Nỗi sợ băng đảng bao trùm Haiti

Người dân Haiti nói chung và thủ đô Port-au-Prince nói riêng đang sống trong sợ hãi, bất an vì các cuộc tấn công của băng đảng tội phạm.

Các thành viên băng đảng tội phạm G9 đứng gác tại thủ đô Port-au-Prince, Haiti.

Họ phải tự thành lập các nhóm dân quân để bảo vệ cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thủ đô bị bỏ hoang

Những ngày này, con đường phía trước sân bay quốc tế Toussaint Louverture, thủ đô Port-au-Prince (Haiti), tĩnh lặng như thời kỳ hậu tận thế. Trước kia, nơi đây luôn trong tình trạng đông đúc người và phương tiện qua lại nhưng giờ chỉ có những làn khói bốc lên từ những đống rác, tỏa ra vị đắng trong không khí.

Một chiếc xe bọc thép của cảnh sát đậu ở gần đó với các sĩ quan đứng gác che mặt bằng khăn trùm đầu. Đại lộ gần như bị bỏ hoang, như thể vừa trải qua một thảm họa. Đó là điều người dân Port-au-Prince rõ hơn ai hết nhưng họ không thể rời khỏi thành phố. Sân bay Toussaint Louverture cũng là sân bay duy nhất của thành phố đã phải đóng cửa sau khi bị các băng đảng bao vây và tấn công.

Từ đầu tháng 3, các nhóm tội phạm ở Port-au-Prince đã phối hợp tấn công vào các cơ quan quan trọng của thành phố như sân bay, đồn cảnh sát, tòa nhà chính phủ, nhà tù quốc gia, nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức. Tuy nhiên, dù ông Henry đã chấp nhận từ bỏ quyền lực thì việc khôi phục trật tự thành phố vẫn rất khó khăn.

Các băng đảng bóp nghẹt nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống, nhiên liệu cho toàn thành phố. Cảnh sát Haiti vẫn tiếp tục chiến đấu giành lại quyền kiểm soát từng tấc đất nhưng cả thủ đô đang suy yếu dần. Bạo lực làm suy giảm nghiêm trọng trật tự xã hội, cũng như tương tác cơ bản của con người.

Doanh nghiệp, trường học tiếp tục đóng cửa. Nhiều người dân tự cô lập, không muốn ra khỏi nhà trong khi số khác trở nên cực kỳ cảnh giác. Sự sợ hãi, ngờ vực, giận dữ bao trùm cả thành phố. Cái chết ở trong tâm trí của mọi người.

Haiti là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai và chủ yếu là tình trạng bạo lực băng đảng. Sở dĩ lực lượng băng đảng ngày một nhiều ở Haiti vì quốc gia này là điểm trung chuyển cocaine từ Colombia đến Mỹ.

Cuộc khủng hoảng băng đảng tại Haiti có thể bắt nguồn trực tiếp từ vụ ám sát cố Tổng thống Jovenel Moise hồi năm 2021 nhưng nguồn gốc sâu xa hơn là từ thảm họa kinh tế do trận động đất năm 2010 gây ra. Theo ước tính của Liên hợp quốc, các băng đảng từ lâu đã là nỗi ám ảnh với người dân Port-au-Prince nhưng phạm vi hoạt động của chúng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, kiểm soát đến 80% thành phố.

Gần 4 nghìn người đã thiệt mạng và 3 nghìn người bị bắt cóc trong các vụ bạo lực liên quan đến băng đảng vào năm 2023. Bên cạnh đó là bạo lực tình dục tràn lan với hơn một nghìn vụ tấn công nhắm vào phụ nữ.

Các dịch vụ cơ bản như điện, nước sạch và thu gom rác thải đều bị kiểm soát. Những số liệu cuối cùng vào năm 2023 cho thấy nền kinh tế Haiti đã suy thoái trong 5 năm liên tiếp.

