Nơi gặp gỡ những mùa xuân

Chúng tôi đến với bán đảo Cam Ranh, vào thăm Lữ Đoàn 146 Hải quân những ngày đầu xuân. Vịnh biển biếc xanh, gió mới xôn xao ngan ngát trong hương chàm lan tỏa. Đến với các anh, những người lính thủy sau bao ngày luyện tập nơi thao trường miền nắng gió họ đang rạo rực, thao thức khát khao với sức trẻ tuổi đôi mươi được tung cánh vẫy vùng thử thách nơi đầu sóng. Ngày mai các anh sẽ hành quân về phía mặt trời canh giữ biên cương xanh của Tổ quốc nơi Trường Sa thân yêu.

Những người lính trên bán đảo Cam Ranh

Đêm, bán đảo trời đầy sao, làn gió xuân nhè nhẹ ùa về mang theo chút mặn mòi hương biển thật phóng khoáng và dễ chịu. Dạ hội đêm nay với những người lính thủy, họ ôm đàn hát say sưa. Biển trời nơi đây cho các anh một khoảng không mênh mang và tình người nồng ấm. Chúng tôi hòa vào chuyện trò cùng cánh lính, lạ quen với giọng nói ba miền. Đêm dạ hội dẫu không có ánh đèn xoay với bảy sắc cầu vồng nhưng cũng đủ ngời lên những gương mặt, ánh mắt trẻ trung và nụ cười rạng rỡ. Sân khấu bỗng ồ lên khi thấy Tuấn ở C4 – D6 lên hát. Những tiếng vỗ tay rào rào không ngớt” Làng quan họ quê tôi” giọng hát của chàng trai Bắc Ninh trầm ấm, chất dân ca bay bổng cất lên nghe níu lòng và thân thương đến thế. Đêm nay, nỗi nhớ tháng giêng lại ùa về trong tâm thức những người con xứ Bắc. Gió giao mùa có chút se lạnh của phương Nam chúng tôi lại thèm hạt mưa phùn phương Bắc, lại nhớ cái rét căm căm của những ngày đóng quân trên vùng rẻo cao Việt Bắc” Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”… Ghé qua C6 – D3 thăm mấy đồng chí ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn… Xôn xao khát cháy của cánh mai vàng phương Nam các anh lại chạnh lòng giao diết nhớ hoa ban, hoa mơ mùa này nở trắng rừng biên giới và những cành đào chúm chím khoe môi đỏ vào xuân. Sân khấu lại ấm lên với tiết mục hát then, tấu ghi ta, thổi sáo của Lương, Ninh, Đoàn. “Tháng giêng mùa măng vầu nẻ đất/ Mùa con trai, con gái tìm nhau…” Tiếng thơ, câu hát nơi miền nhớ ấy cứ thao thiết rung lên theo nhịp múa của người dân tộc Tày, Nùng nghe lòng mình bổi hổi rưng rưng, tiếng Nọng, Chài ơi! Nghe quen, lạ làm sao.

Ngồi bên tôi là binh nhì Lê Mạnh Hùng, chiến sĩ khẩu đội 1 C5-D3 – quê xứ biển Hải An – Hải Lăng – Quảng Trị. Mới lớn lên, Hùng đã biết vá lưới, cầm mái chèo theo cha ra biển. Anh tâm sự: “Ngày nhỏ, tôi cứ ước ao sau này được làm lính thủy và điều đó đã thành sự thật. Những ngày huấn luyện, tân binh chúng tôi cứ nôn nao mong đợi đến ngày chuyển quân ra đảo, sẽ được đến với Trường Sa”. Đang mải chuyện, Hùng bỗng hướng về phía sân khấu. Tôi nhìn theo, đó là một người con gái đang say sưa đắm mình vào câu hát. Hùng nói nhỏ: “Thủy đó anh ạ! Thủy là cô giáo trường tiểu học, mái trường ấy đã bao năm nay kết nghĩa với đơn vị”. Câu dân ca Thủy hát sao mà xao lòng đến thế, cả không gian dường như lắng lại: “Tình yêu em như sóng biển chiều hôm/ đã trao anh dạt dào bao kỷ niệm/như vầng trăng sáng tỏ ngoài khơi xa…”.

