'Nới' điều kiện, doanh nghiệp vẫn 'khát' nhân lực

Một thực trạng của thị trường lao động hiện nay là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động dù đã 'nới' điều kiện tuyển dụng.

“Nới” điều kiện, doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động

Quý I/2024, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, khởi sắc. Các doanh nghiệp tích cực tuyển dụng lao động để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đây là cơ hội cho người lao động (NLĐ), nhất là học sinh sinh viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và NLĐ có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.

Doanh nghiệp nới điều kiện vẫn khó tuyển lao động (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá qua quá trình tuyển dụng tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các lĩnh vực, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động tại các phiên giao dịch rất đa dạng như: Thương mại điện tử, dệt may, xây dựng, bất động sản, văn phòng; đặc biệt, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, logistic, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Thống kê tại các phiên giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay cho thấy, mức thu nhập hàng tháng mà doanh nghiệp trả cho NLĐ là từ 7 đến 12 triệu đồng đối với người trực tiếp sản xuất (lao động phổ thông);

Từ 8 đến dưới 15 triệu đồng đối với vị trí lao động gián tiếp (làm việc văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật); mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chủ yếu được trả cho lao động làm công việc quản lý như trưởng phòng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận, giám đốc bộ phận…

Ngoài chế độ tiền lương, NLĐ còn được doanh nghiệp hỗ trợ tiền xăng xe, ăn trưa, nhà ở; được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, hưởng tiền nghỉ các ngày lễ, tết, hiếu, hỷ, thai sản.

Tuy nhiên, một thực trạng của thị trường lao động hiện nay là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.

Mới đây nhất, tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh phía Bắc, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, với 17.338 chỉ tiêu; tiếp đến là Bắc Ninh 11.113 chỉ tiêu; Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng hơn 2.000 chỉ tiêu…

Tuy nhiên, kết quả các doanh nghiệp đạt được sau phiên giao dịch đều rất thấp so với mục tiêu.

Nhằm thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã “nới” điều kiện tuyển dụng, hạ thấp tiêu chuẩn về độ tuổi, tay nghề, trình độ, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc.

Cụ thể, thay vì tuyển lao động từ 18 đến 35 tuổi như trước đây, nhiều doanh nghiệp tuyển lao động từ 18 đến 40 tuổi.

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam và Công ty TNHH Ce Link Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang) cho biết, nhu cầu tuyển dụng rất lớn.

Tiêu chuẩn công ty đưa ra là tuyển tất cả ứng viên đủ tuổi lao động, đủ sức khỏe làm việc. Để thu hút lao động, doanh nghiệp đưa ra các chính sách đãi ngộ hấp dẫn và ưu đãi như: Nâng phúc lợi, hỗ trợ chuyên cần, nuôi con nhỏ, hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe… song vẫn khó tuyển đủ người.

Với mức lương hấp dẫn từ 8 đến 10 triệu đồng, riêng lao động khối kỹ thuật có thể lên tới 18 triệu đồng/tháng, song Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina cho biết, để tuyển đủ 250 lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất là không hề dễ.

“Sau tết, NLĐ vẫn có tâm lý nghỉ ngơi, thường phải sau 3 tháng đầu năm NLĐ mới có nhu cầu quay lại tìm việc, đây là thời điểm các công ty đẩy mạnh tuyển dụng và cũng là thời điểm khó khăn nhất trong việc tuyển dụng lao động”, chị Nguyễn Thị Chinh, nhân viên tuyển dụng của Công ty Hyosung Financial System Vina cho biết.

Tương tự, Công ty TNHH Công nghệ Laser IBE Việt Nam có nhu cầu tuyển khoảng 3.000 lao động, song đây thực sự là một thách thức khi công ty mới chỉ tuyển được hơn 500 lao động.

Mức lương cạnh tranh kèm tiền thưởng cùng rất nhiều chế độ đãi ngộ khác, công ty nhận phỏng vấn ngay trong ngày, song vẫn vắng bóng người nộp hồ sơ.

"Công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh và dự kiến tuyển thêm khoảng 3.000 lao động trong năm nay. Chúng tôi đang sử dụng rất nhiều kênh tuyển dụng, hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian sớm nhất”, ông Zhou Jian Chao, Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Laser IBE Việt Nam cho biết.

Lệch pha cung - cầu lao động

Không chỉ các tỉnh, thành phía Bắc, nhiều tỉnh, thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự.

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có 257 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 8.810 vị trí việc làm trống. Trong đó, khoảng 10 doanh nghiệp tuyển từ 200 lao động trở lên, thế nhưng số lượng lao động tham gia ứng tuyển ít hơn mọi năm rất nhiều.

Đáng lo ngại là ở một số địa phương đang diễn ra xu hướng “tự thất nghiệp”. Số lao động thất nghiệp lớn trong khi việc làm nhiều, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động.

"Nhiều NLĐ thất nghiệp nhưng thực ra là không thất nghiệp vì việc làm đang rất nhiều. Vấn đề bây giờ là NLĐ có xu hướng làm những công việc tự do, không muốn ràng buộc giờ giấc", ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, các phiên giao dịch việc làm thời gian qua cho thấy, thực tế có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, có khi đến 500 lao động nhưng kết quả chỉ tuyển được 50-70 người. Doanh nghiệp rất khó tuyển lao động, đặc biệt là lao động phổ thông càng khó tuyển.

Về phía NLĐ, mối quan tâm lớn nhất của họ là tổng thu nhập hàng tháng. Trong khi với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng mà doanh nghiệp đưa ra dành cho lao động phổ thông thì họ hoàn toàn có thể kiếm được một việc làm khác với mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn.

Vì thế mà nhiều NLĐ từ bỏ nhà máy để đi làm công việc chạy xe ôm hay giao hàng công nghệ, thu nhập không thấp, thậm chí nhiều hơn và đặc biệt mang tính tự do hơn, không gò bó như trong nhà máy”, ông Thành cho biết.

Bảo Châu

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/noi-dieu-kien-doanh-nghiep-van-khat-nhan-luc-20240323142702294.htm