Nỗi đau tai nạn giao thông

Có những vụ tai nạn giao thông mà cha, mẹ, chồng... chở người thân của mình đi trên đường vô tình xảy ra tại nạn, làm người ngồi phía sau chết, còn người điều khiển phương tiện phải đi tù. Nỗi đau chồng nỗi đau. Phải xét xử những vụ án này, nhiều thẩm phán đã rất trăn trở...

Phải xử những bị cáo phạm tội vì chở người thân gây tai nạn làm nhiều thẩm phán rất trăn trở - Ảnh: D.T

Phạm tội khi đưa hàng xóm đi cấp cứu

Tháng 2.2016, L.V.B. (66 tuổi, Q.4, TP.HCM) chở người hàng xóm đi cấp cứu ở bệnh viện. Lúc này, bà T.P.S. (67 tuổi là hàng xóm của ông B) đang bị bệnh, phải đi cấp cứu gấp. Ông B cùng chị N.A.T. (con gái bà S.) chở bà đi đến bệnh viện nhưng không đội nón bảo hiểm. Đến đường Bến Vân Đồn (Q.4), ông B. để gác chân va vào thành đường làm tai nạn xảy ra. Bà S. đã chết, còn ông B. và chị T. thì bị thương nặng. Sau đó, ông B. phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường bộ. Mới đây, TAND TPHCM đưa vụ án ra xử phúc thẩm...

Phải tuyên B. mức án giống như tòa sơ thẩm tuyên, vị thẩm phán vô cùng áy náy. Vị thẩm phán nói rằng, ông B. phạm tội trong trường hợp rất đặc biệt là đưa bà S. đi cấp cứu. Việc làm của bị cáo rất đáng được khen ngợi khi đưa một người đang bị bệnh đi cấp cứu. ''Lúc đọc hồ sơ vụ án, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nguyên nhân xảy ra vụ án không ai mong muốn cả. Thế mà, đã có chuyện thương tâm xảy ra. Thật oái oăn và nghiệt ngã'' - vị thẩm phán chia sẻ. Dù vị thẩm phán cấp phúc thẩm đã gắng tìm các tình tiết để ông B. được giảm án, nhưng không được, vì tất cả các tình tiết (ông B. từng có tiền án trước đó) đã được tòa cấp sơ thẩm xem xét và tuyên dưới khung hình phạt.

Con chết, cha đi tù

Nhớ lại một vụ án về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ do bị cáo N.T.S. (quê Đồng Nai) thực hiện, thẩm phán Lê Văn Xô (Phó Chánh án TAND huyện Hàm Tân, Bình Thuận) không quên được cảm xúc của mình khi đó. Từ lúc nghiên cứu hồ sơ đến khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán Xô cứ đắn đo, cân nhắc. Xử nặng cho bị cáo thì lương tâm người thẩm phán ray rứt, thương cho hoàn cảnh bị cáo. Phía sau bị cáo còn có người vợ đang thương tật vì tai nạn giao thông, đứa con trai hai tuổi của bị cáo sẽ ra sao khi không có cha bên cạnh. Nhưng nếu xử nhẹ cho bị cáo thì lại không đúng pháp luật, rất dễ bị kháng nghị.

Theo hồ sơ, do mâu thuẫn vợ chồng nên chị N.T.T.T. (quê Hàm Tân, Bình Thuận) bỏ về mẹ ruột ở. Để vợ về đoàn tụ gia đình, ngày 30.4.2014, S. rủ vợ đi chơi lễ, luôn tiện đi thăm người thân. Được vợ đồng ý, S. lái xe chạy từ Đồng Nai ra Bình Thuận chở vợ con đi chơi. Ngày 3.5.2014, S. điều khiển xe chở vợ và hai con về nhà. Khi đến đoạn đường đang thi công ở thị trấn Tân Minh (Hàm Tân), S. bị lạng tay lái khiến xe ngã xuống đường. Vụ tai nạn khiến đứa con nhỏ của bị cáo (sinh năm 2013) rơi xuống đường tử vong, S. và vợ bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Đau thương tràn ngập lên gia đình bị cáo trước thảm cảnh tai nạn giao thông khiến con chết, cha bị bắt tạm giam. ''Tiếp nhận hồ sơ vụ án, tôi thấy thật đau lòng. Lúc đó, hễ cầm bộ hồ sơ là tôi không đọc nổi. Cứ lấy ra rồi mang cất. Và cái câu hỏi phải xử như thế nào cứ vây lấy tôi'', thẩm phán Xô chia sẻ.

