Nội dung quảng cáo phải hàm chứa yếu tố văn hóa

KTĐT - Tiếp tục Phiên họp thứ 7, ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Quảng cáo và dự án Pháp Lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

* Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết đối với giá bán điện

Một trong các vấn đề lớn tại dự án Luật Quảng cáo là quảng cáo trên báo điện tử sau nhiều lần bàn thảo đã có sự thống nhất cao tại phiên họp, đề nghị không nên quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lựa chọn của độc giả, dự thảo luật đã bổ sung quy định: Phần quảng cáo cố định không được lẫn vào phần nội dung tin. Đối với quảng cáo không cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột.

Quanh ý kiến cho rằng không nên cho phép quảng cáo trên trang chủ, nhiều đại biểu cho rằng, hiện quảng cáo là nguồn thu duy nhất của hầu hết các báo điện tử nên nếu cấm trên trang chủ đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của báo điện tử. Tất cả mẫu quảng cáo đều thiết kế trên trang chủ và báo điện tử không có trang chuyên quảng cáo như đối với báo in.

Theo các thành viên UBTVQH, mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Do đó, Bộ VHTT&DL phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo...

Về dự án Pháp Lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các đại biểu đề nghị quan tâm bổ sung thêm một số vấn đề như việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, chính sách hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ liên quan mà tờ trình chưa đề cập. Đối với việc mở rộng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế đối với thân nhân của tất cả các đối tượng người có công, các đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thêm, vì hiện chưa có chính sách cấp bảo hiểm y tế đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế… Do đó, Chính phủ cần đánh giá, dự báo đầy đủ về số đối tượng dự kiến tăng thêm và khả năng cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện.

* Chiều 17/4, UBTVQH tiếp tục thảo luận về Luật Điện lực sửa đổi. Tại buổi thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với chính sách giá điện được đưa ra tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, trong thời gian vừa qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý. Do đó, chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện, đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối sẽ có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo đảm mức giá điện vừa phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng. Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/331059/noi-dung-quang-cao-phai-ham-chua-yeu-to-van-hoa.aspx