Nói không với bạo hành trẻ em

Lâm Phương

BPO - Báo cáo tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11-10, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ lo lắng về tình trạng bạo hành trẻ em gây bức xúc, hoang mang trong xã hội thời gian gần đây. Nội dung này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp, ngành phải tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.

Trong những năm gần đây, các quyền bảo vệ trẻ em, Luật Trẻ em đã được các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức sinh động, nhưng đáng buồn là thực trạng bạo hành trẻ em vẫn nhức nhối và không ngừng gia tăng. Mỗi năm, có hàng chục vụ bạo hành trẻ em được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực tế, con số này có thể là hàng trăm, hàng ngàn vụ. Còn theo thống kê từ Tổng Đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), sau hơn 17 năm hoạt động đã tiếp nhận hơn 4,5 triệu cuộc gọi nhờ giúp đỡ cho hơn 2.700 trẻ em bị bạo lực. Trung bình mỗi ngày, tổng đài này tư vấn khoảng 100 trường hợp có liên quan đến nạn bạo hành hay xâm phạm quyền trẻ em. Điều đáng buồn là số trường hợp bạo hành trẻ chiếm hơn 70% là thành viên trong gia đình, thậm chí là cha mẹ ruột, ông bà hay chú bác ruột. Hoặc cha dượng, mẹ kế hành hạ thì chính cha mẹ ruột là người tiếp tay, làm lơ để những đối tượng này có hành vi xấu xa với con mình.

Trẻ em là đối tượng luôn được quan tâm, bảo vệ, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em vẫn còn nhiều khoảng trống, lỗ hổng, thiếu các chế tài đủ sức răn đe; việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về các hành vi bạo lực trẻ em hay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có hành vi bạo hành trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; những quy định về bảo vệ trẻ em hay người tố giác vẫn chưa được phổ biến rộng rãi… Trong khi các trường hợp bạo hành trẻ em là cha mẹ thường vin vào lý do dạy dỗ con cái, "thương cho roi cho vọt”. Đã có nhiều trường hợp sau khi phát hiện bạo hành con cái cũng chỉ bị ngành chức năng nhắc nhở, phạt hành chính rồi cho về, để rồi những đứa trẻ này tiếp tục bị đàn áp tinh thần mà không dám “kêu cứu”, dẫn đến kiệt quệ tinh thần và có những hành động tiêu cực với bản thân.

Còn một yếu tố nữa cũng làm gia tăng tình trạng bạo lực trẻ em, đó là sự vô tâm, vô cảm của người lớn, bởi tâm lý sợ phiền phức, ngại đụng chạm, không thích soi mói đến vấn đề của người khác. Đã có nhiều trường hợp bạo hành trẻ em trong một gia đình dù được những người sống xung quanh biết, nghe tiếng la hét, kêu cứu của con trẻ mỗi ngày nhưng không ai tố giác, sợ bị cho là “lo chuyện bao đồng”.

Không có bất cứ nguyên nhân nào được chấp nhận cho nạn bạo hành trẻ em. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ quyền trẻ em; tăng cường các hoạt động vun đắp tinh thần tương thân tương ái, khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, lấy đạo đức, lễ nghĩa làm trọng. Nhất là, phải mạnh tay loại bỏ các văn hóa phẩm đồi trụy, đề cao sự bạo lực, các hành vi không đúng với luân thường đạo lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất người dân tiếp xúc với các tư tưởng thiếu tính nhân văn. Kể cả khi giáo dục cũng cần thực hiện đúng cách, tuyệt đối không sử dụng hành động bạo lực với trẻ em và bản thân mỗi người cần dũng cảm lên tiếng, kịp thời ngăn chặn hay tố cáo khi phát hiện các trường hợp bạo hành trẻ em...

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/149515/noi-khong-voi-bao-hanh-tre-em