội sẽ dâng cúp, báo công tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phú Đình - nơi Bác Hồ phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cuối cùng, chiếc cúp mới trở về TP.Thái Nguyên để báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Khi đội Quảng Ngãi thắng Tiền Giang để vào chung kết (cùng Thái Nguyên), một doanh nhân người Quảng Ngãi đang sinh sống ở TPHCM (ông Võ Thành Tân - TGĐ Cty CP Đức Nghĩa) treo giải: Đoạt cúp vô địch - 20 triệu đồng. Các cú điện thoại gọi tới tấp đến ông Nguyễn Anh - trưởng đoàn bóng đá ND Quảng Ngãi - từ các “Mạnh Thường Quân” đăng ký thưởng nếu đội đoạt cúp, đến chiều 23.9 đã lên đến gần 100 triệu đồng... Hàng trăm tấn lúa cho chiếc cúp vô địch bóng đá ND, và không chỉ có vậy. ND nước mình chưa thật giàu, thật sướng, nhưng cầu thủ ND đã được “đá đèn” và được thưởng to! Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/nong-dan-da-den/14419