Nơi lưu giữ ký ức Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Hàng ngàn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) được xây dựng từ năm 2012, khánh thành vào năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bảo tàng là công trình có kiến trúc hiện đại, hình dáng bên ngoài được thiết kế theo hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang của chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Trong những ngày này, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), rất đông người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây tham quan, tìm hiểu tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ

Khu vực trưng bày được bố trí ở tầng một của bảo tàng có diện tích rộng 1.250 m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ...

Điểm nhấn của bảo tàng là bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, bức tranh lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh lớn nhất thế giới.

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m.Trên bức tranh có 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng, phần mái vòm liền kề thể hiện mây trời, phần dưới bức tranh được đặt các mẫu vật nối tiếp.

Bức tranh là kết quả lao động sáng tạo của tập thể gần 200 họa sĩ, cùng các kiến trúc sư, nhạc sĩ, chuyên gia kỹ thuật... dày công nghiên cứu từ các tư liệu lịch sử, thể hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bức tranh còn là sự kết hợp khéo léo của nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật, tạo hình, điêu khắc... được xâu chuỗi kết nối liền mạch giữa phần tranh tường với phần chân tranh theo diễn biến của trận đánh, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan, sinh động. Bố cục bức tranh theo 4 trường đoạn, gồm: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.

Hoành tráng, chân thực và tự hào là cảm nhận của nhiều du khách khi đứng trước bức tranh tường Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những hiện vật được đặt trang trọng tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu, tuyên truyền cho khách tham quan.

Hình ảnh bức điện mật Mệnh lệnh tổng công kích tại Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 6-5-1954 được lưu giữ, trưng bày tại đây.

Trong quá trình chiến đấu gian khổ, khi phải đào hào vây, lấn cứ điểm địch, bộ đội ta đã có sáng kiến sử dụng "Con Cúi" trong chiến thuật đánh lấn, giúp che chắn hỏa lực bắn thẳng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội ta xây dựng công sự, áp sát địch.

Khu vực tái hiện hình ảnh bộ đội phất lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của Quân đội Việt Nam trên nóc hầm chỉ huy tướng De Castries (Đờ-cát), báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào chiều 7-5-1954.

Phần trưng bày này được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đan xen với lối trưng bày theo bộ sưu tập hiện vật, đã thật sự tái hiện lại chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trực tiếp ngắm nhìn những hiện vật lịch sử, được nghe nhiều câu chuyện trong trận chiến năm xưa, du khách ai nấy đều bồi hồi, xúc động.

“Đến với Điện Biên, được đi thăm các điểm di tích lịch sử, được nghe, được thấy toàn bộ những trận đánh ác liệt của các chiến sĩ trên chiến trường năm xưa, tôi rất cảm động, tự hào về thế hệ cha anh đi trước” - anh Nguyễn Văn Trí (34 tuổi, ngụ TP HCM) bày tỏ.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ lưu giữ những hình ảnh chân thực về chiến thắng lừng lẫy thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, không thể bỏ qua đối với mỗi du khách khi đến mảnh đất lịch sử Điện Biên.

Bài và ảnh: Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-luu-giu-ky-uc-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-196240502010022609.htm