Đội hình hành quân lên tàu ra đảo

Cuộc đời người lính đã đến với các anh, gia tài của thời học sinh xếp gọn gàng trong chiếc ba lô. Bài học đầu tiên là kỷ luật quân đội, giờ giấc ăn, nghỉ, sinh hoạt chính xác từng phút, không như những ngày ở nhà mẹ thường la nhắc. Nắng gió thao trường là hình ảnh đáng nhớ của những người lính. Nằm áp mình ôm súng với cái nắng hầm hập trên cát, lăn, lê, bò, toài với 7 động tác tiền nhập giữa những bãi cỏ tranh, gai mỏ diều trên bãi tập, tối về mình mẩy ê nhức. Những hôm hành quân vượt dốc và đào hào công sự, tập sơ cứu băng bó cõng thương binh, rồi những chiều trên biển tập kỹ thuật bơi vũ trang, bơi rèn luyện vất vả mà vui. Những ngày luyện tập trên thao trường quen dần, mỗi khi nghe còi báo động trong đêm, không ai còn lúng túng như những buổi đầu nữa. Nắng lửa và gió biển dần làm mái tóc đen mượt, nước da trắng trẻo, dáng hình thư sinh thẫm hơn, chắc khỏe hơn… Ngày mai chúng tôi lên đường, đêm nay những con tim nóng hổi đang hòa cùng nhịp hát, sân khấu bỗng như hừng cháy: “Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên, còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên…”. Ai đó nhỉ? Hóa ra là anh bạn người Đăklăk. Chàng trai da ngăm, mắt sáng, vóc dáng chắc nịch như cây gỗ rừng là binh nhất Y Tuyn Kmăn – người con của dân tộc Ê Đê. Y Tuyn ở khẩu đội 2 C13 – D2, vừa hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, anh cũng đang háo hức mong chờ ngày được ra đảo.

Càng về khuya, sân khấu ấm dần lên, những người lính hồn nhiên, tự tin, mạch nguồn cảm xúc cứ trào lên ào ạt: “Con rạch Cái Thia, chảy về Tắc Cổ…”. Chất giọng cải lương mùi mẫn, chân chất của vùng phù sa mênh mang sóng nước. Đó là binh nhất Võ Hoài Nam, người lính chiều nay chúng tôi mới gặp ở C5-D3. Khi hỏi chuyện anh còn dè dặt, thế mà giờ đây mạnh mẽ đúng chất đờn ca tài tử. Anh sinh ra trên đất Mũi, nơi mạch đất lao ra biển và bao la rừng tràm, rừng đước với đủ loại cá tôm. Chuyện trò cùng chúng tôi, Nam rất tự hào về miền sông nước quê mình và anh còn cho biết ngày xưa, những năm tháng chống Mỹ, ông nội và ba anh đã từng che chở cho bộ đội ta và tìm nơi cất giấu vũ khí khi những đoàn tàu không số cập bến. Một tà áo dài dịu dàng bước ra sân khấu và trên tay là một bông hồng nhỏ nhắn, thắm tươi hồn hậu tặng Hoài Nam. Đó là cô giáo Trang – hoa khôi của miền gió cát – theo cách gọi của lính. Cái bắt tay khiến chàng lính biển bối rối. Và, gương mặt của em cũng đỏ ửng theo nhịp vỗ tay, huýt sao râm ran của cánh lính trẻ lém lỉnh. Đêm cuối ở lại với bán đảo, chúng tôi dường như ai cũng thao thức, cũng muốn cố nán lại. Tâm trạng, tình cảm của chúng tôi và các anh dường như cùng một hướng trước giờ tạm biệt.

Sáng mai ra, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề bên cầu tàu. Lại một mùa xuân mới lên đường, đứng trên cầu tàu nơi bán đảo, chúng tôi được sẻ chia, chứng kiến hình ảnh cuộc chia tay của những người lính thủy mà lòng bâng khuâng khó tả và xúc động trước những điều giản dị. Có người cha khoác lên vai con chiếc ba lô đã cũ sờn mà kỷ vật ấy đã đi suốt cùng cha một thời trận mạc. Có người mẹ quàng thêm cho con chiếc khăn ấm rồi ngân ngấn nhìn con như thuở nào tiễn chồng ra trận. Ấm lên giữa trời xuân bán đảo là những cành mai vàng rực cháy và tà áo dài thướt tha làm xốn xang bao trái tim người lính. Bất chợt tôi lại rưng rưng nhớ về một thuở hành quân trên chiến hào biên giới, như câu thơ tôi đã viết: “Người lính đón xuân trên đường hành quân/Có phải hương xuân vương đầy áo lính/Mà để lòng tôi cứ bồi hồi thương mến/Hái bông hoa rừng muốn gửi tặng ai…”.

Có sáng xuân nào đẹp hơn sáng xuân nay, các anh – những người lính hành quân về phía mặt trời. Trong đội ngũ trùng điệp ấy, các anh mang theo niềm tin yêu của đất Mẹ thiêng liêng. Trường Sa – dải biên cương xanh, nơi neo đậu của những cánh chim không mỏi, vang mãi khúc tráng ca của những người lính trên những dặm dài đất nước mùa xuân.

DUY HOÀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/bien-gioi-va-bien-dao-viet-nam/643213-noi-gap-go-nhung-mua-xuan.html