Nỗi lo hàng tiền đạo tuyển quốc gia

Một đường bóng dài phất lên từ sân nhà, sau đó một chân sút ngoại binh dùng thể lực và tốc độ “cày” qua 3-4 cầu thủ phòng ngự đối phương rồi ghi bàn. Đó là công thức bất di bất dịch của rất nhiều đội bóng muốn tồn tại và thành công ở V-League suốt những năm qua…

Fagan và Stevens “thống trị” hàng công của Hải Phòng. Ảnh: Phan Quân
Kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, mở cửa để làn sóng ngoại binh ồ ạt đổ vào thi đấu, V-League vẫn duy trì một thói quen không đổi, là tận dụng suất ngoại binh cho những “ông Tây” to cao lực lưỡng, có tốc độ và thể lực vượt trội để cày ải trên hàng công. Ngay cả khi VFF và VPF hạn chế số lượng ngoại binh mỗi đội, điều đó cũng chẳng hề thay đổi.

Kể từ thời Nam Định có Achilefu, Bình Dương có Philani, Đà Nẵng sở hữu Almeida, Hòa Phát nổi bật với Timothy… hay bây giờ là Bình Dương với Nsi, Hải Phòng với Stevens… tất cả đều sử dụng chung một công thức: tuyến dưới chỉ việc phất bóng dài chính xác lên, việc ghi bàn cứ để “Tây” lo. Công thức này phổ biến và trở thành lẽ sống của nhiều đội bóng, bất kể họ sử dụng chiến thuật nào, đá tấn công hay phòng ngự phản công.

Vòng 5 V-League diễn ra vào cuối tuần qua một lần nữa khẳng định “chân lý” này. Trong 20 bàn thắng mà các đội ghi được, có đến 16 bàn thuộc về các ngoại binh, tỉ lệ là 80%. Đó là một tỉ lệ quá lớn, át hết mọi lời ca tụng về các chân sút nội kể từ đầu mùa đến nay. Quả thật, trong bối cảnh HLV Hữu Thắng luôn than phiền vệ việc mình quá thiếu một chân sút đủ đẳng cấp để gánh vác hàng công của đội tuyển Việt Nam, thì dường như đó không phải là điều các CLB bận tâm. Họ vẫn tôn sùng các “máy ghi bàn” ngoại bởi nếu tin dùng các chân sút nội, sức công phá của đội bóng sẽ yếu đi trông thấy. Hải Phòng dưới thời HLV Trương Việt Hoàng là một CLB điển hình theo cách chơi này, đó là lý do vì sao họ đang bay cao ở V-League và hướng tới chức vô địch.

Với phong độ cao của bộ đôi Fagan và Stevens, có những trận đấu thậm chí HLV Trương Việt Hoàng xếp gần như cả đội đá thấp ở sân nhà, nhiệm vụ của họ chỉ là làm mọi cách đưa bóng lên cho Fagan hoặc Stevens, mặc cho 2 tiền đạo này muốn làm gì thì làm. Các hậu vệ đối phương đôi khi biết rõ ý định của 2 tiền đạo này, nhưng lại không thể ngăn chặn vì họ quá khỏe. Điều này làm nhiều người nhớ tới “bò mộng” Timothy trước đây. Anh này không phải mẫu tiền đạo khéo léo và kỹ thuật, nhưng bù lại có tốc độ, thể lực và sự càn lướt quá kinh khủng khiến nhiều hậu vệ không theo nổi. Thậm chí, các hậu vệ nhiều khi có muốn phạm lỗi cũng không kịp, đành để Timothy lướt qua và ghi bàn.

Công thức “phất bóng cho Tây” có thể giúp nhiều CLB thỏa nguyện trong việc tìm kiếm các trận thắng, phục vụ cho tham vọng riêng, nhưng nó lại vô tình khiến đội tuyển Việt Nam thiếu hụt những tiền đạo theo đúng nghĩa. Kể từ AFF Cup 2008, khi mà Công Vinh chơi nổi bật và tạo dấu ấn sâu đậm, hàng tiền đạo chưa khi nào khiến các CĐV Việt Nam được an tâm. 8 năm nay, ngoài Công Vinh và Anh Đức, bóng đá Việt Nam chưa thể tìm được nhân tố nào đủ phẩm chất để có thể trông cậy. Nhiều cầu thủ cũng đã từng được đặt kỳ vọng, nhưng dường như tấm áo “số 1 hàng công” lại quá rộng với họ.

Trong số này có Văn Thắng và Mạc Hồng Quân. Đây không phải là những tiền đạo tồi, nhưng lại chẳng đủ tầm để trở thành thủ lĩnh ở tuyến trên. Ở các CLB của mình, họ không có nhiều đất để phát triển vì còn phải lùi về tiền vệ, hoặc dạt ra cánh để nhường vị trí tiền đạo cắm cho “Tây”. Điều này cứ lặp đi lặp lại ở các đội hết năm này qua năm khác, còn các HLV trưởng đội tuyển vẫn cứ vò đầu bứt tai, không biết đến khi nào mới tìm ra một chân sút thượng hạng để tin dùng.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/bong-da/noi-lo-hang-tien-dao-tuyen-quoc-gia/672556.antd