Nỗi lo tật khúc xạ học đường

Tật khúc xạ học đường đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh (HS), phổ biến nhất là cận thị. Trong đó, yếu tố môi trường được xem là nguyên nhân chính.

Gia tăng tỷ lệ trẻ cận thị

Cách đây 6 tháng, nghe cô giáo chủ nhiệm phản ánh về việc con gái thường xuyên nheo mắt trong giờ học, ghi bài không đúng, bà Dương Xuân Ngọc Hải (phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh), phụ huynh em Hoàng Dương Khánh Ngọc, HS lớp 2 đã đưa con đi khám mắt. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán con bà bị cận 4 độ. Bà Hải cho biết: “Tôi cũng nghĩ cháu bị cận thị nhưng không ngờ lại cận nặng như vậy, cũng không rõ nguyên nhân do đâu. Bác sĩ dặn phải cho con đi tái khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi, hạn chế tăng độ”. Bà Nguyễn Thị Phương (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) có con học lớp 4 cho biết, sau một thời gian học trực tuyến do dịch Covid-19, con bà thường xuyên nheo mắt khi đọc sách, xem ti vi, đi khám mắt thì đã cận 2 độ. Đến nay, độ cận đã tăng lên 3.

Theo khảo sát thực tế năm 2022 của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang về tình trạng tật khúc xạ tại 2 trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang, có khoảng 40% em bị tật khúc xạ trong số các HS tham gia khảo sát, chủ yếu là cận thị. Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tật khúc xạ tại bệnh viện tăng cao. Trong 9 tháng năm 2023, bệnh viện có hơn 3.500 lượt người đến khám và điều trị tật khúc xạ, phần lớn là ở lứa tuổi HS, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số đáng báo động và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Bác sĩ khám mắt cho trẻ tại Bệnh viên Mắt Sài Gòn Nha Trang.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nam Trung - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ ở mắt là di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền chiếm tỷ lệ không nhiều; còn môi trường là yếu tố ảnh hưởng rất lớn. Hiện nay, những trường hợp mắc tật khúc xạ đều có điểm chung là có thói quen sinh hoạt không hợp lý như: Ngồi sai tư thế, đọc sách báo trong điều kiện thiếu ánh sáng, lạm dụng các thiết bị điện tử, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý… Triệu chứng phổ biến khi mắc tật khúc xạ là nhìn mờ, ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như: Nhìn rõ những vật ở gần nhưng vật ở xa nhìn mờ đi; trẻ thường tiến lại gần xem ti vi, đọc bảng; cúi mặt khi đọc; thường hay nheo mắt để nhìn, khiến trẻ không tập trung, học hành sa sút; thường bị mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu, chớp và dụi mắt liên tục; khó nhìn mọi vật vào ban đêm; sợ ánh sáng và bị chói mắt.

Phòng, chống tật khúc xạ học đường

Theo bác sĩ Nguyễn Nam Trung, để phòng, chống tật khúc xạ học đường, trẻ cần lưu ý điều chỉnh tư thế đúng khi học bài, đọc sách, xem ti vi…, tránh nhìn gần, gù lưng khi học tập. Cha mẹ nên hạn chế để trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử, mỗi ngày nên dành ít nhất khoảng 1 giờ để trẻ hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20 sẽ giúp bảo vệ đôi mắt, đó là cứ sau 20 phút nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử, vi tính thì cho mắt nhìn vào một điểm cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây. Khi trẻ đi ra ngoài, nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt. Ngoài ra, cần lưu ý đến việc bổ sung vi chất, ăn các thực phẩm tốt cho mắt, khám thị lực định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường ở mắt để được phát hiện và điều trị sớm. Nếu phát hiện chậm, ngoài việc ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của trẻ thì có thể gây ra biến chứng nhược thị.

Hiện nay, người mắc tật khúc xạ có thể điều chỉnh bằng 1 trong 3 phương pháp là đeo kính gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật. Đối với việc sử dụng kính gọng, đây là phương pháp tiện lợi, chi phí thấp nhưng gây bất tiện trong sinh hoạt, học tập. Người cận thị nên đeo kính thường xuyên và kiểm tra độ kính 6 tháng/lần. Phương pháp sử dụng kính áp tròng mềm vào ban ngày và kính áp tròng cứng vào ban đêm có ưu điểm nhỏ gọn, không gây vướng víu, nhưng khi sử dụng cần phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, nếu không cẩn thận có thể gây trầy xước giác mạc, nhiễm trùng. Phương pháp phẫu thuật khúc xạ bằng tia laser phù hợp với những người không muốn bị lệ thuộc vào việc sử dụng kính, áp dụng cho người trên 18 tuổi.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có hơn 33.500 HS từ mầm non đến THPT mắc các bệnh về mắt, chủ yếu là cận thị. Qua kiểm tra, khảo sát của ngành Y tế về công tác y tế trường học, có nhiều trường bố trí đèn chiếu sáng trong lớp học chưa hợp lý, đèn treo cao phía trên quạt trần chưa đúng quy định, khi quạt quay gây dao động ánh sáng khiến HS nhanh mỏi mắt, làm ảnh hưởng thị lực. Hầu hết bóng đèn trong phòng không có chụp chống lóa, cũ, cường độ chiếu sáng yếu so với tiêu chuẩn quy định...

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202312/noi-lo-tat-khuc-xa-hoc-duong-a372395/