Nỗi niềm thân phận đàn bà ở 'Phố vợ cũ' của Thy Nguyên

Tôi rất ít khi dùng hai chữ 'đàn bà' để viết về phụ nữ, nói về phụ nữ, bởi nghe có gì đó chua xót lẫn chênh vênh... Thế nhưng với Thy Nguyên, ở Phố vợ cũ đầy trăn trở, thì không thể dùng từ nào khác ngoài chữ đàn bà! Chị đã đem đến cho người đọc những vần thơ ám ảnh, quặn thắt niềm thương, nỗi nhớ, sự cô đơn, hoang hoải và cả những khát vọng về tình yêu - hạnh phúc, những suy ngẫm về cuộc đời của một người đàn bà chịu nhiều thua thiệt.

Để rồi, dù chị cố gắng trầm tĩnh và mạnh mẽ đến thế nào, vẫn thấy trong thẳm sâu là nỗi niềm đàn bà chông chênh không chạm đáy. Giữa yêu và được yêu có khi chỉ trong khoảnh khắc sẽ có được nhưng cũng có khi là sự kiếm tìm cả đời. Ai cũng muốn được cuộc vuông tròn, để nhìn bốn phía gian nhà rộn rã tiếng cười và đầy hơi ấm. Thế nhưng với nữ sĩ Thy Nguyên, thì điều ấy lại mong manh và luôn tiềm ẩn bao bất trắc. Dẫu hương sắc và đa tài, nhưng với hạnh phúc đời mình, đã có biết bao nhiêu đêm dài chị đã phải dằn vặt, đớn đau khi chạm phía nào cũng toàn lọc lừa, dối trá. Mình về trong yên lặng/ Cỏ mọc cả gối chăn/ Áp con lớn má phải/ Ôm con bé đầy tay/ Mưa lây rây, lắc thắc// Son có nhạt tô lại/ Kéo chăn đắp bòng bong/ Cái cũ đã cũ đi/ Đừng cưới lần nghĩa mới… (- mới).

Chủ thể trữ tình em - người đàn bà phải âm thầm giằng xé, nhấm nháp nỗi cô đơn, đau khổ đến nao lòng. Đành phải "mượn duyên về lau then cửa": Em thành em của lá môi/ Ngõ nhỏ ngại lời hỡ hững/ Cánh cửa bặt câm chật chội/ Vá duyên nổi phía bập bùng/ Đêm say nhỏ lệ nồng nã/ Gối quên vấn lại giọt đau/ ... / Đường xa vòng xe lỗi phận/ Biết sau mưa ấy bạc đầu./ Mượn duyên về lau then cửa/ Mắt cài trên phím lá môi/ Thương rạ trổ đòng con gái/ Mai này đốt khói có bay? Những lời tự thoại, độc thoại với "anh" trong cạn khô nước mắt đến nỗi "em" nhận ra "cỏ đã mọc cả gối chăn".

Sự phũ phàng của lòng người sẽ mãi là vết xước trong suốt miền ký ức và về sau dù cố quên hay nhớ, thì sự hẫng hụt cũng đầy tràn như nhau. Chúng ta ở nơi nào trên cùng một đường thẳng/ Đoạn cuối hay đoạn đầu/ Ngã ba hay ngã bảy/ Mây cũng lả/ Phân tầng// Và em phải đi xa…//Chiều nay hối hả cánh chuồn kim va cành chà rào nhức nhối/ Gió xuân gài tóc vài lọn lơ thơ/ Mới hay mình chưa một lần lưng mình ngược gió/ Bạt chiều người phản bội (Căn phòng tam giác).

Bìa sách

Có những đoạn đường đã qua, khi nhắc nhớ không phải để giận hờn hay phán xét mà đơn giản chỉ là sự liền mạch của thời gian. Mới đó thôi mười lăm năm đối mặt/ Chiếc nơ hồng bung nhạt mấy triền sông/ Hoa lục bình không cõng nổi nước ròng/ Chúng mình quên, xưa đã từng mắc nợ (Giấc mơ mùa thu).

Nếu con người có đặc quyền băm vằm ký ức, để chọn cho mình những phân đoạn hân hoan tươi sắc và vĩnh viễn quên đi những "đoạn trường" thì có lẽ cuộc đời cũng sẽ đơn thuần như cốc trà vừa nhạt, trôi qua cổ họng rồi quên, chẳng ấm nóng cũng không đọng lại dư vị ngọt đắng đến tận cùng. Anh chở ngày xưa đi đâu. Trong em có ngày mưa móc. Trong em có lần mắt mộc/ Mùa thu như chiếc lá. Em gạn đến giọt cuối cùng/ Và chúng mình thành người dưng(Thấy tóc mình bạc lẫn gối chăn).

Đi qua những hụt hẫng, dối lừa, vượt qua bao giông bão cuộc đời mình, Thy Nguyên đã gác lại "niềm riêng" để chăm lo, nuôi nấng những đứa con. Dẫu lòng mình suốt bốn mùa ngâu lạnh. Nhìn vào con với bao nhiêu hồn nhiên thơ trẻ, rồi năm tháng trở về, năm tháng đi qua, mắt môi nào của tuổi mười lăm, mười tám đã neo chị lại với bao niềm hi vọng để chị vững vàng hơn bước đi trong năm rộng tháng dài. Da con xanh, dáng con mỏng đêm qua chập chờn giấc mẹ/ Sáng nay lẫn vào cổng trường mười tám/ Có hạt mưa vô tình đậu trên nhành mắt/ Con hỏi mẹ khóc à/ Mẹ vội vã gạt đi (Đưa con đi thi).

