Nỗi lo mới của 'bố mẹ gà' Trung Quốc

Sau màn trình diễn xuất sắc tại Olympic Bắc Kinh, Eileen Gu trở thành 'con nhà người ta' trong mắt các bậc phụ huynh và tạo áp lực buộc nhiều người phải nỗ lực hơn nữa.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc nổi tiếng với kiểu phụ huynh "cha mẹ hổ", những người cực kỳ nghiêm khắc trong nuôi dạy con cái.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, "cha mẹ gà" (jiwa) đang dần thay thế "cha mẹ hổ". Dù không quá khắt khe, cách dạy con được ví như "luyện gà" này thể hiện sự kỹ lưỡng, chăm lo từng chút một với kỳ vọng con cái sẽ hoàn hảo về mọi mặt, theo Quartz.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ một phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng trong y học Trung Quốc vào thập niên 1950. Cụ thể, nhiều người tin rằng việc tiêm tiết gà tươi cho người có thể giúp kích thích năng lượng.

"Cha mẹ gà" Trung Quốc thường được so sánh với "helicopter parents" (tạm dịch: cha mẹ "trực thăng") ở Mỹ - khái niệm dùng để chỉ những bậc phụ huynh luôn "lơ lửng như máy bay trực thăng" để kiểm soát và chăm sóc con cái một cách thái quá, muốn thay con định hướng mọi vấn đề trong cuộc sống.

 Eileen Gu trở thành "con nhà người ta" trong mắt phụ huynh Trung Quốc. Ảnh: James Stukenberg.

Eileen Gu trở thành "con nhà người ta" trong mắt phụ huynh Trung Quốc. Ảnh: James Stukenberg.

Sau khi thể hiện xuất sắc tại Olympic Bắc Kinh 2022, Eileen Gu đang đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho "bố mẹ gà", đồng thời gia tăng lo lắng trong việc nuôi dạy con cái vì dường như cơ hội cho người trẻ ngày càng ít đi.

Trong khi nhiều người thề sẽ thúc đẩy con cái chăm chỉ hơn để được như nữ VĐV, những người khác lại đặt câu hỏi liệu nỗ lực của họ có ý nghĩa gì không khi Gu thành công không chỉ bởi tài năng mà còn nhờ đặc quyền của tầng lớp giàu có.

"Con đường dẫn đến thành công của Gu chính là kết hợp những gì tốt nhất của hai đất nước: Mỹ và Trung Quốc. Điều này không có sẵn cho hầu hết gia đình thành thị", Ye Liu, nhà xã hội học và giảng viên cao cấp về phát triển quốc tế tại King's College London, nói.

Hình mẫu mới

Các bậc cha mẹ Trung Quốc từ lâu đã bị ám ảnh bởi việc theo đuổi những hình mẫu để định hướng cách nuôi dạy con cái của mình.

Liu Yiting, người đã trở nên nổi tiếng toàn quốc nhờ được nhận vào Harvard vào khoảng năm 2000, thời điểm mà rất ít người Trung Quốc có cơ hội học tập ở Mỹ, từng là một hình mẫu như vậy.

Harvard Girl, cuốn sách mà cha mẹ Liu viết, ghi lại hành trình đưa nữ sinh đến Ivy League, đã trở thành "kim chỉ nam" đối với các bậc "cha mẹ gà".

"Có lẽ Liu đã bắt đầu xu hướng jiwa. Sau khi cuốn sách xuất bản, nhiều bậc cha mẹ thành thị đã áp dụng phong cách nuôi dạy con cái chuyên sâu và mong muốn hướng con đến những mục tiêu lớn lao, đặc biệt là trong học tập", nhà xã hội học Ye Liu cho biết.

Tương tự Liu Yiting, giờ đây, Eileen Gu cũng trở thành một hình mẫu.

Tuy nhiên, Gu đưa đến một định nghĩa khác hơn về "sự thành công". Liu lớn lên trong gia đình bình thường, nỗ lực học tập nhiều giờ để đạt được thành tựu học vấn. Còn Gu không chỉ học tập xuất sắc mà còn là vận động viên, người mẫu nổi tiếng.

