Nỗi niềm của nhân viên y tế chăm sóc người tâm thần

Chăm sóc người tâm thần, nhất là những người đã mất kiểm soát hành vi luôn gặp rất nhiều khó khăn đối với cả nhân viên y tế cũng như người nhà.

Nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Hải Dương phục hồi chức năng cho bệnh nhân

Mệt mỏi khống chế hành vi

Hải Dương hiện có hàng nghìn người mắc các triệu chứng về bệnh tâm thần thuộc nhóm rối nhiễu tâm trí, tâm thần phân liệt... Đây là dạng bệnh lý tâm thần mạn tính, người mắc bị suy giảm khả năng nhận thức, ý thức không được tỉnh táo như người bình thường. Họ có khả năng mất kiểm soát hành vi, khiến những người chăm sóc gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Cuộc sống của gia đình bà T.T.Đ. (82 tuổi) ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) hoàn toàn bị xáo trộn kể từ khi 2 người con trai mắc bệnh tâm thần, không thể lao động, tự chăm sóc bản thân. Trong đó, 1 người mắc bệnh nặng mất hết khả năng nhận biết, đập phá mọi thứ đồ đạc trong nhà. Bà Đ. phải nhờ người làm cũi nhốt anh này lại vì bà không còn đủ sức khỏe để cản mỗi khi anh không kiểm soát được hành vi. Người con còn lại bệnh nhẹ hơn nhưng lại thường xuyên bỏ nhà đi không lý do, mấy ngày sau mới về. Mới đầu, bà Đ.còn đích thân hoặc nhờ người đi tìm, giờ sức khỏe yếu, bà đành phó mặc chờ con tự về.

Ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương (Gia Lộc) có những dãy nhà luôn trong tình trạng kín cổng cao tường, có khung sắt bao bọc chạy dọc hành lang. Đó là nơi chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần mất hết ý thức, không kiểm soát được hành vi. Bác sĩ Ngô Lê Phong, Trưởng Khoa 2 cho biết chăm sóc và quản lý người bệnh của các nhân viên y tế ở đây rất vất vả, mệt mỏi. Nhiều bệnh nhân không kiểm soát được ý thức dẫn đến hành động hủy hoại bản thân bằng bất kể vật dụng gì. Có lần thấy nhân viên y tế không để ý, bệnh nhân đã lấy thanh inox của cáng bệnh nhân nẹp cổ tự tử hay lao đầu vào góc nhọn tường. Để quản lý tốt bệnh nhân, bệnh viện đã phải loại bỏ tất cả vật dụng có nguy cơ sát thương ra khỏi phòng bệnh, đồng thời cử nhân viên y tế kết hợp với người nhà giám sát bệnh nhân 24/24 giờ.

Lo lắng cho tương lai

Với những gia đình có người tâm thần (NTT) mạn tính, mất khả năng nhận thức, việc chăm sóc luôn rất vất vả, khó khăn, thậm chí kéo dài. Nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng khi họ mất đi không biết tương lai của những đứa con tâm thần sẽ ra sao.

Ông L.V.B. ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) năm nay 80 tuổi. Ông có một cô con gái sinh năm 1976 mắc bệnh tâm thần. Chị này không thể giao tiếp bình thường, thường xuyên đi lang thang, đau ốm triền miên. 6 năm nay, sau khi vợ mất, ông B. tự tay chăm sóc con. Ông bảo: “Không biết khi tôi mất đi thì cuộc sống của con bé sẽ ra sao. Dù có anh chị em nhưng ai cũng còn phải lo cuộc sống của mình. Chăm lo một NTT suốt cả cuộc đời là việc không dễ dàng gì”. Nói rồi, ông B. lau nước mắt vì thương con.

Hoàn cảnh của gia đình bà Đ. ở xã Cẩm Chế nêu trên cũng rất đau lòng. Khi các con trai của bà đổ bệnh, con dâu đã bỏ nhà đi, để lại gánh nặng trên vai mẹ già. Thương hoàn cảnh của bà, những năm gần đây các thành viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trong thôn luân phiên nhau hằng tuần đến giúp bà Đ. dọn dẹp nhà cửa, tắm gội cho hai anh. Bà Đ. luôn canh cánh trong lòng nỗi lo không biết các con sẽ sống ra sao sau khi bà mất đi.

Hiện những NTT trong Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và Xã hội Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) ở TP Chí Linh đều được Nhà nước chu cấp tiền ăn hằng ngày, miễn phí chăm sóc, điều trị. Tuy nhiên, có gia đình phó mặc người bệnh cho nhân viên chăm lo. Có trường hợp con cái, anh em của người bệnh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi trung tâm cần thông báo tình hình sức khỏe, ngày nghỉ của bệnh nhân thì không ai chịu nhận. Ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương có không ít bệnh nhân phải điều trị dài ngày, người nhà đã bỏ về phó mặc việc chăm sóc cho nhân viên y tế. Điều này cho thấy dù có quan hệ tình thân nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận chăm sóc NTT lâu dài.

Ở Hải Dương hiện mới chỉ có các trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần là người có công, lang thang cơ nhỡ, số lượng rất hạn chế. Đa phần người tâm thần trong cộng đồng sống dựa vào người thân. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chất lượng sống của NTT sẽ bị hạn chế, đặc biệt là những người nhiều tuổi, bố mẹ đã mất, sống dựa vào anh em, họ hàng.

Để bảo đảm cuộc sống cho NTT, những người thân trong gia đình cần dành tình cảm chăm lo, cảm thông với những thiệt thòi họ phải gánh chịu. Cùng với sự phát triển của xã hội, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần xem xét xây dựng trung tâm chăm sóc NTT, mở rộng nhóm đối tượng tiếp nhận theo các hình thức khác nhau, có thể huy động, vận động các nguồn xã hội hóa…

Theo bác sĩ Phong thì những trường hợp bệnh tâm thần phát sinh do ảnh hưởng của môi trường, tác động của ma túy, rượu… gia đình cần kịp thời phát hiện, đưa đến cơ sở y tế điều trị. Ngày nay, khoa học kỹ thuật đã có nhiều tiến bộ sẽ giúp can thiệp, giảm thiểu nhiều biến chứng cho NTT, giúp họ ổn định hơn.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te/noi-niem-cua-nhan-vien-y-te-cham-soc-nguoi-tam-than-149085