'Nơi tôi sinh ra' du hành cùng áo dài trong huyền ảo ánh sáng 3D mapping

Tối 5/1, tại sân nhà Thái học, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài trong hiệu ứng ánh sáng 3D mapping với chủ đề 'Nơi tôi sinh ra'.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - ông Lê Xuân Kiêu và nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh - đạo diễn chương trình chia sẻ niềm vui trong chương trình "Nơi tôi sinh ra".

Không tách rời ý nghĩa đạo học tinh hoa của dân tộc, chương trình nghệ thuật là cuộc du hành cùng áo dài từ Bắc chí Nam, đến những vùng đất mà các nhà thiết kế sinh ra lớn lên, thấm đẫm văn hóa gốc và sáng tạo nghệ thuật từ nguồn cội của chính mình.

"Nơi tôi sinh ra" gồm tập hợp các tiết mục đặc sắc giới thiệu tà áo dài Việt Nam trong âm nhạc, ánh sáng nghệ thuật và vũ đạo đẹp mắt. 18 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trong nước đã giới thiệu những bộ áo dài độc đáo mang bản sắc riêng về quê hương, nơi họ đã sinh ra và gắn bó.

Nón lá làng Chuông (Hà Nội), thổ cẩm Zèng (Thừa Thiên Huế), thổ cẩm Jrai (Gia Lai), gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), khăn Piêu (dân tộc Thái Điện Biên)... thậm chí là món mì Quảng (Quảng Nam) đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình.

Việc trình chiếu ánh sáng 3D mapping (kĩ thuật sử dụng phông nền đa chiều trong trình chiếu ánh sáng) kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống không chỉ tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà đã tô điểm thêm cho nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam.

Khán giả đã được nghe câu chuyện kể thông qua các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng. Đây cũng là sản phẩm khởi động cho chuỗi các dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách nhằm mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.

Chương trình xuất hiện nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, những gương mặt lao động nghệ thuật gắn bó với nghệ thuật trình diễn áo dài nhiều năm qua đã mang đến một đêm diễn lộng lẫy, đẹp đẽ về màu sắc, âm nhạc. Nhiều tầng sâu trong kho tàng đặc sắc văn hóa các vùng miền của Việt Nam đã được khai thác, biểu đạt.

Hiệu ứng ánh áng 3D mapping - cuộc thử nghiệm đầu tiên trong trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam tôn lên vẻ đẹp gần gụi, sống động. Ảnh: Hải Ninh

Hoa hậu Ngọc Hân với vai trò nhà thiết kế áo dài trong chương trình. Ảnh: Hải Ninh

Hoa văn màu lam và sản phẩm thủ công truyền thống gốm sứ Bát Tràng lên sàn diễn cùng nhà thiết kế sinh ra tại làng ven sông Hồng, Hà Nội. Ảnh: Hải Ninh

Nghệ sĩ nhân dân Thái Bảo với ca khúc ấn tượng về Hà Nội. Ảnh: Hải Ninh

Nữ nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc đàn nhị trình diễn cùng tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Mùa xuân về trên quê hương, bộ sưu tập của nhà thiết kế Ngọc Hân. Ảnh: Hải Ninh

Miền nhiệt đới Việt Nam và dấu ấn khó quên với tài áo dài từ vải dệt thủ công chất liệu thiên nhiên. Ảnh: Hải Ninh

Bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Diego Chula (Tây Ban Nha) coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Ảnh: Hải Ninh

Vẻ đẹp lộng lẫy của tà áo dài tôn lên bởi ánh sáng và hiệu ứng sân khấu. Ảnh: Hải Ninh

Mùa hoa cúc Tây Hồ trên sân khấu trình diễn áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Ấn tượng thổ cẩm dệt Zèng (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Hải Ninh

Không khí Tết truyền thống Việt Nam cùng tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Nhà thiết kế Huệ Thi trình diễn bộ sưu tập áo dài cùng món mì Quảng quê mình trên sân khấu. Ảnh: Hải Ninh

Màu hoa đào Tết mỏng mảnh sương khói trong hiệu ứng ánh sáng 3D mapping. Ảnh: Hải Ninh

Các diễn viên nhí xuất hiện trong chương trình khiến khán giả thích thú. Ảnh: Hải Ninh

Sân khấu được thiết kế với hoa và nước để nghệ sĩ có thể thỏa sức biểu diễn. Ảnh: Hải Ninh

Nhà thiết kế Minh Hạnh, đạo diễn chương trình bày tỏ, chương trình nghệ thuật "Nơi tôi sinh ra" không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà đó là câu chuyện văn hóa của Việt Nam.

Với mỗi người, nơi họ sinh ra luôn để lại dấu ấn riêng. Khi tìm về tận cùng thẳm sâu từ nơi sinh ra đó, vào những giờ khắc chào đón năm mới thì cảm xúc được nhân lên bội phần.

Chọn sân khấu cho áo dài là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình lại được gắn với đạo học - đạo lý của dân tộc. Nghệ thuật dù đẹp đến đâu mà không gắn với đạo lý thì không thể bền vững.

Với không gian biểu diễn là Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đậm sắc màu văn hóa, chương trình càng được tôn lên vẻ đẹp và giá trị của truyền thống, của áo dài dân tộc, văn hóa vùng miền và cá tính nghệ sĩ mỗi vùng miền khác nhau của đất nước.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-toi-sinh-ra-du-hanh-cung-ao-dai-trong-huyen-ao-anh-sang-3d-mapping-179240105234516179.htm