Nơi những giấc mơ còn dang dở…

Hệ lụy của tệ nạn ma túy, tảo hôn, sinh nhiều con đang khiến nhiều bản người Mông ở xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đến nay vẫn nhọc nhằn trong đói, nghèo. Những giấc mơ tới trường của nhiều em học sinh vì thế mà dang dở, đứt đoạn…

Thiếu tá Phàng A Mang, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập trao đổi với Trưởng bản Buốc Quang để nắm tình hình an ninh trật tự trong cộng đồng. Ảnh: Phương Tú

Mong manh những cảnh đời khốn khó

Cho đến khi chiếc xe Win của Thiếu tá Phàng A Mang, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La chật vật vượt qua những con đường đất bé xíu, dốc ngược, tôi mới hiểu câu “ngồi sát, bám chặt” mà anh Mang nói trước đó không phải là một câu đùa. Quả thực, những đoạn đường lên bản Pha Nhên (xã Lóng Sập) xấu hơn rất nhiều so với tôi hình dung.

Đã có hẹn trước nên Trưởng bản Pha Nhên - anh Tráng A Khai vẫn ở nhà đợi chứ không đi nương như mọi ngày. Thấy tôi ngỏ ý muốn đến thăm một vài hộ nghèo của bản, anh Khai nhanh nhẹn: “Bản có 38 hộ thì có tới 20 hộ nghèo, xem nhà nào ở nhà thì qua thôi”.

Trò chuyện với anh Khai, tôi được biết, dân bản Pha Nhên còn nghèo là do đời sống chỉ dựa vào 1 vụ lúa nương và 1 vụ ngô mỗi năm. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, thời tiết ở Lóng Sập rất lạnh, lúa, ngô trồng vẫn lên nhưng không trổ bông. Nhiều nhà trong bản đang tháng 5 mà đã hết gạo để ăn.

Dẫn chúng tôi đi theo lối đi tựa sống trâu, vòng quanh các mảnh nương để đến nhà hộ nghèo Tráng Láo Dơ, anh Khai cho hay, căn nhà xây này là ông Dơ mới được Nhà máy sữa Mộc Châu tặng. Trước đó, cả nhà ông Dơ sống trong túp lều rất tiêu điều.

Đã được anh Khai nói trước nhưng khi ông Dơ và lũ trẻ xuất hiện, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Chưa đến 50 tuổi nhưng ông Dơ nhìn như ông cụ 70 tuổi. Trên tay ông là một bé gái còn “đỏ hỏn”, sau lưng là 3 bé gái tầm 7-8 tuổi, còi cọc, sàn sàn nhau, tóc vàng cháy nắng, mặt mũi nhom nhem. “Em bé được 1 tháng tuổi thôi, nhưng theo lên nương mấy hôm nay rồi”- ông Dơ vừa nói, vừa bối rối vì không kiếm nổi một chỗ trong căn nhà để mời khách ngồi. Khi được hỏi: “Sao già rồi, khổ thế mà sinh nhiều con vậy?”, ông bảo: “Muốn có con trai, sau này còn có người ở cùng, cúng cho lúc ốm đau”.

Thấy tôi xót xa, ái ngại khi chứng kiến gia cảnh đã nghèo khó còn đông con của nhà ông Tráng Láo Dơ, anh Phàng A Mang cho biết, những trường hợp như ông Dơ, gần như bản Mông nào cũng có, có những hoàn cảnh còn đáng thương hơn rất nhiều.

Rời nhà ông Tráng Láo Dơ, chúng tôi đi thêm cả chục cây số đường đất để tới nhà của ông Hạng A Nhề, ở bản Buốc Quang. Căn nhà được dựng bằng tre nứa mong manh, 4 bề gió lùa nay lạnh lẽo hơn bởi vợ ông Nhề đang chịu án tù 16 năm về tội vận chuyển ma túy, ông Nhề thì đi cai nghiện tập trung... Vắng cha mẹ, 4 đứa con đẻ, 1 con dâu và 1 đứa cháu của ông Nhề ở nhà mòn mỏi nuôi nhau, ăn bữa nay, lo bữa mai.

Từ bản Buốc Quang, chúng tôi sang bản Pha Đón và không khỏi xót xa khi nghe Trưởng bản Pha Đón - anh Mùa A Di kể về trường hợp gia đình ông Hạng A Sò. Ông Sò đi cai nghiện chưa về, thì vợ ông cũng theo ông đi cai nghiện, để lại 3 đứa con ở nhà. Con lớn mới 12 tuổi, con bé còn chưa nói sõi. Ông Sò hoàn thành cai nghiện trở về thì lại đi theo vợ mới. Ba đứa con của ông Sò có cha, có mẹ, nay lại phải chịu cảnh côi cút. Con đường tới trường của các em vốn đã gập ghềnh giờ lại thêm trắc trở...