 Hình ảnh quảng cáo của Eileen Gu trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: Tingshu Wang.

Hình ảnh quảng cáo của Eileen Gu trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: Tingshu Wang.

3 tuổi, Gu lần đầu tiên đi trượt tuyết ở Mỹ cùng mẹ, một huấn luyện viên trượt tuyết bán thời gian vào thời điểm mà rất ít người Trung Quốc thông thạo các môn thể thao mùa đông, vốn khá tốn kém.

Sau khi thấy Gu yêu thích bộ môn này, mẹ cô dành 8 giờ để lái xe đưa cô đến luyện tập ở các công viên trượt tuyết vào cuối tuần và ngày nghỉ học.

"Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc và người mẹ bao dung là những đặc ân và sự giàu có", nhà báo Feng Sheng viết.

Vào mùa hè, Gu học toán ở Bắc Kinh và trau dồi vốn tiếng Trung của mình khi đi chơi với bạn bè. Học 10 ngày ở Trung Quốc tương đương với học một năm ở Mỹ, Gu đã miêu tả như vậy.

Mẹ Gu khẳng định rằng con gái ngủ hơn 10 tiếng/ngày. Đó dường như là điều xa xỉ đối với nhiều trẻ em ở Trung Quốc, nơi việc học chính khóa và học thêm có thể bắt đầu lúc 7h và kết thúc lúc 21h.

Sự lo lắng

Gần đây, nhiều blogger giáo dục tại Trung Quốc liên tục chia sẻ các bài viết với tiêu đề "làm thế nào để trở thành Eileen Gu" hoặc "làm thế nào để trở thành một người phụ nữ như mẹ của Gu".

Những người này kêu gọi các bậc cha mẹ khuyến khích con cái nhiều hơn hoặc bản thân phải nỗ lực hơn nữa để cung cấp cho con xuất phát điểm tốt nhất.

Nhưng những điều này không dễ làm trên thực tế.

Học thêm từng được xem là hy vọng để vào trường đại học danh tiếng, đảm bảo công việc tốt về sau. Nhưng Trung Quốc đã trấn áp việc dạy thêm vào năm ngoái.

Chưa nói đến thành tích ở cấp độ Olympic, ngay cả những thành tựu cơ bản trong cuộc sống như công việc tốt, nhà ở, xây dựng gia đình còn quá xa tầm với của nhiều người trẻ.

 Eileen Gu tạo dáng với một người hâm mộ tại Dew Tour. Ảnh: James Stukenberg.

Eileen Gu tạo dáng với một người hâm mộ tại Dew Tour. Ảnh: James Stukenberg.

Một số người nhìn nhận rằng thành công của Gu là bằng chứng cho thấy việc nuôi con như "luyện gà" không hiệu quả vì nó không được xây dựng dựa trên sở thích thực sự của trẻ.

Sự bất mãn về việc xem Gu như một hình mẫu có lẽ nhìn thấy rõ nhất qua những bình luận trên mạng xã hội, đặc biệt sau khi người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Bai Yansong kêu gọi phụ huynh cho phép trẻ ngủ 10 tiếng/ngày.

"Nếu Trung Quốc hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học và trung học, trẻ em chắc chắn có thể ngủ nhiều như vậy", một người bình luận.

"Liệu thành công của Gu có gây lo lắng hay không, tất cả phụ thuộc vào quan điểm giáo dục của mỗi gia đình. Bạn phải biết rằng không phải gia đình nào cũng có thể cung cấp cho con trẻ xuất phát điểm và điều kiện tuyệt vời như Gu", một bà mẹ ở Thượng Hải cho biết.

"Đối với gia đình tôi, chúng tôi khá bình tĩnh khi nhìn vào thành công của Gu, bởi vì chúng tôi biết cô ấy có xuất thân và con đường hoàn toàn khác so với con của mình", cô nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-moi-cua-bo-me-ga-trung-quoc-post1297729.html