Nông dân Bùi Hữu Nghĩa- Anh hùng LĐ làm hơn 10.000 máy nông nghiệp

LTS: Năm nay - kỷ niệm 30 năm Đổi mới và 5 năm Chương trình 'Tự hào Nông dân Việt Nam', cùng với việc bình chọn 63 'Nông dân Việt Nam xuất sắc', Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tiến hành bình chọn 24 đại biểu 'Nông dân Việt Nam xuất sắc' trong giai đoạn 2013-2016 và đại biểu nông dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ số báo này, Báo NTNN sẽ giới thiệu cụ thể chân dung 24 nông dân này với bạn đọc.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới đất nước, lão nông Bùi Hữu Nghĩa là người nổi tiếng cả nước bởi tài sáng chế, cải tiến, sản xuất ra hàng chục ngàn máy móc nông nghiệp, góp phần đưa năng suất lao động, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh và góp phần nâng cao sản lượng gạo xuất khẩu cho cả nước.

Lão nông - nhà sáng chế, Anh hùng Lao động Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: T.Đ

Xưa nay, quan điểm sản xuất công cụ, máy móc làm nông nghiệp của tui là bà con bức bách khâu lao động nào thì tui sẽ nghiền ngẫm sản xuất công cụ cho khâu đó để đáp ứng nhu cầu giải phóng sức lao động cho bà con nông dân”.

Nông dân Bùi Hữu Nghĩa

Trong suốt cuộc đời của lão nông Bùi Hữu Nghĩa, điều ông trăn trở và luôn tìm tòi là làm sao sáng chế, cải tiến máy móc sản xuất nông nghiệp để người nông dân giải phóng sức lao động, để cho những cánh đồng, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long “bừng thức giấc” trong làn gió đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ sau Đại hội VI (1986). Và với công cụ đào đường nước trên ruộng lúa, “kỹ sư không bằng cấp” Bùi Hữu Nghĩa, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An) đã hoàn thành sứ mạng giải phóng sức lao động nông dân.

Anh hùng của nhà nông

Hôm chúng tôi đến thấy xưởng cơ khí trống huơ trống hoác, hỏi ông Nghĩa lúc này hết việc làm rồi sao, ông cười vui: “Đâu có, đám lính vừa đưa bộ phận đào đường nước trên ruộng đi thử nghiệm. Nếu cái này thành công chắc tui giải nghệ luôn vì bà con nông dân… không cần Chín Nghĩa nữa”.

Nông dân làm lúa ở vùng trũng, phèn chua Đồng Tháp Mười giờ ai cũng biết và mang ơn lão nông Chín Nghĩa. Nhờ có ông mà họ bớt cơ cực hơn trong trồng lúa, nhất là những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới (từ 1986).

Nhớ lại cái thời trước đổi mới, bà con nông dân làm lúa vùng sâu Đồng Tháp Mười ngỡ ngàng khi ông Chín Nghĩa “trình làng” cái máy cắt lúa xếp dãy. Ai cũng biết, làm lúa cơ cực biết bao. Từ khi làm đất, gieo sạ hoặc cấy, những ngày chăm sóc cho tới ngày thu hoạch vẫn còn cực. Ngày thu hoạch, lao động còng lưng suốt ngày trên đồng vừa cắt vừa gom lúa. Nhìn cái máy “cắt lúa xếp dãy” chạy ào ào trên đồng, cắt 1ha lúa mà chỉ mất 2 giờ, nông dân nào mà không ham.

“Từ lúc trình làng cái máy cắt lúa xếp dãy, đơn đặt hàng về cái xưởng cơ khí của gia đình tui tới tấp. Với 100 công nhân, mỗi ngày xưởng của tui phải làm xong 6 cái máy “cắt lúa xếp lớp” mới đủ bán cho bà con” - ông Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Ông Chín Nghĩa (bìa trái) và chiếc máy “cắt lúa xếp dãy” do ông sáng chế. Ảnh: Trần Đáng.

