Noi gương Bác, tận tâm với đồng bào Ma Coong

Khi thì là người lãnh đạo, lúc lại là anh 'kỹ sư nông nghiệp', có khi lại là người bạn tâm tình, người con yêu quý của bản... Đó là những gì mà Thiếu tá Trương Tấn Hợp, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình đã và đang học tập theo gương Bác mỗi ngày để góp sức mình giúp bà con đồng bào Ma Coong trên địa bàn biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đổi thay cuộc sống.

Thiếu tá Trương Tấn Hợp (hàng thứ nhất, bên trái) cùng với đồng đội xây nhà Tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thành Phú

Cách đây hơn một năm, Thiếu tá Trương Tấn Hợp nhận quyết định giữ chức vụ nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cồn Roàng khi được điều động về đơn vị từ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Bình. Khi đặt chân đến vùng đất biên cương với trên 98% là người dân tộc thiểu số Ma Coong, anh không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi tiếp xúc với bà con, mặc dù trước đây, anh cũng đã từng có hơn 3 năm gắn bó với đơn vị.

Tận tâm với người dân, tận tụy với công việc, vì thế, Thiếu tá Trương Tấn Hợp đã thật sự trở thành người con yêu quý của bản Cu Tồn, người đồng chí luôn là điểm tựa niềm tin cho những đảng viên chi bộ bản. Còn với Thiếu tá Trương Tấn Hợp thì bà con cộng đồng người Ma Coong và biên giới mãi luôn là quê hương, là người thân để anh tận tâm gắn bó, cống hiến trọn trí lực cho biên cương Tổ quốc.

Anh chia sẻ: “Cuộc sống của đồng bào người Ma Coong vẫn còn nhiều khó khăn quá, tuy không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như nhiều năm về trước, song cái nghèo, cái khổ thì vẫn chưa thể giảm, mặc dù rất được Nhà nước, tỉnh, huyện đầu tư. Cái khó là làm cho người dân dần thay đổi nhận thức, tự mình cố gắng vươn lên, không trông chờ, ỷ lại mãi vào các khoản trợ cấp của cấp trên hay những tấm lòng từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân”.

Cũng bắt đầu bằng cách nhìn và cảm nhận đó, Thiếu tá Trương Tấn Hợp đã xắn tay lao vào công việc ngay từ buổi đầu tiên xuống thực hiện nhiệm vụ tại các bản làng. Anh chỉ dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, phương pháp phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi; khuyên bảo, vận động trẻ em đến trường học tập; tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn và lãnh đạo địa phương kịp thời hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người bị khuyết tật...

Với phương pháp “miệng nói, tay làm”, lăn xả vào từng công việc của địa phương, của người dân, nên chưa đầy 4 tháng nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, Thiếu tá Trương Tấn Hợp đã được đơn vị tin tưởng giới thiệu về tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản Cu Tồn, đồng thời, phụ trách 7 hộ gia đình tại bản này và được các đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ bản.

Nỗi trăn trở lớn nhất mà Thiếu tá Trương Tấn Hợp luôn đau đáu trong từng suy nghĩ, đó là đa số đồng bào Ma Coong trên địa bàn vẫn thuộc diện hộ nghèo vì việc phát triển kinh tế rất chậm và chưa có tính đột phá. Nhiều người dân vẫn còn mang tư tưởng ỷ lại sự chu cấp từ cấp trên cũng như việc hỗ trợ, tài trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, nên thiếu cố gắng để tự mình vươn lên thoát nghèo... Để dần làm thay đổi tư duy của bà con dân bản, anh đã đề xuất cấp ủy, Ban chỉ huy đồn và lãnh đạo địa phương xây dựng mô hình chăn nuôi giống lợn bản địa, nhưng theo cách chăm sóc mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như rút ngắn thời gian xuất bán cho mỗi lứa lợn thành phẩm.

Sau khi được sự đồng ý từ cấp chỉ huy cũng như lãnh đạo địa phương, anh chọn gia đình chị Y Nhướng, 44 tuổi làm điểm, với 2 cặp lợn giống ban đầu. Chỉ sau 9 tháng, những chú lợn giống của gia đình chị Y Nhướng đã sinh sản lứa đầu tiên được 10 con.

Chị Y Nhướng chia sẻ: “Trước đây, gia đình cũng có nuôi giống lợn này, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì chưa biết cách chăn nuôi theo kỹ thuật mới, nay được anh Hợp hướng dẫn cách chăm sóc theo kỹ thuật mới nên lợn giống nhanh phát triển và sinh sản tốt, mà vẫn giữ được chất lượng như giống lợn mà người dân bản vẫn nuôi từ xưa đến nay. Khi đàn con giống này lớn, mình sẽ bán lại cho những gia đình khác trong bản với giá rẻ, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc để giúp mọi người cùng phát triển chăn nuôi, nâng cao thêm thu nhập cho gia đình”.

Cùng với việc xây dựng mô hình chăn nuôi giống lợn bản địa, Thiếu tá Trương Tấn Hợp còn tổ chức cho một số gia đình bản Cu Tồn chăn nuôi ngan và gà, tổ chức mô hình trồng rau chung của bản để gắn kết hơn nữa tình đoàn kết cộng đồng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế cũng như chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Thiếu tá Trương Tấn Hợp thường xuyên có mặt tại gia đình người dân để tuyên truyền, vận động họ thay đổi nhận thức, chăm lo lao động sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Thành Phú

Anh Đinh Chiến, Bí thư chi bộ bản Cu Tồn cho biết: “Đồng chí Hợp tuy mới về tham gia sinh hoạt và giữ chức Phó Bí thư chi bộ bản trong một thời gian ngắn, nhưng đã làm được rất nhiều việc cho chi bộ và nhân dân. Cho dù việc nhỏ hay việc lớn, đồng chí Hợp luôn làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Từ khi có đồng chí Hợp về giữ chức Phó Bí thư, chất lượng sinh hoạt chi bộ bản Cu Tồn chúng tôi được nâng lên rất nhiều, nghị quyết lãnh đạo được xây dựng sát, đúng hơn với tình hình địa phương. Một số hộ gia đình trong bản nhờ có sự hướng dẫn của đồng chí Hợp nên đã biết cách chăn nuôi khoa học để phát triển kinh tế gia đình, có những thanh niên trước đây lười lao động hay uống rượu gây mất trật tự trong bản cũng được đồng chí Hợp giáo dục tiến bộ”.

Nhập ngũ tháng 3/1993, với kinh nghiệm 30 năm công tác, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, giờ đây, Thiếu tá Trương Tấn Hợp trở lại cùng bà con đồng bào Ma Coong để tận tâm, tận trí, tận lòng giúp bà con dân bản đổi thay nếp nghĩ, đổi thay hành động, tích cực, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, góp sức dựng xây bản làng từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới như lời chia sẻ của anh: “Bà con cộng đồng người Ma Coong trên vùng cao biên giới xã Thượng Trạch còn rất nhiều khó khăn, hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ trên 65%, thế nhưng, người dân nơi đây vẫn chưa sẵn sàng thay đổi nhận thức trong chuyển đổi phương thức lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vì thế, việc thoát nghèo bền vững còn gặp không ít rào cản. Bằng tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ Biên phòng, bản thân tôi luôn cùng với đồng chí, đồng đội kiên trì bám người dân, bám địa bàn, tuyên truyền, vận động, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn họ trong từng công việc để họ dần làm quen với cách thức mới, từ đó, họ sẽ tự ý thức được cái hay, cái tốt và làm theo”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-guong-bac-tan-tam-voi-dong-bao-ma-coong-post465706.html