Những sự kiện gần đây gây bất ổn nghiêm trọng hơn. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo ở Liên hợp quốc cảnh báo dịch vụ y tế của Haiti đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân bị đạn bắn và thiếu nhân viên, vật tư y tế.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát thiếu hụt trầm trọng với khoảng 10 nghìn sĩ quan đang tại ngũ. Khoảng 1.600 sĩ quan đã từ chức vào năm 2023. Trong khi ước tính của Liên hợp quốc thì Haiti cần khoảng 26 nghìn sĩ quan.

Phong trào chống tội phạm

Chứng kiến thành phố bị “chiếm đóng”, nhiều người dân Haiti trong khu vực này đã liên minh với nhau thành một phong trào chống tội phạm. Các cộng đồng thành lập ủy ban phòng thủ khu dân cư, xây dựng mạng lưới cộng sự, hệ thống giám sát, thậm chí thay phiên tuần tra. Cảnh sát địa phương chia sẻ họ biết rõ về lực lượng dân quân và thậm chí, còn phối hợp với họ.

Sự đoàn kết của họ đã mang lại hiệu quả đáng kể. Đơn cử, vào năm 2023, một số nhóm đã phối hợp với cảnh sát đẩy lùi băng đảng Ti Makak, rồi trục xuất chúng ra khỏi khu vực. Nhưng ranh giới giữa phòng thủ và công lý rất mong manh. Theo báo cáo Liên hợp quốc vào tháng 10/2023, các liên minh đã hành hình trăm người bị nghi ngờ là thành viên băng đảng hoặc tội phạm thông thường.

Chia sẻ với hãng tin CNN, một dân quân sống gần phố Canape Vert cho hay các băng đảng trước đây kiểm soát khu vực này vì có nhiều doanh nghiệp lớn, có thể thu lời bằng cách tống tiền. Nhóm của người này đã đẩy lùi hoạt động của băng đảng ra khỏi khu vực.

“Sau khi đẩy lùi băng đảng, chúng tôi liên tục bị đe dọa. Chúng cảnh báo sẽ tấn công chúng tôi, phá hủy khu phố nên chúng tôi chỉ chặn đường và nhờ cảnh sát khám xét những người ra vào khu vực. Lực lượng dân quân chỉ dùng dạo rựa và tay không”, người này nói.

Theo một nguồn tin an ninh địa phương, lực lượng dân quân thường bắt giữ những người bị nghi là “tay trong” của các băng đảng. Các băng đảng sẽ cử gián điệp đi xe máy đến để quan sát khu vực xem có chướng ngại vật không, bao nhiêu người đang canh giữ. Nếu nghi ngờ ai là gián điệp, nhóm dân quân sẽ yêu cầu kiểm tra tin nhắn, giấy tờ nhân thân và nếu phát hiện ra gián điệp, họ sẽ thiêu hủy chứng cứ.

“Đó không phải một cuộc chiến. Các khu phố đang cố gắng tự bảo vệ mình”, nguồn tin nói và cho biết không có quy trình pháp lý nào cho những nhiệm vụ trên.

Người dân Haiti tập trung trong một trại tị nạn.

Người dân Haiti sống trong nguy hiểm, sợ hãi khi các cuộc tấn công của băng đảng gia tăng.

Người dân mất nhà cửa

Cách Canape Vert 5 phút đi ô tô, một cộng đồng khác cũng đang nỗ lực gắn kết nhưng gặp nhiều khó khăn khi phải quản lý một trại tị nạn. Đây là một trong hàng chục trại trên khắp thủ đô, nơi hàng chục nghìn cư dân tập trung sau khi mất nhà cửa trong thành phố vì nạn bạo lực.

Chị Marie Maurice, 56 tuổi, đã chứng kiến các băng đảng ngày càng bành trướng hoạt động. Hôm 29/2, khi có cảnh báo về một cuộc tấn công của băng đảng, chị đã không chần chừ, bỏ lại tất cả đồ đạc và cùng mọi người chạy trốn. Họ đi bộ gần một giờ đến trú ẩn tại trường công lập Argentina Bellegarde.

Gần 3 tuần sau đó, trẻ em sống tại khu trú ẩn cố gắng tạo niềm vui. Các em làm diều từ giấy báo, tự chế ô tô đồ chơi từ lon nước rỗng. Người lớn cũng cố tỏ ra bình thường nhưng vô ích, nỗi sợ hãi vẫn rình rập.