Rồi ông trăn trở nhiều hơn khi biết gia đình bị cáo quá khó khăn, con đã mất, vợ và đứa con nhỏ đang bị thương, cũng phải nằm viện. Nỗi đau chồng nỗi đau. Hơn ai hết, S. phải ở nhà để chăm sóc, đỡ đần kinh tế cho vợ. Nhưng một người đã vi phạm pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt. S. cũng vậy. S. gây ra cái chết cho con mình thì phải gánh chịu hậu quả, dù vụ án xảy ra ngoài ý muốn của bị cáo. ''Từ lúc nằm trong viện, biết tin chồng sẽ bị bắt, chị T. cứ khóc nức nở. Chị khóc vì phải mất đi một đứa con, khóc vì chồng phải đi tù. Rồi chị ấy cứ xin cho mình được chịu tội thay chồng. Đến tòa, chị ấy bần thần, nói những câu làm tôi xót lắm'', ông Xô kể.

Chị T. viết đơn bãi nại cho chồng, không yêu cầu bồi thường và tha thiết xin tòa giảm án. ''Cả nhà tôi đi cùng trên một cái xe lưu thông trên đường và bị tai nạn. Anh ấy là người chở, tôi và hai đứa con ngồi phía sau. Khi xảy ra tai nạn, thằng bé rơi xuống đường chứ anh ấy đâu có giết con... Mất con, giờ anh ấy tù tội sao tôi có thể sống nổi đây?'', chị T. khóc nức khi trình bày với tòa.

Nỗi trăn trở khi bị cáo không được giảm án

Ông Xô nói hành vi của S. chỉ là ngoài ý muốn. Bị cáo ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo. Đó là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. “Nhưng tôi rất tiếc! Giá như S. có bằng lái khi tham gia giao thông, giá như trước đây S không từng có một tiền án thì đâu đến nỗi phải chịu án tù giam. Tôi không thể làm khác, dù rất muốn mang lại niềm vui cho gia đình bị cáo, để chị T. không phải khóc ròng vì chồng đi tù, con đã mất...”, thẩm phán Xô áy náy.

Xử xong vụ án, ông Xô cứ mong bị cáo và gia đình sẽ kháng cáo, VKS sẽ kháng nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho S. Khi biết tin TAND tỉnh Bình Thuận đã thụ lý đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của S. và gia đình, ông mừng lắm. Ngày nào ông cũng mong ở phiên tòa phúc thẩm sẽ xuất hiện thêm tình tiết mới có lợi cho bị cáo. Thế nhưng, điều ông mong muốn đã chẳng xảy ra. Bởi tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đã được ông xem xét.

"Thẩm phán là người cầm cân nảy mực khi xử vụ án và quyết định mức hình phạt cho bị cáo. Nhưng tôi không thể làm gì khi mà pháp luật thì cứng nhắc, còn tình cảm, lương tâm của mình có lúc phải mềm yếu. Suốt thời gian chờ tòa phúc thẩm xử S., tôi chỉ biết cầu mong hội đồng xử án sẽ nương tay. Thế nhưng, điều tôi mong đã không xảy ra. Tôi rất buồn khi lại có những vụ án như vậy mà mình chính là người phải ngồi xử rồi quyết định mực án cho người phạm tội...", ông Xô nói buồn.

Diệu Thuần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phapluat/noi-dau-tai-nan-giao-thong-689620.bld