Nỗi lo khi phí vận tải tăng cao tại Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia vừa quyết định tăng phí vận tải đường bộ trong ngân sách liên bang giai đoạn 2023-2024.

Các phương tiện di chuyển trên đường phố ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các phương tiện di chuyển trên đường phố ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này đồng nghĩa người dân Australia có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua trái cây, rau, sữa và các mặt hàng tạp hóa khác trong 3 năm tới.

Kế hoạch trên được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2006, trong đó đề xuất tăng thuế áp đối với mỗi lít dầu diesel mà xe tải, xe buýt và xe khách sử dụng. Số tiền thu được sẽ dùng để bảo trì và sửa chữa hệ thống đường bộ. Trong diễn biến mới nhất, các bộ trưởng giao thông liên bang, các bang và vùng lãnh thổ đã đồng ý tăng loại thuế này thêm 6% mỗi năm trong 3 năm tới.

Theo đó, từ ngày 1/7 tới, phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện giao thông hạng nặng tại Australia sẽ tăng từ 27,2 cent/lít dầu diesel lên 32,4 cent/lít trong giai đoạn 2025-2026. Mức tăng này dự báo sẽ khiến chi phí vận tải tăng thêm 1,1 tỷ AUD (730 triệu USD) trong 4 năm tới. Các công ty vận tải và hộ nông dân cho rằng quyết định này có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Ông Warren Clark, Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Đường bộ Quốc gia, cho biết nếu không thể "san sẻ" chi phí tăng thêm nói trên cho khách hàng - người tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ đứng bên bờ vực phá sản.

Trong khi đó, ông Rick Gladigau, Chủ tịch Hội Nông dân Chăn nuôi Bò sữa Australia, cho rằng việc tăng thuế cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nông sản khi chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi và giao hàng tăng, qua đó tạo thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh của họ.

Nghị sĩ Bob Katter tại bang Queensland nhận định việc tăng thuế sẽ làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu hằng ngày hoặc khiến các công ty vận tải, nông dân và doanh nghiệp nhỏ phá sản.

Tuy nhiên, bảo vệ quyết định mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers nhấn mạnh các quan chức ngành giao thông tại Australia tin rằng mức tăng 6% là lựa chọn ít gây tác động nhất, thay vì mức 10% được đưa ra thảo luận./.

Thanh Tú/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/noi-lo-khi-phi-van-tai-tang-cao-tai-australia/292065.html