Cách nhà ông Sò không xa, 5 chị em Hạng Thị Sua cũng đang sống cảnh côi cút do cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng. Nhìn cô bé Sua đang học lớp 7 phải nghỉ học ở nhà gạn nước cơm cho em gái 6 tháng tuổi ăn, địu em trên nương đi hái rau để mấy chị em sống qua ngày, mới hiểu con chữ vì đâu cứ rơi rụng mỗi ngày...

Cần giải pháp tổng thể với nguồn lực bền vững

Những gia đình mà chúng tôi ghé qua có một điểm chung dễ nhận thấy là gia đình nào cũng sinh nhiều con, hầu hết đều từ 4 con trở lên. Nhẩm tuổi con và tuổi bố mẹ thì lại thấy, hầu hết các cặp vợ chồng lấy nhau từ khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Ngay như Trưởng bản Pha Nhên - anh Tráng A Khai cũng sinh 4 con, con lớn 12 tuổi, con bé nhất mới 4 tuổi.

Những đứa trẻ trong cùng một gia đình nghèo ở bản A Lá, xã Lóng Sập. Ảnh: Phương Tú

Mưu sinh đã khó khăn lại sinh con nhiều nên cuộc sống của nhiều gia đình người Mông, đời này qua đời khác cứ thường xuyên trong cảnh nghèo, đói. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn ma túy hoành hành ở Lóng Sập, kéo theo cảnh người lớn đi tù, đi cai nghiện; trẻ em côi cút trong cơn khát sữa, đói cơm. Bố vợ của Trưởng bản Mùa A Di cũng không ngoại lệ, hơn 70 tuổi, ông vẫn phải ra - vào trại cai nghiện...

Ông Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập cho biết, xã Lóng Sập có 6 bản người Thái và 8 bản người Mông. Đến nay, các bản người Thái, cuộc sống đã cải thiện hơn rất nhiều, nhưng với 8 bản của đồng bào Mông thì mới có bản Phiêng Cài chuyển biến tích cực, các bản Mông còn lại vẫn đang rất khó khăn. Nếu như tệ nạn ma túy đã và đang được lực lượng Công an, Biên phòng từng bước xử lý và đã có nhiều tín hiệu tích cực thì tảo hôn và sinh nhiều con vẫn là vấn đề nhức nhối của các bản người Mông ở Lóng Sập, mặc dù việc tuyên truyền thường xuyên được chính quyền xã thực hiện.

“Tuyên truyền là thế nhưng đôi khi vẫn bế tắc trước rào cản phong tục, tập quán lâu đời của đồng bào” - Bí thư Lò Văn Nước cho hay. Ông Nước đưa ra ví dụ: Trưởng bản Co Cháy (cũng là người Mông) đã có 3 người con, cả trai, cả gái, song vẫn sinh con thứ 4. Hay ở bản Phiêng Cài (bản Mông đang chuẩn bị “về đích” nông thôn mới), có 1 nữ đảng viên duy nhất là người Mông sinh 4 con gái, song nhà chồng vẫn mong muốn đẻ thêm để có con trai...

Trao đổi với chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, được biết, không chỉ cử 2 cán bộ xuống tăng cường ở xã Lóng Sập, trong các chuyến công tác lên với các bản làng, bên cạnh việc tuyên truyền về phòng, chống ma túy, việc tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng được các cán bộ Biên phòng lồng ghép thường xuyên. Thậm chí, nhiều năm nay, từ nguồn kinh phí quyên góp bởi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập vẫn duy trì Chương trình “Bữa sáng cho em” tại điểm trường Mầm non Buốc Pát để trẻ em người dân tộc Mông nơi đây chăm chỉ tới trường...

Tuy nhiên, những cố gắng trên xem ra vẫn vô cùng nhỏ nhoi trước hủ tục đang tồn tại nhiều chục năm nay ở xã Lóng Sập. Có những giải pháp tổng thể, lâu dài, quyết liệt với nguồn lực bền vững cho xã biên giới này là vấn đề cần sớm được thực hiện. Có như thế thì con đường tới trường của các em nhỏ người dân tôc Mông mới bớt gập ghềnh và ước mơ theo đuổi con chữ của các em sẽ không còn dang dở.

Phương Tú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-nhung-giac-mo-con-dang-do-post451377.html