Nỗi niềm bãi nổi Phú Động

Trải dài hàng nghìn năm, bãi nổi hình con rùa khổng lồ giữa sông Hồng đoạn chảy qua thị trấn Cẩm Khê từng là xóm làng trù phú với cây đa, bến nước, sân đình, đồng đất phì nhiêu, sản vật phong phú. Biến động qua thời gian, bãi nổi Phú Động giờ vẫn mướt mát màu xanh cây trái, dẫu những người lao động đang ngày càng thưa vắng, trĩu nặng tâm tư trước cảnh 'đinh điền bất nhất', hộ khẩu một nơi, đất canh tác một chốn...

Bãi nổi Phú Động.

Làng giữa sông

Đến giờ chẳng còn ai nhớ, cũng không còn thư tịch cổ nào thể hiện chính xác bãi nổi Phú Động hình thành nên từ năm nào, ai là người đầu tiên lên đây khai phá đất hoang, lập nên chòm xóm. Mới đây, có nhà nghiên cứu về công bố các tài liệu thu thập được, khẳng định từ thời Khúc Thừa Dụ (905-907) bãi nổi này đã có tên là Lỗ Động Trang, đến thời nhà Lý gọi là ấp Phù Sa, đến thời Lê- Trịnh, bãi nổi chính thức mang tên Phú Động, với mong ước về cuộc sống sung túc, thanh bình. Đình làng Phú Động còn Ngọc phả do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính (1525-1605) soạn năm Hồng Phúc nguyên niên 1572, thời Vua Lê Anh Tông (1556-1572)... Dân làng Phú Động giờ không mấy người am tường sử sách, gốc tích cả nghìn năm trước, nhưng trong ký ức các bậc cao niên thì cuộc sống trù phú, yên bình của làng nổi Phú Động xưa vẫn sống động, vẹn nguyên như vừa mới hôm qua...

“Tứ bức duyên giang” (bốn bề là sông), Phú Động không có diện tích cố định mà tăng giảm theo mùa mưa lũ mỗi năm với phần đất ổn định khoảng 80 mẫu, 17ha đất bồi bãi non. Hữu ngạn sông Hồng thuộc đất Cẩm Khê, tả ngạn giáp Thanh Ba, kéo dài từ bến đò Chí Chủ (thị trấn Cẩm Khê) đến giáp bến đò Chủ Chè (xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê). Vị trí đắc địa này đã tạo nên lợi thế để Phú Động từng được lựa chọn là căn cứ địa an toàn cho các nghĩa quân thời phong kiến, các chí sỹ yêu nước, cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Bóng đa cổ thụ phủ bóng Chùa Thanh Động.

Tích tụ, bồi đắp phù sa quanh năm từ sông Hồng, đồng đất Phú Động phì nhiêu, màu mỡ hơn hẳn các vùng miền quanh khu vực. Đặc trưng thổ nhưỡng đã ưu đãi cho nơi đây nhiều sản vật nức tiếng gần xa. Hơn ba thập niên trước, Phú Động vẫn còn hàng trăm gốc vải cổ thụ, gốc to mấy người ôm, tán xum xuê. Mùa vải chín, sắc đỏ rực cả vùng đất bãi, chim tu hú tờn cánh rợp trời. Vải Phú Động quả to, cùi dầy trong như thủy tinh, hạt nhỏ chỉ bằng đầu đũa, đỏ như son, ăn giòn, có vị ngọt thanh, hương thơm hấp dẫn không đâu có. Tương truyền đây là sản vật tiến Vua thời trước. Cùng với đó là cánh đồng mía, chuối bạt ngàn với chất lượng vượt trội...

Cư trú lâu đời trên bãi nổi, ngoài làm nông, dân làng Phú Động nổi danh tháo vát, khéo léo với nghề chài lưới, kéo mật, làm nón lá, áo tơi... “Phú quý sơn lâm hữu khách tầm”, đã có thời bãi nổi giữa sông tấp nập đò ngang, thuyền dọc, nhộn nhịp thương lái đến thu mua, trao đổi hàng hóa. Cuộc sống dân làng nhờ đó cũng no đủ, sung túc hơn hẳn các vùng liền kề. Khu có cả trường mẫu giáo, tiểu học, lên đến bậc THCS học sinh mới phải đón thuyền vào bờ theo học tiếp.

