Nơi 'làm mới' những nụ cười

Tai nạn lao động... buộc phải cắt bỏ một phần cơ thể để bảo toàn mạng sống..,. anh Huấn và biết bao mảnh đời không may mắn đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia cứu sống. Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều trường hợp cấp cứu có hoàn cảnh thương tâm như thế được kể lại, nhiều phép màu mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhân di chứng sau bỏng được nhắc đến...

Bệnh viện Bỏng - Nơi trao gửi niềm tin

Thành lập năm 1964, Khoa Bỏng ra đời với yêu cầu nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh và nhân dân bị bỏng trong chiến tranh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều khó khăn, thử thách, đến nay, Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã vươn mình trở thành một trong hai bệnh viện thực hành của Học viện Quân y, là nơi nghiên cứu, thu dung, khám chữa bệnh đầu ngành toàn quốc về chữa bỏng và phục hồi chức năng sau bỏng.

 Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình-Thẩm mỹ khám bệnh cho bệnh nhân bị bỏng đang điều trị tại viện.

Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình-Thẩm mỹ khám bệnh cho bệnh nhân bị bỏng đang điều trị tại viện.

Trong công tác điều trị, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng đã cứu chữa được nhiều bệnh nhân cũng như thương binh bị bỏng rộng, độ sâu lớn và nhiều biến chứng phức tạp. Tỷ lệ tử vong những năm trước trong bỏng thường là rất cao 9-10%, những năm gần đây đã giảm xuống 1-2%. Đây là sự nỗ lực lớn của đội thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia từ việc phát triển kỹ thuật mới, nghiên cứu ra những bài thuốc mới để điều trị vết thương bỏng cho bệnh nhân. Đặc biệt, trong điều trị bệnh nhân bỏng rộng, độ sâu lớn, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trên thế giới và đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh. Bên cạnh những thuận lợi, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng gặp không ít khó khăn bởi việc điều trị cho những bệnh nhân bị bỏng thường là những bệnh nhân nghèo và nhiều bệnh nhân không có BHYT. Vì vậy, việc điều trị cho bệnh nhân bỏng gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí điều trị lớn.

Để khắc phục khó khăn, bệnh viện cũng đã phát huy tinh thần tự chủ, tự bào chế, sáng chế ra những bài thuốc đông nam dược để ứng dụng vào điều trị cho người bệnh nhằm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã nghiên cứu, sản xuất ra những chế phẩm, những vật liệu thay thế da để che phủ những vết thương bỏng sâu diện rộng, nhanh chóng làm lành vết thương. Nhiều kỹ thuật đã được các chuyên gia về bỏng, về kỹ thuật tạo hình ở trong nước và thế giới công nhận ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

 Các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia chăm sóc cho bệnh nhân.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia chăm sóc cho bệnh nhân.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, những kết quả mà Bệnh viện Bỏng quốc gia đạt được những năm qua là sự trau rèn và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hằng ngày của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Cùng với các Bộ môn trong Học viện Quân y, Bộ môn Bỏng, Bộ môn - Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo là “cái nôi” đào tạo hàng trăm bác sĩ có chuyên môn, trình độ cao, phục vụ tại các bệnh viện trong toàn quân và toàn quốc. Bên cạnh đó, bệnh viện luôn tạo mọi điều kiện để y bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần phục vụ tốt nhất công tác điều trị cho bộ đội và nhân dân. Đến nay, bệnh viện có 9 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 5 bác sĩ CKII, 2 bác sĩ CKI, 1 chuyên viên đầu ngành bỏng và 3 chuyên viên kỹ thuật của Cục Quân y. Hơn 300 đề tài các cấp và hơn 80 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đi vào thực hành hiệu quả, đạt kết quả cao; nhiều công trình trở thành thành tựu của ngành y tế nước nhà.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bỏng