Với những thành tích xuất sắc trong sáng chế, sáng tạo, góp phần không nhỏ vào sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhiều vùng khác nói chung, nông dân Bùi Hữu Nghĩa đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2002.

Tổng kết việc ra đời máy cắt lúa xếp dãy, ông Chín Nghĩa đến giờ vẫn còn nhớ như in con số máy xuất xưởng. Có tổng cộng khoảng 10.000 máy cắt lúa xếp dãy từ xưởng cơ khí của lão nông này “tràn” đi khắp các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười và nhiều tỉnh, thành phố khu vực khác. Khá nhiều trong số máy đó bán ra cả miền Trung, miền Bắc.

Thấy đã giải quyết xong khâu cắt và xếp dãy cho nhân công thu dọn, lão nông Chín Nghĩa lại nghĩ đến khâu “thu hạt”. “Năm 2000, bắt đầu khu vực này khan hiếm lao động nông thôn do thanh niên bị “hút” hết vào các khu công nghiệp, đi làm công nhân trong nhà máy. Tui lại nghĩ đến việc làm cái máy gặt đập liên hợp thích nghi với địa hình đồng bằng sông Cửu Long và có giá thành rẻ cho bà con” - ông Chín Nghĩa thổ lộ.

Máy vừa làm xong, lãnh đạo HTX Suối Hiệp tận tỉnh Khánh Hòa tìm vào đặt ngay 3 chiếc đem về. Sau đó, ông Chín Nghĩa phải sản xuất thêm 300 chiếc để đáp ứng cầu đặt hàng của bà con nông dân trong vùng.

Nhà sáng chế không ngừng nghỉ

Sáng chế, sáng tạo như là cái nghiệp gắn với ông Bùi Hữu Nghĩa không rời. Không dừng lại, lão nông Chín Nghĩa lại chú ý sang lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc lúa. “Với lĩnh vực này, lâu nay bà con chỉ làm theo kiểu tay chân, mà thực tế tình trạng lao động nông thôn lại ngày càng khan hiếm, giá thuê công lao động ngày càng đắt đỏ, đẩy chi phí sản xuất lúa lên cao. Vả lại, làm lúa theo kiểu cánh đồng lớn thì không thể vác bao phân đi bón như trước đây, sức nào mà mần cho xuể. Thế là tui lại nghĩ cách cơ giới hóa chuyện bón phân, gieo hạt, phun thuốc để bà con nông dân rảnh tay, đỡ mệt” - ông Chín Nghĩa giải thích vậy.

Chiếc máy “3 trong 1” đảm nhận việc gieo giống, phun thuốc, bón phân ra đời sau bao nhiêu đêm ông Nghĩa trằn trọc tính toán và bao nhiêu bản thiết kế sửa đi sửa lại không biết mấy chục lần. Từ đầu năm 2017 cho đến nay, ông Bùi Hữu Nghĩa đã bán 16 chiếc máy “3 trong 1” này cho bà con nông dân trong vùng.

Theo ông Chín Nghĩa, hiện ông đang cho thử nghiệm bộ phận đào đường thoát nước, thoát phèn trên đồng ruộng. Từ năm 1989 – 1991, tỉnh Long An triển khai cấp đất cho nông dân khai hoang lấp kín Đồng Tháp Mười (khu vực Long An). Những cánh đồng lớn đã xuất hiện với hàng chục, hàng trăm ha.

Vì đất khá rộng lớn, mặt ruộng chưa san lấp bằng phẳng, lại chưa rửa hết phèn nên trên những cánh đồng này khi trồng lúa vẫn còn ngập úng, xì phèn gây hư hại. Để thoát phèn, thoát nước, bà con nông dân phải thuê nhân công đào rãnh khá tốn kém.

Ông Chín Nghĩa cho biết, với bộ phận đào rãnh này bà con sẽ gắn vào máy cày, máy sẽ đào đường thoát nước khá nhanh và ít tốn kém hơn nhiều so với việc thuê nhân công đào bằng tay.

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nong-dan-bui-huu-nghia-anh-hung-ld-lam-hon-10000-may-nong-nghiep-803999.html