Cũng như các làng quê miền Bắc, Phú Động có Đình thờ Thành hoàng làng, chùa Thanh Động dưới tán đa cổ thụ. 16 dòng họ từng khai hoang, sinh cơ lập nghiệp trải qua hàng nghìn năm giờ vẫn còn dấu tích qua những ngôi mộ cổ và hậu duệ cả trăm gia đình với nhiều người vẫn đang tiếp nối ông cha, ngày đêm cần mẫn trên đồng đất bãi nổi giữa sông với mong ước cuộc sống trù phú, sung túc như tên gọi của làng...

Ngày bốn lượt, người lao động đi về bãi bồi.

“Đinh, điền bất nhất”

Trải qua hàng nghìn năm khai hoang lập xóm, biến động lớn nhất đối với dân làng Phú Động là trận lũ năm Mậu Thân 1968. Năm ấy mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, bãi nổi Phú Động lâm vào cảnh ngập lụt. Bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chính quyền đã vận động, kêu gọi dân làng Phú Động di cư vào đất liền sinh sống.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim- Bí thư chi bộ Phú Động (thị trấn Cẩm Khê) nhớ lại: “Thời điểm bấy giờ, làng Phú Động có khoảng một trăm hộ, tất cả đã đồng loạt thu dọn đồ đạc, chuyển nhà vào bờ sinh sống. Một số gia đình có người thân quen ở các xã, huyện lân cận đã chuyển đến ở cùng còn lại phần lớn người dân sinh sống tập trung ngay trên khu vực bờ sông đối diện với bãi bồi, thành lập nên khu mới Phú Động thuộc xã Phú Khê. Năm 1996, khu Phú Động sáp nhập về thị trấn Cẩm Khê cho đến ngày nay...”.

Về nơi ở mới, nhưng mồ mả cha ông, đất canh tác vẫn giữa lòng sông nên đều đặn ngày bốn lượt đi về, dân làng trong độ tuổi lao động vẫn cần mẫn vượt sông mưu sinh nơi bãi nổi. Theo thời gian, đồng đất xưa vẫn đấy nhưng cảnh tấp nập, nhộn nhịp, trù phú ngày nào đã dần lùi vào ký ức. Các sản vật nức tiếng ngày nào cũng mai một, thưa vắng dần. Hàng vải cổ thụ đặc sản giờ chỉ còn sót lại đúng một cây đã chết ngọn, mọc chồi. Cánh đồng mía cũng không còn hiện hữu do mất giá, hiệu quả kinh tế không cao. Nghề kéo mật, làm nón lá, áo tơi... giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Mấy năm gần đây, dòng chảy sông Hồng thay đổi thất thường, 80 mẫu đất ổn định giờ chỉ còn 60 mẫu có thể canh tác, 20 mẫu còn lại thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa lũ nên chỉ có thể để cỏ mọc để tận dụng chăn nuôi gia súc. Cũng đã có doanh nghiệp đến khảo sát để đầu tư dự án du lịch quy mô lớn nhưng rồi họ đến lại đi mang theo niềm hy vọng của người dân bãi nổi.

Khu Phú Động giờ có 126 gia đình, đất canh tác được chia đều cho các khẩu nhưng hiện chỉ có 40 hộ đang làm lán trại, trực tiếp canh tác trên bãi nổi. Mấy năm gần đây, do thu nhập thấp, công việc nặng nhọc, người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, đầu quân cho các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp ngày càng nhiều, số lượng lao động qua lại bãi nổi cũng dần thưa thớt. Khu góp chung kinh phí, sắm con đò máy, ngày bốn lượt đưa đón mọi người qua sông làm đồng...

Không có nước sạch sinh hoạt, người lao động lập trại sản xuất bên bãi nổi phải dùng nước giếng đào, đánh phèn.

Không điện lưới, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông..., cuộc sống của người lao động lập trại bên bãi bồi vất vả, thiếu thốn tứ bề. Vừa trải qua cơn tai biến mạch máu não thập tử nhất sinh, ông Thân Công Phong có dáng vẻ già yếu, mệt mỏi hơn so với tuổi 60. Sinh ra trên bãi nổi, trưởng thành, lập gia đình riêng, vợ chồng ông lại nối nghiệp cha ông ra đây mưu sinh. Con cái đã khôn lớn trưởng thành, ông bà lập trại bên bãi bồi. Trong căn lán ẩm thấp, mờ tối nép dưới vườn chuối um tùm, ông Phong chậm rãi chia sẻ: “Nhà có hai mẫu đất trồng chuối và ngô, lạc, đỗ theo vụ. Sức yếu nên không thể cáng đáng được nhiều, chúng tôi chăn nuôi thêm bốn con trâu và đàn gà. Thu nhập không cao nhưng chịu khó làm thì cũng đủ sống...”.

