Nơi phù sa hội tụ

Rừng là tài sản vô giá đối với mảnh đất Cà Mau. Từ buổi mở cõi, rừng là nơi cưu mang, nuôi dưỡng cho cư dân với nghề khởi thủy 'nhất phá sơn lâm'. Rừng Cà Mau như đôi chân khỏe khoắn, một bên là tràm, một bên là đước tiên phong mở đất, lắng phù sa vươn biển, còn con người thì theo sau đó mà quần cư, lập làng, lập xóm.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ là tài sản quý giá của đất và người Cà Mau. Đây là 2 vùng lõi sinh thái trọng yếu, đặc trưng tạo thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào năm 2009, với tổng diện tích hơn 371.500 ha.

Tràm ở Cà Mau còn trải mải miết tận chân sóng biển Tây, nhưng lõi rừng, hương rừng nồng đượm nhất vẫn là ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, có diện tích hơn 8.500 ha. Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, người nặng tình với tràm, với mùa nước đỏ, tâm sự rằng: “Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hệ sinh thái rừng tràm được bảo tồn, gìn giữ, tái tạo để đảm bảo tính đa dạng sinh học của rừng nguyên sinh. Nói về vai trò, giá trị của rừng tràm thì thật lớn lao, tựu trung lại giữ rừng chính là gìn giữ cho cuộc sống của con người”.

Nghề Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia gác kèo ong là niềm tự hào của đất và người xứ tràm U Minh Hạ. Ảnh: NHẬT MINH

Cận Tết, bước qua mùa khô, lực lượng làm nhiệm vụ tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ lại tất bật bước vào cao điểm mùa chống cháy rừng. Nào là dọn kênh, đắp đê giữ nước, xây dựng, bố trí lực lượng và phương tiện cơ động... sẵn sàng tuần tra bảo vệ rừng với tình yêu trọn vẹn, kiên trì. Ông Dương Văn Nhã, Phó trưởng phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế của đơn vị, chia sẻ: “Công việc quanh năm, không ngơi nghỉ, nhưng anh em ai cũng vui, vì thêm một năm rừng tràm bình yên. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ dần hồi phục, tái tạo nguyên sinh”.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ làm nhiệm vụ. Ảnh: HẢI NGUYÊN

Người dân ở Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), tiếp giáp với Vườn Quốc gia U Minh Hạ thì coi rừng như sinh mạng của mình. Qua những câu chuyện gan ruột, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của bà con, mới hiểu thêm rừng tràm chiếm vị trí trang trọng, thiêng liêng trong lòng họ. Nói như lời ông Nguyễn Văn Bảnh, người dân cố cựu xứ Vồ Dơi: “Ở đây, con người ta từ lúc sanh ra tới lúc chết đi thì cây tràm lúc nào cũng hiện diện hết. Từ cái ăn, cái mặc, cái ở, rừng tràm lúc nào cũng hào phóng, sẵn sàng. Còn bây giờ rừng tràm cũng là sinh kế, là tương lai giàu đẹp cho người dân”.

Ông Lê Thanh Dũng hào hứng thông tin: “Ðề án phát triển du lịch của đơn vị đã được phê duyệt với hơn 1.300 ha. Ðồng thời với việc gìn giữ tài nguyên, hệ sinh thái rừng tràm, đơn vị còn tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ sinh kế cho người dân, phát triển du lịch gắn với rừng tràm”.

Hiện tại, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã hình thành được một số sản phẩm du lịch chủ lực, như đi xuồng xuyên rừng, câu cá, các hoạt động du lịch gắn với nghiên cứu khoa học, lâm sinh... Dù còn rất nhiều công việc để làm, nhưng ông Dũng tự tin rằng: “Hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ đủ sức hút để phát triển du lịch trong tương lai không xa”.

Rừng Cà Mau chất chứa những giá trị tinh thần vô giá, truyền đời của con người. Gắn với rừng Cà Mau đã có những nghề di sản được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là nghề gác kèo ong, nghề làm ba khía muối và nghề làm tôm khô. Cây đước và cây tràm từ lâu đã trở thành hình ảnh mang tính biểu trưng cho sự thủy chung, giàu đẹp của xứ sở này.

Nhiều người ví von về rừng Cà Mau bằng những hình ảnh sinh động: như đôi tay, như đôi chân, như 2 buồng phổi xanh... Và thật tự hào khi hiếm nơi nào có được sự song hành hài hòa, kỳ diệu của tạo hóa như rừng đước và rừng tràm ở Cà Mau.

Bạt ngàn rừng đước Cà Mau. (Ảnh chụp sông Cửa Lớn, đoạn xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển). Ảnh: NHẬT MINH

Phía rừng đước, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đang ấp ủ những tính toán mới: “Từ đầu năm 2023, không gian quản lý, khai thác du lịch Mũi Cà Mau tăng từ 160 ha lên đến hơn 42.000 ha. Rừng đước có thêm những trọng trách mới hài hòa và bền vững gắn với giá trị hệ sinh thái ngập mặn, kinh tế, dân sinh”.

Mũi Cà Mau đã trở thành điểm nhấn tự hào của lĩnh vực du lịch tỉnh nhà trong đà hồi phục mạnh mẽ và sinh khí tươi mới. Nói như lời vị Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thì: “Ði Cà Mau mà chưa gặp rừng đước thì coi như chưa trọn vẹn”. Rừng đước Mũi Cà Mau là miền đất thiêng liêng phía địa đầu cực Nam Tổ quốc để mỗi người dân Việt Nam tìm về chiêm bái. Chang đước bám sâu vào lòng đất mẹ, biểu tượng của tính thủy chung, tình đất, tình người nơi đây muôn đời bền chặt.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi cưu mang, nuôi dưỡng biết bao thế hệ con người vùng Mũi Cà Mau. (Trong ảnh: Bắt ba khía dưới tán rừng đước). Ảnh: NHẬT MINH

Xứ sở này còn truyền tụng nhau lòng kiên trung huyền thoại về những làng rừng đánh giặc. Giặc rải chất độc hóa học, đước, tràm chết đứng, người dân vẫn núm níu máu thịt không rời. Ðể rồi bom đạn qua đi, đước, tràm vươn xanh thành rừng, thành vóc dáng hào hùng của quê hương. Ở đó, luôn có những con người gắn bó, trách nhiệm gìn giữ cho màu xanh của rừng, cho sự trường tồn, giàu đẹp của quê hương, xứ sở.

Một lần về Cà Mau, hít thở căng đầy lồng ngực gió biển, hương rừng, màu đước, sắc tràm. Nơi ấy, những ai chưa đến, những ai đã từng, khi nhìn thấy đước, thấy tràm là sẽ thấy cả Cà Mau.

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/noi-phu-sa-hoi-tu-a31256.html