Nỗi lo chất thải điện tử

Theo thông tin từ Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường thì trung bình mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng gần bảy nghìn tấn chất thải điện tử. Trong đó, chủ yếu là máy vi tính, điện thoại di động và ti-vi. Dự báo, đến năm 2015 con số này sẽ tăng lên khoảng tám nghìn tấn và vào năm 2020 là 11 nghìn tấn. Thành phần của loại chất thải này chủ yếu là nhựa, kim loại mầu, đen, kim loại quý và một số chất độc hại như chì, cadimin, thủy ngân, chrome...

Nếu không được xử lý triệt để sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, thực phẩm và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người. Một số hóa chất, nhất là chì gây nhiễm độc cơ thể và truyền cho các thế hệ kế tiếp. Do đó, bên cạnh việc xử lý để thu gom những kim loại quý như vàng, bạc... có trong loại rác thải này thì cũng cần đòi hỏi phải có quy trình xử lý hiện đại đủ để xử lý triệt để chất thải nguy hại đi kèm. Thế nhưng, hiện tại, loại rác này vẫn chưa được xem là chất thải nguy hại, nên chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng, giới nghiên cứu lẫn xã hội. Vì thế, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện tử này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm và hướng dẫn xử lý đúng quy trình mà chủ yếu do lực lượng cơ sở tư nhân đảm nhiệm. Sau khi tận thu những kim loại quý, sửa chữa để tái sử dụng thì các thứ còn lại được đưa đến các nơi tập kết rác thải rồi chôn lấp như các loại rác thải bình thường khác. Cách làm này nếu kéo dài sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống cũng như sức khỏe cộng đồng.

Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh cần sớm có chủ trương giao cho các cơ quan chủ quản về lĩnh vực này xây dựng quy trình xử lý chất thải điện tử nghiêm ngặt và cẩn trọng như xử lý các loại chất thải nguy hại. Đó là cần có các phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc hành nghề xử lý chất thải điện tử bao gồm bao bì chuyên dụng, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển, hệ thống hoặc thiết bị sơ chế, xử lý phải đạt các yêu cầu kỹ thuật. Tại các cơ sở xử lý chất thải điện tử phải có đủ người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến hóa học hoặc môi trường. Mặt khác, cần chú trọng nghiên cứu, khai thác tiềm năng tái sử dụng của loại rác thải này để vừa giải quyết được vấn đề môi trường lại vừa có hiệu quả về kinh tế. Các chuyên gia của Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia thành phố cho biết, các nghiên cứu của giới khoa học trong nước cũng đã đưa ra các công nghệ để biến các loại rác này trở thành những nguyên liệu để sản xuất gạch xây, gạch lót đường, bao bì, tấm lợp, còn các hợp chất kim loại cần được thu hồi, kết hợp với việc tăng thêm đầu tư cho công nghệ tái chế thay cho chôn lấp, đốt bỏ, nhằm tránh gây hại cho môi trường. Vì thế, các cơ quan chức năng của thành phố cần có quan điểm đúng đắn về vấn đề rác thải điện tử và cần phải thay đổi tư duy quản lý môi trường, đưa ra các chiến lược quản lý loại rác này ngay tại nguồn, khuyến cáo, ngăn ngừa thay vì xử lý tốn kém và chôn lấp rác.

QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/dan-biet-dan-ban/item/21297502-.html