Nỗi lo khám bệnh trong mùa dịch

Vào các thời điểm COVID -19 diễn biến phức tạp, việc đi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh trở thành nỗi lo của nhiều người vì sợ có nguy cơ lây nhiễm cao. Nắm bắt nhu cầu của người bệnh trong vấn đề cần được bác sĩ tư vấn sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch, nhiều bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ tư vấn từ xa. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ phát huy hiệu quả đối với một số bệnh nhẹ như dị ứng, da liễu hay cơ xương khớp…

 Trong thời điểm tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc 5K khi đến khám tại các cơ sở y tế -Ảnh: HN

Trong thời điểm tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc 5K khi đến khám tại các cơ sở y tế -Ảnh: HN

Bị bệnh đái tháo đường hơn 3 năm nay, hằng tháng bà Lê Thị Cúc ở thành phố Đông Hà thường vào Huế để kiểm tra chỉ số đường huyết và lấy thuốc theo đơn bác sĩ. Tuy nhiên thời gian qua do dịch bệnh nên việc đi lại khó khăn, bà Cúc tự đi mua thuốc theo đơn cũ tại các cửa hàng thuốc tây để uống.

Thời gian này, cơ thể của bà Cúc có dấu hiệu mệt mỏi, thường ợ chua và đầy bụng, khó tiêu. Vậy nhưng, do tâm lý ngại đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm dịch bệnh, bà cứ âm thầm chịu đựng. Ngay cả việc nhà ở gần bệnh viện, bà cũng không chịu đi vì cứ nghĩ đã đi thì phải vào Huế khám mới yên tâm, mà vào Huế thì sợ lây nhiễm COVID - 19.

Tình trạng trên kéo dài cả tháng trời, đến khi bà sụt cân, mất ngủ, các con bà mới nhất quyết đưa mẹ đến một phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố để khám bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết của bà Cúc tăng cao, cần phải điều chỉnh đơn thuốc thì việc điều trị mới hiệu quả. Qua siêu âm và nội soi, bà còn được chẩn đoán bị vi khuẩn HP và viêm dạ dày nên được kê đơn điều trị.

Quan trọng là tại đây, bà Cúc đã được các bác sĩ tư vấn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, không nên vì tâm lý ngại dịch hoặc lựa chọn nơi khám sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Sau khi được uống thuốc theo đơn, tình trạng sức khỏe của bà Cúc cải thiện hẳn. Bà đã bớt lo lắng và yên tâm đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Mặc dù dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhưng các bác sĩ khuyên người bệnh không nên vì quá lo lắng mà không đến bệnh viện để khám chữa bệnh. Vừa qua, ở một số tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra trường hợp người bệnh chần chừ tới bệnh viện dẫn đến tính mạng nguy kịch. Trước thực trạng trên, để tư vấn kịp thời cho người bệnh, nhiều bệnh viện trên cả nước đã mở thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.

Dịch vụ này đáp ứng được nhu cầu của nhiều người trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính nối mạng, người bệnh có thể được các bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu khám bệnh. Tuy không phải bệnh nào cũng có thể được khám từ xa, tuy nhiên khi được tư vấn về tình trạng sức khỏe, nhiều người sẽ biết được mình nên và không nên làm gì.

Ông Phan Văn Lương (76 tuổi) ở thị trấn Hồ Xá mắc bệnh tim và đã được nong mạch vành cách đây 2 năm tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị. Hằng tháng ông đều phải đi tái khám định kỳ tại bệnh viện. Có những thời điểm đến ngày tái khám nhưng do COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc đi lại khó khăn, lại lo sợ lây nhiễm nên ông cứ chần chừ không muốn đi. Ngoài bị tim, ông còn bị huyết áp cao nên trong sinh hoạt hằng ngày, đôi khi sức khỏe gặp vấn đề khiến người nhà lúng túng trong chăm sóc.

Từ ngày Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh niêm yết, công khai số điện thoại của các bác sĩ ngay tại khoa và trên mạng xã hội, ông Lương yên tâm hẳn. Có số điện thoại của các bác sĩ, người nhà ông có thể liên lạc ngay khi sức khỏe ông có vấn đề. Ngoài ra, ông còn được bác sĩ tư vấn về việc người cao tuổi mắc các bệnh nền như ông cần phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, khi đi khám cần tuân thủ thông điệp 5K của ngành y tế để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

Theo các bác sĩ, việc khám bệnh từ xa đối với những chuyên khoa như da liễu, dị ứng, hô hấp… tương đối dễ dàng, còn với một số chuyên khoa khác thì khó hơn. Với những trường hợp trên, việc tư vấn, khám từ xa vừa kịp thời điều trị bệnh, vừa đảm bảo giãn cách trong bệnh viện, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân. Còn đối với những bệnh như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và nhiều căn bệnh khác, tuy khó khám bệnh từ xa nhưng thông qua việc tư vấn, hỗ trợ, các bác sĩ sẽ giúp người bệnh có cảm giác yên tâm hơn và đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua tư vấn, các bác sĩ có thể nắm bắt tình hình, hỗ trợ người bệnh trong việc cung cấp những thông tin hữu ích nhất liên quan đến tình hình COVID-19 và bệnh nền mà bệnh nhân đang được điều trị. Tuy nhiên, những người có nhu cầu tư vấn sức khỏe nên kết nối với những trang thông tin chính thống của các bệnh viện hoặc các bác sĩ có trình độ chuyên môn, có nơi công tác rõ ràng để tránh gặp phải tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=160118&title=noi-lo-kham-benh-trong-mua-dich