Nơi người dân phải học lại cách cười

Sau thời gian dài thường xuyên che mặt, nhiều người Nhật Bản nhận thấy khuôn miệng của họ bị gượng gạo và đi học cách cười trở lại để thích nghi với thế giới không khẩu trang.

Bên trong một tiết học của "chuyên gia đào tạo nụ cười" Keiko Kawano, hơn chục học viên đến từ trường nghệ thuật Sokei ở thủ đô Tokyo đồng loạt giơ gương soi lên mặt, dùng ngón tay kéo căng hai bên khóe miệng.

Tất cả có chung mục đích: học cách cười một cách tự nhiên nhất, Reuters đưa tin.

Học cách mở miệng cười là điều đa phần đều nghĩ rằng là bản năng của con người, không cần thiết phải trả tiền và đến lớp, học hành bài bản để thực hiện. Nhưng dịch vụ mà Kawano cung cấp đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt ở Nhật Bản thời hậu Covid-19.

Biểu cảm gượng gạo sau khi tháo khẩu trang

Kể từ khi chính phủ nới lỏng quy định đeo khẩu trang vào tháng 3, lượng người dân Nhật Bản tìm đến các lớp học dạy cười đã tăng vọt.

 Dưới lớp khẩu trang, người đeo không nâng cơ má hoặc mỉm cười nhiều. Khi bỏ ra, nhiều người nhận ra nụ cười của họ trở nên gượng gạo.

Dưới lớp khẩu trang, người đeo không nâng cơ má hoặc mỉm cười nhiều. Khi bỏ ra, nhiều người nhận ra nụ cười của họ trở nên gượng gạo.

Công ty “Giáo dục nụ cười” Egaoiku do Kawano đứng đầu đã chứng kiến nhu cầu người đăng ký học cao gấp 4 lần so với năm ngoái. Một giờ học 1-1 có giá 7.700 yen (55 USD).

Khách hàng từ các công ty đang muốn xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng có thái độ niềm nở hơn, cho đến chính quyền địa phương đang tìm cách cải thiện phúc lợi cho cư dân của họ.

Nữ sinh viên Himawari Yoshida (20 tuổi) nói mình tham gia lớp học như một phần trong các khóa học của trường cô đăng ký để chuẩn bị gia thị trường việc làm. Yoshida tin rằng mình cần "rèn luyện nụ cười" nhiều hơn.

"Tôi đã không sử dụng cơ mặt nhiều trong vài năm qua, do đó cần luyện tập trở lại", cô giải thích.

3 tháng sau khi chính phủ dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang, nhiều người vẫn coi đây là vật bất ly thân khi ra đường. Một cuộc thăm dò của đài truyền hình công cộng NHK vào tháng 5 cho thấy 55% người Nhật nói rằng họ vẫn đeo thường xuyên. Chỉ 8% cho biết họ đã dừng đeo khẩu trang hoàn toàn.

Công việc của "chuyên gia đào tạo nụ cười" Keiko Kawano liên tục bận rộn hơn trong 3 tháng trở lại đây.

Công việc của "chuyên gia đào tạo nụ cười" Keiko Kawano liên tục bận rộn hơn trong 3 tháng trở lại đây.

Lý do cho xu hướng này bắt nguồn từ việc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, thực tế là từ trước khi Covid-19 xảy đến, việc đeo khẩu trang ở Nhật Bản đã là điều bình thường, đối với những người lo mình bị nhiễm cúm, vi khuẩn từ môi trường xung quanh.

Ngay cả ở trong lớp của Kawano, khoảng một phần tư số học viên trẻ cũng đeo khẩu trang trong suốt buổi học.

Ngoài lý do mọi người đã quá quen với việc che mặt khi ra đường, Kawano lý giải thêm nhiều người muốn đeo vì phụ nữ thấy dễ dàng hơn khi ra ngoài mà không trang điểm và đàn ông có thể che giấu đi việc họ chưa cạo râu.

Lộ đúng 8 chiếc răng

Thành lập từ năm 2018, công ty “Giáo dục nụ cười” Egaoiku cung cấp các khóa học trực ootuyến và trực tiếp về cách thể hiện một nụ cười hoàn hảo.

 Mỗi buổi học cách mỉm cười thường kéo dài một giờ, với các bài luyện tập cơ mặt.

Mỗi buổi học cách mỉm cười thường kéo dài một giờ, với các bài luyện tập cơ mặt.

Phương pháp "Kỹ thuật cười theo phong cách Hollywood" được công ty đăng ký bản quyền bao gồm các phong cách khác nhau: nụ cười "mắt trăng lưỡi liềm", kiểu "má lúm" và kiểu hoàn hảo - cười theo cách định hình khuôn miệng để lộ ra đúng 8 chiếc răng ở hàm trên.

Các sinh viên tham gia lớp học có thể đánh giá nụ cười của mình thông qua một phần mềm nhận diện khuôn mặt đặc biệt, với thang điểm chấm tính trên con số 100.

Kawano tin rằng về mặt văn hóa, người Nhật sống khép kín, ít cười hơn người phương Tây. Song, cô tin với lượng khách du lịch nước ngoài trở lại xứ sở hoa anh đào tăng trở lại, người Nhật cần giao tiếp nhiều hơn qua nụ cười thay vì chỉ bằng ánh mắt hay cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể.

"Tôi nghĩ mọi người ngày càng có nhu cầu mỉm cười nhiều hơn”, cô Keiko Kawano nhận xét.

Ngoài để lại ấn tượng tốt khi giao tiếp, Keiko Kawano tin rằng nụ cười còn giúp mỗi cá nhân cảm thấy tích cực hơn.

“Tôi muốn mọi người dành thời gian mỉm cười một cách có ý thức vì sức khỏe thể chất và tinh thần của họ", cô nói thêm.

Hiền Thy

Ảnh: Reuters.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-nguoi-dan-phai-hoc-lai-cach-cuoi-post1437316.html