Vì vậy, ở nơi trú ẩn, họ bầu ra một người lãnh đạo để liên lạc với cảnh sát địa phương, vận động các tổ chức viện trợ cung cấp thức ăn và nước uống. Dù vậy, việc tiếp cận với nhu yếu phẩm rất hạn chế do các băng đảng đã kiểm soát hầu như toàn bộ thành phố.

Gia đình Marie Maurice không đủ ăn, thậm chí không có không gian để nấu nướng. Họ chia sẻ những bữa ăn qua quýt để sống qua ngày, thậm chí có những hôm phải nhịn đói hoàn toàn.

Bên cạnh nỗ lực sinh tồn, những người tị nạn còn phải sống trong sự ngờ vực của những cộng đồng sống xung quanh trại. Không ít lần những người địa phương kiếm cớ gây sự, đòi người tị nạn rời đi vì lo sợ dòng người hỗn tạp có thể thu hút sự chú ý của băng đảng.

Dự đoán trước về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, Tổ chức Di cư quốc tế đã nhiều lần cảnh báo sự mất lòng tin ở Haiti có thể khiến các cộng đồng bất hòa, làm suy giảm gắn kết xã hội.

Cảnh sát tuần tra một khu phố tại Port-au-Prince, Haiti.

Ảnh hưởng toàn cầu

Port-au-Prince đã chìm trong hỗn loạn nhiều năm bởi các băng đảng thường xuyên bắt cóc, tra tấn và hãm hiếp dân thường. Nhưng ngày nay, sau khi Thủ tướng Henry từ chức, giới chức Haiti đang thảo luận thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời. Còn cộng đồng quốc tế từ chối can thiệp.

Những điều trên khiến việc tìm ra một giải pháp chính trị cho tình trạng bạo lực trở nên xa vời. Khi cả cảnh sát, băng đảng lẫn các nhóm dân quân đều thi nhau dựng trạm kiểm soát, Port-au-Prince trở thành pháo đài của nỗi bất an, cảnh giác. Điều duy nhất mọi người cùng nhau chia sẻ là sự tổn thương.

Như bà Marie-Suze Saint Charles, 47 tuổi, đang phải điều trị vì bị gãy chân do một cuộc tấn công băng đảng trên đường phố hôm 1/3. Con trai 17 tuổi đang nằm ở bệnh viện khác do bị bắn. Hai con trai 8 và 13 tuổi quá sợ hãi, không dám ra đường, thậm chí còn không muốn đến thăm mẹ. Bà cũng không rõ có ai đang chăm sóc cho hai đứa trẻ hay không.

Bạo lực không ngừng và nghèo đói làm gia tăng làn sóng người Haiti xin tị nạn ở nước ngoài. Họ chủ yếu chạy trốn sang Mỹ qua đường biển hoặc Nam Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hải quan Mỹ thống kê hơn 105 nghìn người Haiti xin nhập cảnh, tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Ông Robert Muggah, tổ chức nghiên cứu về an ninh Viện Igarapé, cảnh báo nếu nạn đói và tình trạng bất an ở Haiti tiếp tục xấu đi, Mỹ có thể phải hứng chịu số lượng người tị nạn gia tăng từ Haiti.

Đầu tháng 3, Chính phủ Kenya thông báo nước này và Haiti đã ký thỏa thuận về việc triển khai cảnh sát từ Kenya để dẫn đầu sứ mệnh bảo vệ trật tự và luật pháp do Liên hợp quốc bảo trợ.

Mục tiêu của lực lượng này không phải là tiêu diệt các băng đảng, mà là khôi phục quyền kiểm soát các tuyến đường quan trọng ra vào thủ đô, bảo vệ cơ sở hạ tầng nhà nước và ổn định tình hình an ninh.

Có thể mất nhiều tháng kế hoạch trên mới có thể được áp dụng vào thực tế. Cho đến lúc đó, người dân Haiti phải tự bảo vệ nhau và bảo vệ đất nước.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-so-bang-dang-bao-trum-haiti-post678163.html