'Nơi gặp gỡ của tình yêu' - bộ phim điện ảnh cách mạng gắn với minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng

Không chỉ là minh tinh màn bạc, nhắc đến Thẩm Thúy Hằng còn gắn với một số bộ phim điện ảnh cách mạng, trong đó có bộ phim nổi tiếng 'Nơi gặp gỡ của tình yêu'.

“Nơi gặp gỡ của tình yêu” - bộ phim điện ảnh cách mạng gắn với minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng là câu chuyện xoay quanh Dương Tấn – một kỹ sư của chế độ Sài Gòn ở lại miền Nam sau ngày giải phóng. Anh đang lo lắng trước cuộc sống mới thì được chính quyền cách mạng mời ra làm việc để khôi phục nhà máy thủy điện A5 cùng với kỹ sư Đỗ Long mới từ Bắc vào.

Thẩm Thúy Hằng còn tham gia bộ phim điện ảnh cách mạng “Nơi gặp gỡ của tình yêu”

Thẩm Thúy Hằng còn tham gia bộ phim điện ảnh cách mạng “Nơi gặp gỡ của tình yêu”

Quá trình làm việc với Đỗ Long, nhóm kỹ sư Sài Gòn gồm: Dương Tấn, Linh Đa, Thúy Lan đã nhận ra nhiều phẩm chất tốt đẹp ở người kỹ sư này. Từ chỗ nghi ngờ, mặc cảm, họ đã tin yêu Đỗ Long, hợp tác rất tốt với anh trong công việc.

Bọn gian thương âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng của “phía cộng sản”. Chúng bắt vợ con Dương Tấn và Thúy Lan đi di tản, hòng ép Dương Tấn đi cùng. Nhờ có bức thư Thúy Lan để lại nói rõ việc thép làm công trình không đủ tiêu chuẩn, Dương Tấn và Đỗ Long đã kịp thời cho dừng ngày Thủy Kích, cứu được công trình thoát khỏi sự phá hoại

Bộ phim là một trong những phim Việt Nam hay trong những năm 1980, với sự tham gia của diễn viên Thế Anh, Thu Hiền, Huy Công từ Bắc vào, cùng mỹ nhân Sài Gòn Thẩm Thúy Hằng và võ sư Lý Huỳnh.

Bộ phim cũng cho ra đời bài hát "Nơi anh gặp em" của Hoàng Hiệp, từng rất nổi tiếng với giọng ca Lâm Xuân và sau này là Thanh Hoa.

Ngoài “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia nhiều bộ phim điện ảnh cách mạng như: “Ngọn lửa Krông Jung,” “Như thế là tội ác,” “Hồ sơ một đám cưới,” “Đám cưới chạy tang”...

Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng cũng có những vai diễn ấn tượng trong “Cho tình yêu mai sau,” “Đôi bông tai,” “Hoa sim gai trắng,” “Biệt thự hoang tàn”...

Tuy nhiên, với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương” - phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sỹ Năm Châu đạo diễn, ra mắt năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh. Từ đó, cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thẩm Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 1950-1960.

Sau Tam Nương, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim liên tục mời vào vai chính. Bà đóng khoảng 60 phim và trở thành minh tinh số một thời điểm đó với tiền cát xê 1 triệu đồng cho một vai diễn (tương đương 1 kg vàng lúc bấy giờ).

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng, sau đó theo gia đình di cư vào miền Nam. Từ năm 16 tuổi, bà đã nổi tiếng là hoa khôi xinh đẹp trong giới học sinh Sài Gòn. Bà tham gia cuộc thi tuyển diễn viên do hãng điện ảnh Mỹ Vân tổ chức và vượt qua hàng ngàn thí sinh khác để giành giải nhất.

Dù "Người Đẹp Bình Dương" Thẩm Thúy Hằng đã qua đời song trong tâm trí của người yêu điện ảnh, bà mãi là minh tinh màn bạc, là biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-gap-go-cua-tinh-yeu-bo-phim-dien-anh-cach-mang-gan-voi-minh-tinh-man-bac-tham-thuy-hang-219345.html