Nỗi lo cháu bị bạo hành

Đến lớp đưa đón cháu, mẹ chồng chị nhận ra các cô giáo ở trường rất dễ mến và chăm sóc trẻ tận tình, hơn nữa, buổi chiều bà có thể trò chuyện vối những cụ ông cụ bà cũng đến trường đón cháu. Bà dần nhận ra, việc bạo hành trẻ chỉ có ở một vài nơi chứ không phải ở hầu hết các trường mẫu giáo như bà nghĩ.

Thấy mẹ chồng đột nhiên vác đồ đạc từ quê lên, chị Hậu vô cùng ngạc nhiên. Từ trước đến giờ bà không thích ở thành phố vì chê chật chội, ô nhiễm và không có hàng xóm láng giềng như ở quê. Sau khi sinh con, vợ chồng chị khẩn nài bà lên trông con đỡ để chị còn đi làm nhưng bà không chịu. Chị phải thuê người trông con từ lúc 6 tháng tuổi đến khi một tuổi rồi sau đó mới mang gửi con ở một trường mẫu giáo tư thục cho đến giờ.

Vừa cất đồ vào nhà bà vừa nói: “Thằng Zon của bà đâu? Đón nó về mau”. Chị nhẹ nhàng trả lời mẹ chồng: “Mẹ cứ nghỉ ngơi đi, chiều con đi làm rồi hết giờ sẽ đón cháu về ạ”. Mẹ chồng chị sốt sắng: “Chiều cái gì mà chiều, đón nó về luôn đi. Từ nay ở nhà với bà không phải đi mẫu giáo mẫu giếc gì hết”. Chị Hậu tưởng mẹ chồng đùa liền bảo: “Được rồi ạ, không đi mẫu giáo, cho ở nhà với bà, nhưng mà con phải đến cơ quan đã rồi mới đón cháu được ạ”.

Chị Hậu đi làm, được một lúc mẹ chồng lại gọi điện hỏi đón con chưa. Chị sốt ruột nên 4 giờ đã xin cơ quan cho nghỉ sớm để đón con về cho bà nội. Chị nghĩ lâu ngày không gặp cháu nên mẹ chồng chị nhớ cháu mới giục. Ai ngờ đến bữa cơm tối chị mới rõ ý định của mẹ chồng. Hóa ra gần đây xem báo đài đưa tin vụ cô giáo ở trường mầm non bạo hành trẻ, cầm dép đánh vào đầu trẻ nên bà lo lắng. Ở dưới quê người ta đồn rằng bây giờ trường nào cũng có giáo viên “hổ báo” chuyên bạo hành trẻ em. Thằng cu Zon mới lên 3 lại gửi ở trường mầm non tư thục cho nên bà sợ cháu bà bị đánh thương tâm mà bố mẹ không biết. Vì thế bà quyết định khăn gói lên thành phố ở để trông nom cháu cho đến khi nó vào lớp 1. Mẹ chồng chị còn khẳng định rằng, bà sẵn sàng hy sinh vì tương lai của cháu nội.

Ảnh minh họa.

Nghe đến đây, chị Hậu không khỏi bật cười vì sự lo lắng thái quá của mẹ chồng. Chị giải thích cho bà rằng không phải trường học nào cũng bạo hành trẻ em, hơn nữa cu Zon đang học một trường tư thục được nhà nước bảo hộ, chất lượng tốt và có camera theo dõi hàng ngày. Bà bảo: “Thế hồi trước mấy cái trường có camera đấy thôi, cô giáo chẳng lôi học sinh vào chỗ khuất rồi nhồi cho ăn như lợn, vừa ăn vừa tát bôm bốp vào mặt. Cứ làm như có camera là an toàn cả ấy”. Riêng về vụ này thì chị Hậu công nhận bà nói đúng, vụ việc cô giáo kéo học sinh ra chỗ không có camera để nhồi ăn và tát cũng mới xảy ra năm ngoái. Tuy nhiên, chị Hậu không đồng ý để cho con ở nhà với bà, vì thằng bé đã 3 tuổi, phải đến trường để hòa nhập với bạn bè và học một số kỹ năng của trẻ. Đã có nhiều trẻ bị nhốt trong nhà với bà hoặc với ôsin bị mắc chứng tự kỷ. Hơn nữa, chị Hậu cũng hiểu rằng đằng sau việc nhờ mẹ chồng trông con cũng sẽ phát sinh nhiều bất cập như việc bất đồng quan điểm khi nuôi dạy trẻ giữa người già và cha mẹ chúng. Chồng chị thì đồng tình với vợ nhưng cũng sợ mẹ giận nên anh bảo cứ để từ từ rồi tính. Ai ngờ, mẹ chồng chị giận dỗi, cho rằng vợ chồng chị sợ phải nuôi bà cho đến khi cu Zon lên 6, tốn cơm, tốn hàng đống chi phí. Rồi bà còn bảo: “Tôi trông cháu tôi, nếu anh chị không cho tôi được bát cơm thì để tôi đóng tiền ăn cho anh chị, nhưng nhất quyết phải để cháu tôi ở nhà”.

Mấy ngày sau đó, không khí gia đình căng như dây đàn khiến hai vợ chồng chị Hậu rất đau đầu. Cuối cùng chị nghĩ ra một cách. Chị bảo với mẹ chồng hãy cùng chị đưa cu Zon đi học, chiều bà tự đến trường đón cháu về. Trong vòng một tháng nếu bà thấy yên tâm thì cứ để cháu học và bà ở lại với vợ chồng chị cho vui cửa vui nhà. Còn nếu bà thấy không yên tâm thì chị sẽ cho cu Zon ở nhà bà trông.

Đến lớp đưa đón cháu, mẹ chồng chị nhận ra các cô giáo ở trường rất dễ mến và chăm sóc trẻ tận tình, hơn nữa, buổi chiều bà có thể trò chuyện vối những cụ ông cụ bà cũng đến trường đón cháu. Bà dần nhận ra, việc bạo hành trẻ chỉ có ở một vài nơi chứ không phải ở hầu hết các trường mẫu giáo như bà nghĩ. Cũng may vợ chồng chị Hậu đã khéo léo để giải quyết ổn thỏa mọi việc và còn giữ được mẹ ở lại với hai vợ chồng.

Diệp Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-lo-chau-bi-bao-hanh-48583.html