Nỗi lo cháy chợ cũ

Nguy cơ cháy chợ cũ luôn tiềm ẩn và trở thành nỗi lo thường trực không chỉ với những người kinh doanh mà cả chính quyền địa phương.

Thiệt hại nặng nề

Mới đây nhất, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, rạng sáng 3/12, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ Khe Tre, đây là ngôi chợ trung tâm và lớn nhất của huyện Nam Đông. Vụ cháy làm hơn 2.000m2 khu vực đình chợ và hơn 335 lô hàng của các tiểu thương bị cháy hoàn toàn, nhiều tiểu thương khóc lóc, la hét vì hàng hóa vừa nhập để bán trước Tết giờ đã cháy rụi. Vụ cháy làm thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. May mắn vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Vụ cháy chợ Khe Tre làm thiệt hại hơn 50 tỷ đồng

Hay tại tỉnh Quảng Bình, hồi tháng 9/2023, chợ Ba Đồn - chợ quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình với diện tích 5ha, trên 1.200 quầy sạp cũng xảy ra vụ cháy lớn khi có nhiều quầy hàng bị thiêu rụi. Ước tính thiệt hại về hàng hóa rất lớn. Được biết đây là trung tâm kinh doanh, thương mại của thị xã Ba Đồn, là nơi có số lượng lớn về hàng hóa, chủ yếu là các loại hàng hóa dễ cháy nổ. Điều đáng nói, sau thời gian sử dụng đến nay chợ Ba Đồn đã xuống cấp, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nên cần có những phương án phòng ngừa hiệu quả. Nhiều kiến nghị được đưa ra, trong đó có việc kiểm tra phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn cháy nổ cho chợ nhằm ngăn ngừa các thảm họa cháy nổ có thể xảy ra.

Tại tỉnh Quảng Nam, theo ghi nhận một số chợ vẫn chưa đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.

Tại chợ Đông Phú cũ (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiện nay chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ, đặc biệt mùa mưa bão và thời điểm cuối năm, giáp Tết đến, người dân đổ về để mua sắm hàng hóa.

Chợ Đông Phú cũ xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ

Để đảm bảo an toàn cho người dân và các hộ kinh doanh, địa phương có chủ trương di dời vào chợ Đông Phú mới được xây dựng khang trang, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện theo đúng quy chuẩn, thuận lợi cho việc buôn bán và giao thương.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương tại chợ Đông Phú cho rằng các sạp hàng, ki-ốt tại chợ Đông Phú mới được thiết kế, xây dựng có nhiều điểm bất cập nên họ chưa chịu dời vào buôn bán theo chủ trương của chính quyền địa phương.

Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các chợ

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 160 chợ, trong đó có 02 chợ hạng I (Chợ Hội An, Chợ Tam Kỳ), 13 chợ hạng II và 145 chợ hạng III. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23.000 hộ bao gồm 14.000 hộ kinh doanh cố định và 9.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Thời gian qua, chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân.

Những năm qua, chợ được các ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, giải quyết tình trạng chợ tạm, chợ “cóc”, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường nhưng hiện nay còn nhiều chợ xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chợ Đông Phú mới được xây dựng khang trang

Công tác quản lý chợ được triển khai thực hiện tốt, trong đó công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh buôn bán qua chợ trong các dịp lễ, tết được chú trọng và tăng cường; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự khu vực...cơ bản được kiểm soát, Sở Công Thương thường xuyên thông tin, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền đến tiểu thương và người dân về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy....; đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Quảng Nam cũng thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường công tác quản lý chợ, trong đó đề nghị các địa phương triển khai thực hiện các quy định về quản lý chợ, chú trọng công tác quản lý an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, tạo điều kiện bố trí điểm kinh doanh tại chợ cho hộ kinh doanh để bán thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn theo chuỗi.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, chợ, trung tâm thương mại là nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do thường xuyên có lượng người tập trung đông, ý thức phòng cháy chữa cháy của các hộ kinh doanh, tiểu thương hiện vẫn còn thấp. Để nâng cao nhận thức cho người dân, hộ kinh doanh, tiểu thương, đồng thời chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi cháy, nổ xảy ra, công an tỉnh đã khuyến cáo về các biện pháp phòng cháy chữa cháy và thoát nạn đối với chợ và trung tâm thương mại.

Cụ thể, mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong ngày với số lượng tối thiểu, không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách các sạp hàng đã quy định. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất độc hại nguy hiểm như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác trong nhà chợ.

Niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở nơi nguy hiểm về cháy, nổ. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, ngành hàng, từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.

Ngoài ra, khuyến cáo cần để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, bảng điện tối thiểu 0,5m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi, không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa, sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các mặt hàng dễ cháy.

Cùng với đó, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định. Thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số máy 114, cho công an nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập tắt đám cháy và cứu người...

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-lo-chay-cho-cu-290889.html