Trẻ tuổi nhất trong số những người bám bãi nổi làm trại mưu sinh, anh Thân Công Nhất vừa bước sang tuổi 41 nhưng đã có hơn hai mươi năm gắn bó với việc canh tác trên bãi bồi. Vợ làm công nhân trong doanh nghiệp bên kia sông, anh cần mẫn chăm sóc ba mẫu chuối phấn, ngô, chăm sóc bốn con trâu và đàn gà gần trăm con. “Mình tôi gắng sức làm, không thuê mướn để tiết kiệm tối đa chi phí, tuy nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi, mới có thể thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Giờ đi làm thuê ở đâu cũng có thu nhập cao hơn nhưng đã quen với việc nhà nông, vả lại đồng đất cha ông để lại nên mình cũng không nỡ rời bỏ...”.

Cũng như anh Nhất, một trong những lý do quan trọng mà người dân Phú Động vẫn cần mẫn bám đất bãi bồi mưu sinh là do quá tuổi để làm công nhân các khu, cụm công nghiệp; đã quen với công việc nhà nông và tình cảm gắn bó sâu nặng với đồng đất cha ông đã khai phá, trao truyền cho con cháu từ hàng nghìn năm trước.

Kênh tiêu nước do người dân tự đào.

Vướng mắc lớn nhất của người dân Phú Động hiện giờ là hộ khẩu thuộc thị trấn Cẩm Khê nhưng đồng đất canh tác lại thuộc xã Phú Khê. Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Kim than thở: “Cảnh một chốn đôi nơi, đinh điền bất nhất đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất. Cũng là đồng bãi nhưng Phú Động chưa được đầu tư một mét đường giao thông nội đồng nào. Kênh thoát nước do người dân tự làm lấy, còn nước tưới phụ thuộc cả vào trời. Đình, chùa trên bãi nổi có lịch sử cả nghìn năm tuổi, khu đã nhiều lần đề nghị được làm thủ tục công nhận, xếp hạng di tích nhưng vẫn chưa được chính quyền chủ quản quan tâm xem xét. Mong ước lớn nhất của chúng tôi hiện giờ là được “hợp nhất” về một mối, được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ sản xuất, đời sống như những khu dân cư khác...”.

Gà đất bãi được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá thành cao hơn hẳn.

Đồng cảm với mong muốn của người dân khu Phú Động, đồng chí Trần Văn Thảo- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Cẩm Khê cho biết: “Chi bộ Phú Động hiện có 30 đảng viên đang sinh hoạt, nhiều năm liên tục được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các phong trào, hoạt động do Đảng ủy, chính quyền phát động đều được các đồng chí trong Chi bộ nhiệt tình tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Khó khăn lớn nhất hiện nay của khu Phú Động là hộ khẩu người dân một nơi và đất sản xuất lại thuộc địa phương khác. Mới đây, chúng tôi cũng đã hỗ trợ khu 40 triệu đồng kinh phí làm cống thoát nước. Thị trấn cũng muốn đầu tư, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp nhưng rất khó vì đồng đất không thuộc địa bàn mình. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết triệt để tình trạng này để người dân vơi bớt thiệt thòi, ổn định đời sống, phát triển sản xuất...”.

Quá trưa, tiếng người gọi nhau lên thuyền máy về bên kia sông khiến đàn cò trắng đang đậu trên bãi bồi đồng loạt cất cánh trắng xóa triền sông. Đồng đất màu mỡ vẫn mướt mát màu xanh cây trái, hoa màu nhưng để cuộc sống người dân nơi đây thực sự trù phú như mong muốn từ thời xa xưa khi cổ nhân lựa tên Phú Động thì cùng với sự cần cù, chịu khó, tư duy đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân còn rất cần đến các giải pháp hữu hiệu của chính quyền, cơ quan chức năng. Còn hiện tại, Phú Động vẫn đợi...

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/noi-niem-bai-noi-phu-dong/204274.htm