Hôm nay tiễn con đi ở trọ/ Gặp lại ngày xưa ở giữa ngã ba/ Ngã ba tuổi hai mươi/ Ngã ba đường chân trời/ ... / Mẹ nắn nót chân mình đặt lên vết chân con (Tiễn con đi ở trọ).

Chơ vơ thân phận, đa đoan kiếp mình nên nhà thơ Thy Nguyên càng đau đáu niềm thương, cảm thông sâu sắc về những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Nhất là đấng sinh thành luôn dõi theo con, quan tâm lo lắng cho con. Vì thế, giữa dòng đời bất trắc, những khi va vấp, chị lại muốn được trở về bên mẹ. Tháng ba giặt áo nàng Bân/ Dặn con lớn lên "lấy chồng gần"/ Con cãi mẹ lời xưa bay theo gió/ Tiễn con, đầu làng hoa gạo nhức vai//Mưa tháng ba không đủ ướt áo/ Bụi bay bay theo tơ tóc tần ngần/ Con đoạn gánh về làng ngày xoan tím/ Mẹ vẫn ngồi giặt áo phía nàng Bân… (Nhớ mẹ). Và với mẹ chồng, dẫu đoạn đường ngày thêm xa cách nhưng chị vẫn vẹn thương và da diết nỗi đời: Mẹ ơi! Cây thị ngoài vồng/ Còn xanh lá quả, còn dông gió lùa/ Một đời khé rụng chát chua/ Đã thua lẽ mọn đã vừa mặn môi// Mẹ làm lẽ thuở bình vôi/ Đàn con người trước bời bời nhiễu khê/ Đời thừa nhúm lạt mẹ về/ Cong cong đòn gánh buộc lề thói quê//…// Con đi ngày ấy thềm rêu/ Chăm chăm mót hạt, cời mềm ngõ xưa/ Chiều nay nhớ mẹ người xưa/ Cứ quanh quẩn khóc... bưng mưa bạn bầu// Mẹ chồng ngày trước con dâu/ Bánh xe tước cả hai đầu nhớ quên… (Nhớ mẹ chồng).

Có những câu thơ của Thy Nguyên, lúc đọc xong, người ta không còn muốn đào sâu phân tích hay diễn giải bất cứ điều gì nữa. Bởi những con chữ kia là ký tự cuộc đời chị, là chấp chới niềm đau, là mang mang bao nỗi đắng đót. Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?/ Nắng cứ mềm uống những lần em khóc/ Trăm hiu hắt đuổi nhau thành mưa móc/ Phố gối đầu lên sóng tắm ba mươi…/ An nhiên nằm ngoài, bất định nằm ngang/ Hạnh phúc nhỡ độ đường, dùng dằng hun hút/ Tóc người bạc lẫn gối chăn vuống vức/ Đặt căn phòng trong tam giác heo may/ Vai anh lệch, chiều dứt áo em đau/ Tigon hồng cứ âm thầm hồng vỡ/ Một chiếc lá vàng thêu một lần son nhạt/ Lối cửa sau gió chuốc gió say mèm... (Phố vợ cũ).

Và dẫu "thấy tóc mình bạc cả gối chăn", dẫu trái tim đàn bà đôi lúc yếu mềm bật khóc thì nữ sĩ Thy Nguyên vẫn kiêu hãnh bước đi, kiêu hãnh trong sự cô đơn tận cùng của cuộc đời để tự ru giấc mình trong căn phòng của thực tại. Ngủ đi em/ Mai là năm khác/ Cánh cửa mở đón ngọn đông phong xù xì/ Cánh nào chưa kịp đóng/…/Ngủ đi em/ Mắt tắm mùi già/ Tóc hong bồ kết/ Cánh cửa đóng- mở/ Dẫu năm nào cũng lượm hạt mưa xiên… (Cuối năm).

Nghĩ về thân phận mình, nhà thơ không khỏi chạnh lòng, day dứt khi "tổng kết" lại quãng đời mà mình đã đi qua và cả thực tại hôm nay với nhiều cung bậc cảm xúc: "Tự vấn"; "Cũ - mới"; "Đong đếm", "Nửa đời quán trọ"; "Tiếng cô đơn cuộn guốc giày"; "Giấc mơ mùa thu", "Giặt lại bình minh"; "Mượn duyên về lau thành cửa"...

Thy Nguyên từng nói rằng: "... và con người đáng buồn nhất chính là đánh rơi hay phải mất đi ký ức…". Đoạn đường nào đã đi qua, dẫu vui, dẫu buồn, dẫu chênh vênh cũng đều là duyên phận. Gặp lại Thy Nguyên, sau bao nhiêu năm quăng vật nhưng chị vẫn sắc sảo, đa tài, vẫn nụ cười không phai dấu tháng năm; bỗng dưng tôi lại nhớ đến câu Kiều của Nguyễn Du: "Bắt phong trần, phải phòng trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao"...

Phố vợ cũ là tiếng lòng tha thiết, được chắt lọc qua những tháng năm thăng trầm của nhà thơ Thy Nguyên. Vì thế, với những người đàn bà đã từng gặp trắc trở trên con đường hạnh phúc đều tìm thấy ở thơ chị sự đồng điệu, tri âm./.

Nguyễn Văn Hòa

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/noi-niem-than-phan-dan-ba-o-pho-vo-cu-cua-thy-nguyen-20231014124415329.htm