Nỗi lo của nhiều người lao động

Trong khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón tết sum vầy, ấm áp bên gia đình, người thân thì vẫn có không ít người lao động lo không lấy được tiền công rơi vào cảnh 'mất' tết.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trần Văn Huy ở phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) chọn lĩnh vực xây dựng để làm việc. Những năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công việc của anh không mấy thuận lợi, thi thoảng mới nhận được công trình nhỏ lẻ. Đầu năm 2023, mọi hoạt động trở lại bình thường, anh bắt đầu nhận thầu ghép cốp pha thi công một tòa nhà lớn trên địa bàn thị xã Sa Pa. Thế nhưng, điều anh Huy nhận được lại không như mong đợi, gần tết mà chủ thầu xây dựng nợ phần lớn tiền công. Anh Huy cho biết: Từ khi nhận thi công công trình đến cuối năm 2023, tôi mới ứng được từ chủ thầu hơn 50% tiền công. Số tiền còn lại gần 400 triệu đồng, đến nay vẫn chưa được thanh toán, bên phía chủ thầu liên tục khất nợ. Chỉ còn vài ngày nữa là tết nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để có tiền thanh toán cho thợ.

Mặc dù đã có hơn 10 năm làm thợ nhôm kính nhưng chưa bao giờ anh Trần Văn Nam ở xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) thấy khó khăn như 2 năm trở lại đây. Dịp cuối năm, công việc có đều hơn, thậm chí có thời điểm phải nhượng bớt công trình cho người khác thi công nhưng tiền thì chẳng thấy đâu. Anh Nam tâm sự: Thời điểm cuối năm, dù công việc có tốt hơn nhưng nhiều khi tôi không dám nhận công trình vì nhiều lý do, trong đó sợ nhất là chủ đầu tư không thanh toán tiền. Có công trình, xưởng của tôi đã hoàn thiện cách đây gần 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán được hết tiền công và vật liệu.

Làm công nhân bị chủ nợ tiền dịp cuối năm là chuyện không hiếm xảy ra. Với họ, cuối năm, cả gia đình đều trông vào tiền công lao động để sắm tết, trang trải nợ nần, trong khi việc thưởng tết từ những chủ thầu hầu như không có. Anh Hoàng Văn Tình, thợ xây ở xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) bộc bạch: Vợ chồng tôi đi làm thợ xây cả năm, cuối năm chỉ mong chủ thầu trả đủ tiền công, không mong gì đến thưởng tết. Năm nay, chủ thầu gặp khó khăn, nhiều công trình không đòi được tiền nên ảnh hưởng đến việc trả lương cho công nhân. Không lấy được tiền công, đồng nghĩa với việc chúng tôi không có tiền sắm tết, mua quần áo, trang trải tiền học cho con.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều lao động có nguy cơ không được thanh toán tiền công lao động trong dịp cuối năm. Đa phần những người lao động "chân tay" thường làm theo “hợp đồng miệng” nên chủ có tiền thì trả, không có đành khất, việc giải quyết bằng pháp luật là không có cơ sở và rất khó khăn.

Theo kinh nghiệm của những người làm thợ lâu năm, người lao động không nên để dành tiền công đến cuối năm mới thanh toán với chủ thầu, mà nhận lương từng tháng, thậm chí từng tuần để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần nhìn nhận, đánh giá năng lực tài chính, trách nhiệm cá nhân và đạo đức của những chủ thầu, chủ đầu tư trước khi xác định “đầu quân”. Đòi nợ tiền lương có thể xảy ra mâu thuẫn, tuy nhiên khi không đòi được tiền, người thợ cần báo các cơ quan chức năng để can thiệp giải quyết, không nên quá bức xúc, có những hành động mất kiểm soát để ảnh hưởng đến bản thân và gia đình.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/noi-lo-cua-nhieu-nguoi-lao-dong-post379280.html