Nỗi lòng của du học sinh Việt Nam đón Tết Nguyên đán xa nhà

Những ngày cận Tết, mọi người đều sắp xếp việc học, công tác để chuẩn bị cho dịp đoàn viên. Nhưng đối với du học sinh, điều đó chỉ xuất hiện trong nỗi nhớ nhung với mong ước ngày trở về.

Trần Văn Dũng (ngoài cùng bên phải) cùng những người bạn của mình tại Nhật Bản, Ảnh: NVCC

Đón giao thừa xong, ai về nhà nấy để… sáng mai đi làm

Sang Nhật Bản du học được gần 8 năm, Trần Văn Dũng (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã có 6 cái Tết ở xứ sở hoa anh đào.

Chàng trai học ngành công nghệ ô tô chia sẻ: “Đi học rồi đi làm ở đây đã lâu, tôi dần quen với những cái Tết xa nhà. Thời gian đầu mới sang, mỗi dịp Tết đến, tôi cùng 5-6 người bạn tụ tập, gói bánh chưng, nấu xôi để có không khí ngày Tết, thích nghi dần với không khí ở đây”.

Người Nhật Bản đón Tết Dương lịch và không ăn Tết Nguyên đán. Nếu may mắn ngày Tết Nguyên đán của du học sinh Việt Nam trùng với ngày nghỉ ở Nhật thì Dũng có thời gian chuẩn bị một số đồ ăn, hoạt động đón Tết Nguyên đán, còn không, sẽ đi làm như ngày bình thường.

Trong hoàn cảnh đó, để tự an ủi bản thân, ngày cuối cùng của năm Âm lịch, Dũng sẽ mua một số thực phẩm như bánh chưng, giò chả... làm một mâm cơm nhỏ, ấm cúng cùng những người bạn đồng hương. Sau thời khắc giao thừa, mọi người trở về nhà nghỉ ngơi để ngày mai đi làm.

Du học sinh nhớ cảm giác đón Tết Nguyên đán cùng gia đình

Võ Thị Thơm (21 tuổi) học ngành chế biến thực phẩm, Trường Đại học Seojeong, Seoul, Hàn Quốc, chuẩn bị đón cái Tết thứ hai tại xứ sở kim chi.

Võ Thị Thơm - du học sinh Hàn Quốc sau giờ tan học. Ảnh: NVCC

Trước đây, khi phải dọn nhà, cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, Thơm không mấy hứng thú, thậm chí, có những lúc còn trốn bố mẹ đi chơi. Nhưng khi đi học nơi xứ người, cô thấy nhớ nhung và nuối tiếc quãng thời gian đó.

“Khoảng 22 tháng Chạp hàng năm, tôi thường cùng em trai và bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, làm vườn để đón năm mới” - Thơm nhớ lại.

“Tôi cũng thường đi với mẹ vào những phiên chợ cuối cùng của năm cũ, cảm giác đông đúc, nhộn nhịp, nhà nhà đi sắm tết, trong lòng thấy nôn nao, phấn khởi lắm. Nhiều khi tôi chỉ ước thời gian ngừng trôi, vì những khoảnh khắc trước thềm năm mới thật thú vị làm sao”.

Mỗi lần gọi điện thoại về cho gia đình, nghe bố mẹ kể về kế hoạch ăn Tết, sắm sửa đồ mới, Thơm không khỏi chạnh lòng. Được gia đình động viên, an ủi, cô giấu đi những giọt nước mắt, nỗi nhớ nhà để bố mẹ yên tâm.

“Cứ gần đến Tết, tôi sẽ tăng cường làm thêm nhiều hơn, dành một chút thời gian trước giao thừa gọi điện về cho gia đình. Chỉ khi vào guồng quay của công việc, sự bận rộn, bản thân tôi mới đỡ buồn và đỡ nhớ người thân hơn”, Thơm tâm sự.

Không đâu bằng nhà và bên người thân khi Tết đến

Sắp sửa đón một cái Tết xa nhà đầu tiên, Võ Thị Hoài Phương (23 tuổi), học ngôn ngữ Hàn, Trường Đại học Quốc gia Jeju (Hàn Quốc) cảm thấy thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ còn là nỗi nhớ.

Vừa mới sang Hàn Quốc được gần 6 tháng, Hoài Phương còn chật vật với nhiều khoản chi phí cho học tập và ăn ở nên bản thân phải tiết kiệm để ổn định việc học.

Ngoài thời gian đi học trên trường, nữ sinh dành hết thời gian rảnh để đi làm. Đối với Hoài Phương, Tết thực sự là “Tết” khi được ở bên gia đình và người thân.

“Tôi sẽ vẫn đi học và đi làm thêm như những ngày bình thường. Vào khoảnh khắc giao thừa, tôi sẽ gọi điện thoại về chúc Tết ông bà bố mẹ để cho họ cảm thấy an tâm.

Với tôi, dù có tổ chức hay không, Tết ở nơi xa xứ vẫn vậy. Chỉ mong bản thân cố gắng học tập thật tốt, khi cuộc sống ổn định, điều kiện kinh tế khá lên thì sẽ quay trở về nhà đón Tết”, Hoài Phương tâm sự.

Cùng suy nghĩ trên, Phan Thùy Trang (21 tuổi), học ngành du lịch, Trường Đại học Văn hóa Baekseok (Hàn Quốc) cũng nhiều nỗi lòng với Tết xa nhà.

Du học sinh Phan Thùy Trang luôn nhớ về gia đình, nhất là những ngày Tết đến. Ảnh: NVCC

Trang chia sẻ: “2023 là năm đầu tiên tôi phải đón Tết một mình ở một nơi xa, không có một người quen hay người bạn nào cả. Những ngày cuối năm, bạn bè ở nhà đăng ảnh cùng gia đình chuẩn bị đón Tết, còn tôi chỉ biết mở những tấm ảnh kỉ niệm ra ngắm cho nhẹ lòng. Mỗi lần đi làm xong lủi thủi về phòng, tôi tìm một góc phòng rồi khóc lớn”.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, Trang đã mua quà và đặt vé để về Việt Nam. Nhưng lịch học bắt đầu vào chuyên ngành chính nên cô đành hủy vé và ở lại Hàn Quốc để đảm bảo cho việc học tập.

Trang cho rằng, việc du học phải đánh đổi nhiều thời gian, không được ở bên cạnh gia đình nhưng bù lại có thể học thêm nhiều thứ mới, tự trải nghiệm cuộc sống. Đó là lý do để Trang bám trụ lại đây và luôn động viên bản thân không ngừng cố gắng.

Phan Oanh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-long-cua-du-hoc-sinh-viet-nam-don-tet-nguyen-dan-xa-nha-179240205102901055.htm