Nỗi lo mùa lũ

Tình cờ nhìn bức ảnh được đăng trên facebook một người quen ở quê tôi, không rõ ai là tác giả. Trong ảnh, người phụ nữ gầy gò, quần ống thấp ống cao, chân đi dép nhựa tổ ong, đầu đội chiếc mũ của chồng, hay của con trai gì đó. Bên cạnh mấy món đồ “thiết yếu” cho những ngày chạy lũ, trên tay bà ôm chặt chú chó… Bấy nhiêu đó cũng đủ khắc họa chân dung người dân miền Trung quê tôi trong những ngày bão, lũ.

Ngày trước, Phú Yên cũng như nhiều tỉnh miền Trung chỉ có lụt, nghĩa là mưa lớn nhiều ngày, nước sông, nước suối dâng lên, ngập đồng, lớn hơn là ngập nhà, nhưng khá chậm. Người dân có nhiều cách để đánh dấu nước dâng lên mà theo dõi, nước “lớn” hay nước “rọt” (nước rút) mà biết để sắp xếp đồ đạc lên cao, chuẩn bị sõng (xuồng nhỏ) để di chuyển đến chỗ cao hơn.

Trong dân gian vẫn còn lưu lại từ lụt:

“Ông tha, bà hổng tha, cây lụt hăm ba tháng mười…”

“Giáp Tý Khải Định cửu niên,

Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn…”

(Vè Bão lụt năm Giáp Tý ở Phú Yên)

Giáp Tý Khải Định cửu niên được các nhà nghiên cứu xác định đó là năm 1924, cách nay 96 năm. Người dân quê tôi cũng hay nói “Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi…”, nghĩa là năm Tý đàng nào cũng có những chuyện hư hại, không mùa màng thì cũng liên quan đến con người. Một trận bão lụt năm Giáp Tý mà làm “cả tỉnh chết hết mấy trăm” thì quả là quá khủng khiếp! Năm 2020 cũng là năm Tý, Canh Tý!

Trở lại câu chuyện nỗi lo mùa lũ.

Ba tôi nói, địa thế Phú Yên được ví như một căn phòng hướng về biển Đông. Bên trái là dãy Cù Mông bao bọc, bên phải là dãy Đại Lãnh che chắn, sau lưng là vùng đất bán sơn địa giáp với Tây Nguyên hùng vĩ. Mở cửa căn phòng này là biển. Với địa hình như thế thì Phú Yên chẳng khác một thung lũng, một “chảo” chứa nước mà chỉ có một cửa thoát nước duy nhất là biển Đông.

Ngày trước, chưa có nhiều thủy điện, thủy lợi trên 3 sông lớn của Phú Yên là sông Ba (đoạn qua TP Tuy Hòa đổ ra biển còn có tên sông Đà Rằng), sông Cái và sông Bàn Thạch, nên nước lụt lớn, rọt theo quy luật tự nhiên. Giờ, hồ thủy lợi, thủy điện lơ lửng nơi đầu nguồn, nên vùng hạ lưu luôn sống trong sợ hãi mỗi mùa mưa bão đến.

Trong ảnh là đoạn đường từ đèo Thị lên các xã An Định, An Nghiệp và huyện Đồng Xuân. Đường sắt Bắc Nam qua đây như cái “phao” cho người dân vùng lũ. Người Pháp làm con đường hỏa xa này và nghe nói đã nghiên cứu, tính toán để nó không bao giờ bị ngập. Vậy mà cơn lũ khủng khiếp trong đêm năm 2009 nước đã ngập đường sắt khu vực thị trấn La Hai, xóa sổ toàn bộ xóm Trường với 57 gia đình ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, làm 18 người chết. Một tổ chức từ thiện của Thụy Sĩ, sau đó, đã giúp xóm Trường tái định cư ở chỗ cao hơn. Ba tôi kể, thập niên 80 ông đi học, khi nước lụt dâng cao thì đường sắt là con đường đến trường của học sinh vùng lũ. Giờ thì con đường đó không còn an toàn nữa rồi. Mùa lũ năm nay, nước ngập nhiều khu phố ở thị trấn La Hai đến 2, 3 mét.

Lụt, nước dâng lên từ từ, rút xuống từ từ, mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, đem niềm vui đến cho người dân quê qua tấm lưới, cái lờ nặng trĩu cá đồng trong mùa mưa bão.

Lũ, nước dâng lên nhanh, có khi đột ngột trong đêm, cuốn đi mọi thứ, người dân trở tay không kịp...

TRẦN LÊ THANH QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/249697/noi-lo-mua-lu.html