Nội địa hóa xe tăng - Giấc mộng dang dở của Ấn Độ

Nỗ lực nội địa hóa xe tăng của Ấn Độ kéo dài tới gần nửa thế kỷ, nhưng tới tận thời điểm hiện tại, New Delhi vẫn chưa thể chạm tay vào giấc mơ của mình.

Arjun MK1A là phiên bản nâng cấp của MBT Arjun, với 72 cải tiến lớn nhỏ, giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu. Sau khi thử nghiệm cuối cùng thành công vào đầu năm nay, ở phía tây trường thử Rajasthan, Lực lượng Thiết giáp Ấn Độ đã chấp nhận đưa Arjun MK1A vào biên chế.

Arjun là MBT thế hệ thứ ba, do Ấn Độ phát triển từ những năm 1972, khi đó kế hoạch này của Ấn Độ có thể nói là hàng đầu thế giới; bởi vì lúc đó, MBT thế hệ thứ ba của Liên Xô là T-64 cũng vừa xuất hiện, những MBT nổi tiếng như T-72, Leopard 2 và M1 Abram cũng đang trong giai đoạn phát triển. Có thể nói, vào thời điểm đó, Arjun là một dự án tiên tiến.

Đến đầu những năm 1980, Ấn Độ đã dành 500 triệu rupee, để chế tạo hai nguyên mẫu xe tăng Arjun, và tiến độ thời gian đến lúc này không quá chậm. Tuy nhiên, sau khi nguyên mẫu được sản xuất, chương trình Arjun bước vào “vũng lầy” muôn thủa của các chương trình phát triển vũ khí của Ấn Độ, đó là chậm tiến độ; và đồng nghĩa thời gian trôi qua, các thông số kỹ chiến thuật của Arjun ngày càng lạc hậu.

Mãi đến năm 1996, chiếc xe tăng mới được chính phủ Ấn Độ chấp thuận cho sản xuất hàng loạt tại cơ sở quốc phòng Arwadi Tank Arsenal. Về vũ khí, đầu tiên Arjun dự định trang bị pháo nòng xoắn 105 mm L7 của Anh, sau đó chuyển sang dùng pháo 120 mm nòng trơn, theo tiêu chuẩn NATO.

Mặc dù Ấn Độ tuyên bố là đã sản xuất được 90% linh kiện của Arjun, nhưng trên thực tế xe vẫn sử dụng động cơ diesel MTU 838Ka-501 do Đức sản xuất, hệ truyền động do công ty Renk Mansell cung cấp. Ấn Độ cho biết, họ sẽ phát triển động cơ 1.500 mã lực trong nước để thay thế cho động cơ của Đức, nhưng với năng lực thực tế của Ấn Độ, không biết bao giờ khả năng này trở thành hiện thực.

Quân đội Ấn Độ đã mua 124 chiếc Arjun MK1, đủ trang bị cho hai trung đoàn xe tăng; số lượng có vẻ nhiều, nhưng trên thực tế, đây chỉ là phần rất nhỏ so với loại MBT T-72 và T-90 có trong biên chế của Quân đội Ấn Độ; việc mua xe Arjun MK1 có lẽ là hành động “từ thiện” cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.

Do thiếu phụ tùng và bảo dưỡng không đầy đủ, theo truyền thông Ấn Độ, 75% trong số 124 chiếc Arjun đã không thể trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Truyền thông phương Tây ước tính rằng, giá của chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun cải tiến là 6,4 triệu USD, cao hơn nhiều so với giá trung bình của một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 do Nga sản xuất là 2,5 triệu USD.

Giới quân sự cũng ước tính rằng, nếu không được sản xuất loạt, giá Arjun có thể lên hơn 8 triệu USD, vượt xa giá của MBT Type 90 của Nhật Bản và trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất thế giới.

Tuy nhiên, thật khó để có thể kết luận hiệu quả của những cải tiến trên có tốt hay không. Một điều chắc chắn là trọng lượng tổng thể của Arjun không ngừng tăng lên khi so với những chiếc xe nguyên mẫu ban đầu; có thể thấy rằng, các nhà thiết kế Ấn Độ khăng khăng "chỉ thêm và không bớt".

Tất cả 72 cải tiến đã được xếp chồng lên nhau trên chiếc xe tăng này, làm tăng thêm trọng lượng của chiếc Arjun, mà trước đó đã xếp đầu thế giới về trọng lượng, buộc các nhà thiết kế phải tăng cường thêm khả năng chịu tải của hệ thống treo trên các trục bánh xe; nhưng cầu, đường của Ấn Độ khó có thể chịu đựng được trọng lượng của chiếc MBT này.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, xe tăng MK1A Arjun bản nâng cấp sẽ có thể cạnh tranh với những MBT tốt nhất thế giới, bao gồm M1A2 của Mỹ, T-90A của Nga hay Type 99A của Trung Quốc. Theo một số nhà phân tích quân sự cho rằng, có thể dưới sức ép của giới chính trị gia Ấn Độ, Quân đội Ấn Độ phải chấp nhận trang bị một số lượng hạn chế Arjun MK1A;

Và có lẽ Quân đội Ấn Độ sẽ không lấy Arjun MK1A làm xương sống cho lực lượng bọc thép của mình, bởi vì trước đó Ấn Độ đã đồng ý trả cho Nga 1,2 tỷ USD phí chuyển giao công nghệ, để có thể tiếp tục sản xuất 464 xe tăng T-90S, đưa số lượng T-90S trong Quân đội Ấn Độ lên tới gần 1.000 chiếc; và Arjun vẫn là giấc mơ dở dang hơn 40 năm của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Trần Trân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/noi-dia-hoa-xe-tang-giac-mong-dang-do-cua-an-do-1780995.html