Nơi mệnh danh là 'Làng giáo viên'

Làng cổ Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm, mà còn được mệnh danh là 'Làng giáo viên'.

Hội nhà giáo làng Phước Tích là 'nhịp cầu' để các đồng nghiệp trong làng gặp gỡ, trao đổi chuyên môn.

Làng cổ Phước Tích nằm ẩn mình bên dòng Ô Lâu thơ mộng, thuộc xã Phong Hòa (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm, mà còn được mệnh danh là “Làng giáo viên”, bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều có người làm nghề “gõ đầu trẻ”.

“Kho vàng không bằng nang chữ”

Sau Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Phước Tích là ngôi làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia năm 2019 và có đề án quy hoạch bảo tồn giá trị di sản về làng cổ của Việt Nam. Làng Phước Tích được thành lập năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông, dân làng không có ruộng nên lấy nghề làm gốm để mưu sinh.

Đặc biệt, trải qua bao biến cố thiên tai, thăng trầm của lịch sử, dân làng Phước Tích vẫn luôn canh cánh “giữ lửa” cho một nghề được xem là đặc trưng riêng của làng, đó là “gõ đầu trẻ”.

Sử sách đang lưu trữ tại đình làng Phước Tích ghi rõ: Thời vua Gia Long, làng Phước Tích có cụ Nguyễn Văn Kham thi đậu tú tài - là người đầu tiên phát khoa của làng. Về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân. Trong số đó, có người làm đến chức tri huyện, tri phủ… Năm Thành Thái thứ hai (1890), 11 thí sinh và khóa sinh trong làng làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học.

Phước Tích chỉ có 117 hộ, 460 nhân khẩu nhưng có 30 tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 300 nhà giáo đang công tác ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, có 25 giáo viên nghỉ hưu sinh sống tại địa phương, khoảng 40 giáo viên đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Phong Hòa.

Đa phần các hộ dân của Phước Tích đều có con em là giáo viên hoặc sinh viên đang theo học các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm ở Huế, TPHCM, TP Vinh (Nghệ An)… Nhiều gia đình có 4 - 6 người làm nghề giáo.

Điển hình, như gia đình thầy Nguyễn Duy Hòa (4 người); gia đình thầy Lê Trọng Đào (6 người); gia đình ông Lê Trọng Diễn (71 tuổi) có 3 thế hệ làm nghề giáo, hiện ông Diễn có 2 người con trai và 2 con dâu đều là giáo viên...

Chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình ở làng Phước Tích, ấn tượng đầu tiên là những câu đối, ca dao, tục ngữ, danh ngôn… nói về sự học được treo trang trọng ở phòng khách như: “Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn” - (Trang Tử); “Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình” – (Socrates) hoặc là: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” – (Khuyết Danh)…

Ở Phước Tích, nét đẹp văn hóa đã lan tỏa qua bao thế hệ của dân làng, và hình như đã trở thành “luật bất thành văn” tại đây: “Một kho vàng không bằng một nang chữ”.

Hội nhà giáo làng Phước Tích là tổ chức tự nguyện, có 50 thành viên (gồm giáo viên đã nghỉ hưu và giáo viên đang công tác) hoạt động thường xuyên, đều đặn, là “nhịp cầu” để giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời là “diễn đàn” để đội ngũ nhà giáo trong làng tổ chức tọa đàm chuyên môn về nghề giáo giữa các thế hệ nhà giáo với nhau.

Gia đình thầy Lê Trọng Đào ở làng cổ Phước Tích có 6 người là giáo viên.

Lan tỏa tinh thần tôn sư trọng đạo

Nói không quá, ở Phước Tích hễ bước ra đường là gặp giáo viên và nhiều người có thói quen gọi nhau là thầy cô. Dịp lễ, tết là họ qua - về thăm viếng lẫn nhau, với quan hệ: thầy - trò, thầy - thầy, phụ huynh - giáo viên, với không khí rộn ràng, vui tươi khắp đầu làng, cuối xóm. Điều đặc biệt ở làng Phước Tích là có miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng.