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia, trong những năm qua, Bệnh viện Bỏng Quốc gia thường xuyên nâng cao chất lượng điều trị, chú trọng áp dụng các kỹ thuật mới và hiện đại như: Kỹ thuật thông khí mở phổi điều trị ARDS ở bệnh nhân bỏng nặng; kỹ thuật thở máy cao tần HFO; kỹ thuật siêu lọc máu liên tục; kỹ thuật nội soi hô hấp chẩn đoán và điều trị bỏng đường hô hấp; kỹ thuật cắt bỏ hoại tử sớm, ghép da ngay thời kỳ sốc bỏng; kỹ thuật chuyển vạt da, cân nhánh xuyên; vạt siêu mỏng; kỹ thuật vi phẫu nối 1-2 cuống mạch; kỹ thuật giảm đau liên tục cho bệnh nhân sau mổ bỏng và phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân kiểm soát… Bên cạnh đó, chất lượng điều trị các bệnh nhân có các vết thương mãn tính ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2019, bệnh viện đã triển khai thực hiện 7 kỹ thuật mới giúp nhiều bệnh nhân đã được phục hồi chức năng, thẩm mỹ sau bỏng rất hiệu quả.

Trầy da, đứt tay, bỏng bô xe máy nhẹ... đã khiến chúng ta đau và phải mất hàng tuần để vết thương lành hẳn. Nhưng đối với bệnh nhân ở đây, hầu hết họ nhập viện trong tình trạng bỏng vừa, bỏng nặng đến rất nặng; bỏng có nhiều biến chứng phức tạp, bỏng đặc biệt như bỏng hô hấp, tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy, nổ... Những đau đớn ấy có thể kéo dài hằng năm, thậm chí cả đời.

Bé Ngọc M. (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) bị bỏng từ khi mới 3 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng bỏng sâu, hôn mê, bất tỉnh tưởng chừng như không thể qua khỏi. Nhưng bằng sự nỗ lực, các bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia đã cùng em đấu tranh giành lại được sự sống.

 Được sự quan tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia, cô Nguyễn Thị Sáu đã trở lại khuôn mặt bình thường.

Được sự quan tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia, cô Nguyễn Thị Sáu đã trở lại khuôn mặt bình thường.

Bị bỏng lửa từ năm lên 6 tuổi, cô Nguyễn Thị Sáu, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cơ thể biến dạng. Nhà nghèo không có tiền chữa trị, cô Nguyễn Thị Sáu đã chấp nhận sống với ngoại hình như thế cả cuộc đời. Có lẽ cô Sáu không bao giờ nghĩ, cô sẽ được Bệnh viện Bỏng Quốc gia hỗ trợ điều trị miễn phí với chi phí quá lớn như vậy cho mình. Nhiều năm qua, bệnh viện đã trích một phần ngân sách để giúp đỡ những bệnh nhân đặc biệt như cô Sáu. Điều đó không chỉ nói lên y đức của người thầy thuốc mà còn thể hiện tính nhân văn của 1 trong 10 bệnh viện được bầu chọn thân thiện với cộng đồng. Ngày hôm nay, đã tự tin cười trở lại với cô sau hơn 50 năm không ngoái được cổ.

Cô Nguyễn Thị Sáu là một trong số rất nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Bỏng quốc gia đang hằng ngày, hằng giờ đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ và mong một ngày có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tại “ngôi nhà chung” mang tên Bệnh viện Bỏng quốc gia ấy, những số phận kém may mắn phải mang trên mình vết sẹo là di chứng của bỏng không còn cảm thấy mặc cảm, tự ti về ngoại hình của mình nữa. Bởi hơn nửa thế kỷ qua, cán bộ, y sĩ, bác sĩ nơi đây đã dành sự tận tâm, kiên nhẫn và lòng nhiệt huyết để cứu chữa, sẻ chia đối với bệnh nhân của mình. Sự tự tin, niềm hạnh phúc của người bệnh cũng chính là niềm hạnh phúc, là động lực cho những người chiến sĩ áo trắng của bệnh viện tiếp tục rèn luyện, cống hiến, xứng đáng là những người thầy thuốc ưu tú của một đơn vị 2 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY - HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/noi-lam-moi-nhung-nu-cuoi-604579