Nỗi lo biển xâm thực do rừng phòng hộ bị thiệt hại

Tại huyện Vĩnh Linh, chỉ riêng trong tháng 10/2020, 5 đợt mưa lũ liên tiếp cùng với cơn bão số 9 đã gây thiệt hại trên 586 ha rừng, tổn thất về kinh tế ước tính hơn 10,5 tỉ đồng. Việc mất một phần rừng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất các địa phương vùng miền núi phía Tây mà còn khiến chính quyền, người dân các xã vùng biển đối mặt với nỗi lo biển xâm thực, bồi lấp.

 Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển của huyện Vĩnh Linh bị các đợt thiên tai tàn phá -Ảnh: NT

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển của huyện Vĩnh Linh bị các đợt thiên tai tàn phá -Ảnh: NT

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường, với đường biển dài khoảng 14,5 km, trung bình mỗi năm xã Vĩnh Thái trồng mới và chăm sóc gần 35.000 các loại cây phân tán phù hợp, như cây dương, keo lai, phi lao… trải dài địa phận các thôn, nhiều nhất ở 2 thôn Đông Luật và Thử Luật. Cùng với các dự án trồng rừng phòng hộ chạy dọc theo tuyến đê biển, đến cuối tháng 9/2020, toàn xã có trên 715 ha rừng, bao gồm khoảng 214 ha rừng phòng hộ và hơn 500 ha rừng trồng, nâng độ che phủ rừng đạt 40%. Tuy nhiên, chỉ riêng các đợt thiên tai trong tháng 10/2020 đã làm 7.000 cây, tương đương 3,5 ha diện tích rừng phòng hộ của xã bị hư hại. Cây rừng ngã đổ, bật gốc. Ngoài ra số lượng lớn cây vừa trồng các vụ trước đang vào giai đoạn sinh trưởng bị vùi lấp, cuốn trôi.

Cũng như xã Vĩnh Thái, sức tàn phá của các đợt mưa lũ khiến biển xâm thực mạnh vào đất liền, kéo theo rừng phòng hộ các địa phương vùng biển huyện Vĩnh Linh cũng bị tác động. Theo thống kê, toàn huyện Vĩnh Linh có trên 141,8 ha rừng trồng phân tán bị thiệt hại từ dưới 30% - trên 70%. Đối với các xã vùng biển, rừng phòng hộ ven biển rất quan trọng, vừa tăng hiệu quả về môi trường sinh thái, vừa là “vành đai xanh” vững chắc che chở ngoài bờ biển, hạn chế tác hại bão lũ, cát bay, sa mạc hóa, chắn sóng, chắn gió bảo vệ đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Trước tình trạng rừng ven biển bị thiệt hại, mỏng dần chỉ sau các đợt bão, lũ ngắn vừa qua cộng với một số tuyến đê biển bị hư hỏng khiến chính quyền địa phương cũng như người dân rất lo lắng. Tình trạng cát bay làm bồi lấp nhà ở, ruộng vườn, hoa màu… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Hiện nay huyện Vĩnh Linh vẫn đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho Nhân dân. Riêng để giảm thiểu thiệt hại đối với diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ ven biển nói riêng, huyện chỉ đạo ngành chức năng cùng các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phục hồi rừng.Trước hết, kịp thời thống kê, phân loại diện tích, mức độ rừng hư hại theo quy định. Chú ý chăm sóc đối với diện tích cây còn tỉ lệ cứu sống cao.

Căn cứ báo cáo, điều kiện thực tế các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh đã tham mưu UBND huyện Vĩnh Linh kiến nghị, đề xuất với các cơ quan liên quan sớm xem xét, có kế hoạch phân bổ, hỗ trợ kinh phí để các đơn vị có phương án trồng mới hoặc trồng bổ sung trong vụ trồng rừng kế tiếp ngay khi thời tiết ổn định trở lại. Riêng đối với các xã ven biển, bên cạnh phục hồi rừng, UBND huyện Vĩnh Linh đã đề xuất sửa chữa, nâng cấp đối với hệ thống đê biển bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước diễn biến thời tiết, bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân vùng biển Vĩnh Linh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, những tác động xấu từ thiên tai, xói lở bờ biển, xâm thực nước biển vào đất liền. Với nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành, mong rằng những “vành đai xanh” ven biển sẽ sớm được tái tạo, phục hồi kịp thời chức năng phòng hộ nhằm góp phần bảo vệ, ổn định cuộc sống, sản xuất bền vững cho Nhân dân.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153426