Thầy Lê Trọng Nam cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày 20/11, làng tổ chức dâng hương tưởng nhớ các vị hiền tài của đất nước ở Văn Thánh, đồng thời tổ chức tuyên dương khen thưởng học sinh ưu tú, cấp phát học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của làng, tổ chức tọa đàm về nghề giáo”.

Ngôi nhà rường hơn 100 tuổi của thầy giáo già Lê Trọng Đào là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học trò, nơi gặp gỡ của các đồng nghiệp, là điểm đến tham quan của du khách gần xa.

Hễ đến ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc thì ngôi nhà của thầy Đào lại nườm nượp khách vào ra, mà đa phần là các thế hệ thầy, cô giáo và sinh viên sư phạm, họ đến để “ôn cố, tri tân” hàn huyên tâm sự về nghề dạy học.

Thầy Đào tâm sự: “Chọn nghề là vốn tự thân, chứ không thể gượng ép. Thuở xưa tôi thích nghề dạy học. Nay mấy đứa con tôi cũng rứa, nó đều chọn ngành sư phạm. Nghề dạy học tuy không sang giàu nhưng đa phần dân làng quê tôi đều trân quý, quyết tâm theo đuổi đến cùng”.

Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mỗi ngôi nhà ở Phước Tích là lòng mến khách, phong thái nói năng nho nhã, nhẹ nhàng của chủ nhân; những chiếc bàn cũ kỹ, cái giá oằn mình vì những cuốn sách dày cộm.

Quan sát thấy có cuốn đã cũ mèm, nhuộm màu thời gian, có quyển đã hỏng bìa nhưng vẫn được chủ nhân nâng niu, cất giữ cẩn thận như là… báu vật. Điều đó thể hiện rất rõ ý thức, thái độ sống của dân làng nơi đây là đặc biệt coi trọng sự học, coi trọng cái chữ.

Miếu thờ ngài Khổng Tử ở làng cổ Phước Tích – hễ có con dân trong làng thi đỗ đạt cao đều đến đây dâng hương, đảnh lễ.

Trong số đội ngũ thầy giáo của làng đã và đang công tác ở nhiều tỉnh, thành, có nhiều gương mặt tiêu biểu như NGND.PGS.TS Trương Thế Kỷ, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM; PGS.TS Trương Việt Anh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; GS.TS Trương Thế Chữ, nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Lê Trọng Khoan, giảng viên Trường Đại học Y Dược Huế…

Ông Hoàng Tấn Minh - Trưởng làng Phước Tích cho biết: “Tuy dân số và diện tích của làng không nhiều nhưng làng có hàng trăm người làm giáo viên, trong số đó có hàng chục giáo sư, tiến sĩ đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở nhiều trường đại học, học viện trong cả nước. Chính họ đã góp phần làm rạng rỡ, cho ‘Làng giáo viên’ Phước Tích.

Dân làng Phước Tích luôn tự hào khi truyền tai nhau câu ca: “Tú tài lấy triêng mà gạt/ Cử nhân lấy trạc mà khiêng”. Được biết, “triêng” là đòn gánh và “trạc” là dụng cụ khiêng đất, gồm một tấm đan bằng nan tre dày, buộc hai đòn tre hai bên. Xưa khi đong lúa, người ta thường dùng cái ống tre để gạt phần lúa thừa trên cái thùng gỗ hay hộc gỗ.

Ở Phước Tích, do người đỗ tú tài nhiều quá nên phải dùng đòn gánh thay cho ống tre để gạt. Những làng khác có người đỗ cử nhân, dân làng thường dùng kiệu để rước. Còn ở Phước Tích nhiều người đỗ cử nhân, không đủ kiệu nên phải thay bằng trạc để đi đón.

Võ Văn Dần (Trường THCS Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-menh-danh-la-lang-giao-vien-post664751.html