Nỗi sợ sập nhà khi sống cạnh công trình

Dù không có thiệt hại về người, dù đã xảy ra hơn hai ngày nhưng nhắc đến hai căn nhà đổ sập trong đêm, người dân đường Tân Sơn Hòa, P.2, Q. Tân Bình, TP.HCM vẫn còn khiếp đảm. Nỗi khiếp đảm này đang lây lan, khi không ít những người quen, bạn đọc của phóng viên Thế Giới Tiếp Thị gọi đến bày tỏ nỗi lo, nỗi run sợ khi phải sống cạnh những công trình đang xây dựng trong khu dân cư mà họ đang sinh sống.

Kinh hãi

Trở lại câu chuyện hai căn nhà bị sập trong đêm ở đường Tân Sơn Hòa, chiều 3.9, ông lãnh đạo P.2 cho biết nguyên nhân là do công trình ở số 43 đang thi công phần móng khiến các căn nhà bên cạnh bị ảnh hưởng. Cụ thể, công trình ở nhà số 43 được thiết kế 1 trệt, 4 lầu và sân thượng. Quá trình thi công phần móng bất ngờ gây sập căn nhà số 41, khiến căn này đè sập căn 47 và bể một tường căn số 49. Nhà số 41 được xây dựng hơn 15 năm.

Căn nhà số 41 đường Tân Sơn Hòa bị sập trong đêm do nhà 43 thi công phần móng, khiến người dân Sài Gòn bắt đầu lo sợ khi sống gần công trình. Ảnh: TLDV.

Nhắc lại sự cố trên, anh Hoàng, một người dân chứng kiến vụ việc đã phải thốt lên là quá kinh hoàng. Bởi theo anh này, đêm xảy ra vụ việc không riêng mình và còn có nhiều người khác nghe tiếng động lạ phát ra từ căn nhà 3 tầng ở số 41. “Chạy tới xem thế nào thì ai cũng thất kinh khi thấy những vết nứt xuất hiện trên tường. Không ai bảo ai, tất cả đồng loạt đều la lớn để những người trong căn nhà, trong đó có một cụ ông hơn 70 tuổi và các nhà lân cận tháo chạy ra ngoài. Nhìn cảnh này đố ai mà không rụng rời tay chân”, anh Hoàng chia sẻ.

“Nói thiệt với chú, đọc báo thấy sự việc sập nhà vì công trình đào móng ở Tân Bình mà mấy hôm nay tui ăn không ngon ngủ không yên”, bà Thanh, ngụ hẻm 489 Huỳnh Văn Bánh, P.14, Q. Phú Nhuận, lo lắng. Theo bà Thanh, nhà bà vốn là nhà cấp 4 và được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trước đây không lo sợ nhưng giờ nỗi lo tăng cao, khi năm ngoái căn nhà 1 trệt,1 lầu kế bên nhà bà bán cho “cò”, “cò” vào xin phép sửa chữa và đôn lên thêm cái sân thượng. “Từ đây nhà tôi bị thấm và có những vết nứt nhỏ. Đó không sợ bằng việc căn nhà kế bên vốn đã được xây dựng lại từ đầu những năm 2000, nay thêm tầng nữa thì móng làm sao đảm bảo, nhìn nhà họ cứ nghiêng nghiêng làm sao ấy mà đâm ra cả nhà tôi đang lo”, bà Thanh nói.

Nếu sống cạnh các công trình xây dựng nhà dân dụng lo sợ một, thì sống bên các đại công trường xây dựng ở TP.HCM, người dân lo sợ mười. Cụ thể, cuối tháng 6.2016, cống Phú Định (thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1) thi công. Khi cừ đóng xuống lòng kênh, cũng là lúc hàng chục nhà dân ở con đường trên rung lắc dữ dội. “Bỏ nhà không ở thì lấy đâu ra tiền mà thuê chỗ khác. Vậy là vừa ở vừa run, nhất là ban đêm cứ nghe tiếng động lạ là cả nhà giật bắn tim”, bà Hòa, một hộ dân lo lắng nói.

Cấp phép xong là hết!

“Chủ đầu tư công trình đã nhận trách nhiệm, chấp nhận thương lượng đền bù cho những căn nhà bị thiệt hại. Trước mắt, chính quyền sẽ thuê chỗ ở tạm thời cho người dân, toàn bộ số tiền trên sẽ tính vào chi phí do chủ đầu tư bồi thường”, lãnh đạo UBND P.2, Q. Tân Bình, đã thông tin trên phương tiện truyền thông về cách xử trí vụ sập nhà xảy ra trên địa bàn; và cho biết thêm: công trình đang xây dựng có đầy đủ giấy phép. Sau khi xảy ra sự việc,sở Xây dựng đã đình chỉ thi công công trình trên.

Liên quan đến vụ việc ở P.7, Q.8, quá bức xúc, gần chục hộ dân lên phường phản ánh và yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải bồi thường. Tuy nhiên, chỉ những căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì chủ đầu tư mới chi tiền ngay, còn những hộ bị nứt nhẹ thì hứa sẽ khắc phục một lần khi công trình hoàn thành (tức khoảng tháng 10.2018)…

Nhìn lại, dễ thấy các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bỏ mặc cho chủ đầu tư xây dựng “tự tung tự tác”. Khi sự việc xảy ra thì đổ hết cho chủ đầu tư.

Cụ thể, ông Nguyễn Nam Việt, một kiến trúc sư có tiếng trong lĩnh vực xây dựng, cho rằng bộ Xây dựng có quy định phải khảo sát móng các nhà lân cận trước khi thi công, tuy nhiên bước này thường bị bỏ qua. Trong khi đó, qua chứng kiến thực tế thì hiện tại có rất nhiều đơn vị thi công nhà cửa, công trình hiện đang bỏ mặc cho thợ thi công, không có người giám sát, nên khi có sự cố xảy ra đã không kịp thời cảnh báo hoặc xử lý, chống đỡ.

Vì vậy, ông Việt đưa ra lời khuyên với các chủ nhà đang xây dựng rằng, để đừng bị bồi thường vì lý do lỗi đổ hết cho mình (như vụ công trình đào móng ở đường Tân Sơn Hòa – NV), thì chủ đầu tư công trình nên chọn phương án thi công móng theo hình thức khoan cọc nhồi. Biện pháp khoan cọc nhồi hiện nay rất phổ biến trên địa bàn TP.HCM. “Dù chi phí có cao hơn, nhưng chắc chắn xác suất phải đền vì gây sập nhà người khác là rất thấp. Bởi phương pháp đào móng hở dễ bị chảy cát, nước từ công trình lân cận làm hổng chân đất, dẫn đến sự cố nếu không có tường vây cho hố đào hoặc tường vây không an toàn”, ông Việt nói.

Theo Minh Anh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/noi-so-sap-nha-khi-song-canh-cong-trinh-803322.html