Nơi đàn ong làm mật

Khi những cánh rừng cao su, cà phê… ở khu vực Tây Nguyên bắt đầu trổ hoa trắng xóa, cũng là lúc từng đàn ong ở khắp nơi đổ về “ăn hoa, nhả mật”. Từ đó, người dân ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đã tìm đến nghề nuôi ong lấy mật. Và nghề nuôi ong rừng đã đem lại cho thị trường loại mật thơm ngon, không kém gì mật ong rừng tự nhiên.

Săn mật ong rừng

Sau nhiều ngày tiếp cận, cuối cùng, chúng tôi mới được anh Nguyễn Thế Lương và anh Trần Duy Nguyên, hai thợ có cách lấy mật ong rừng nổi tiếng ở xã Đăk Roong, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), đồng ý dẫn vào rừng lấy mật ong. Một ngày cuối đông, tiết trời mát mẻ, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu đi tìm mật. Đồ nghề cho chuyến đi rừng gồm: thùng để đựng mật và sáp ong, sợi dây rừng dài khoảng 40 - 50m để lấy những tổ ong trên ngọn cây cao, rựa và gậy để chống đỡ khi gặp thú dữ tấn công, bật lửa... Theo anh Lương, lấy mật ong là một công việc thú vị và đem lại thu nhập cao, tuy nhiên người thợ phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị ong đốt, té ngã từ trên cao... Do đó, người lấy mật phải am hiểu từng loài ong để phòng tránh. “Ong lấy mật có nhiều loại như ong ruồi, ong mật, ong dú, ong sắc... Hai loại ong dú và ong ruồi thì hiền, dễ tiếp cận tổ của chúng để lấy mật. Còn loài ong mật và ong sắc cực kỳ hung dữ, khi gặp người hay vật xâm phạm tổ, chúng sẵn sàng tấn công quyết liệt. Dân lấy mật sợ nhất hai loại ong này”, anh Lương chia sẻ kinh nghiệm.

Nghề nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập lớn cho người dân huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai).

Nếu như trước đây, một chuyến đi rừng khoảng 2 ngày, anh Lương và anh Nguyên bắt được từ 4 - 5 tổ ong, thì nay ngày nào may mắn lắm mới có một tổ và việc phải trở về tay không là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi những cánh rừng nguyên sinh, nơi loài ong làm tổ đang dần mất đi, khiến thu nhập của những người đi lấy mật ong rừng cũng giảm theo. “Trước đây, lấy mật ong là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Trung bình một tổ ong cho gần 2 lít mật, chưa kể sáp. Bán tại cửa rừng, một lít mật có giá 150.000 - 200.000 đồng. Một chuyến đi rừng, sau khi trừ chi phí, bỏ túi gần triệu đồng nên rất nhiều người làm nghề này. Nhưng nay hết rồi, nguồn mật ong khó tìm nên nhiều người đã bỏ nghề. Riêng tôi, vẫn còn đeo bám vì thích cảm giác phiêu lưu mạo hiểm”, anh Nguyên tâm sự.

Suốt một ngày dài mệt mỏi băng rừng, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, hết hy vọng rồi thất vọng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được tổ ong rừng khi mặt trời vừa xuống núi. Chỉ vào một cây cổ thụ cao lớn dễ chừng 30m, thân cây suôn đuột, trơn tru, trơ trọi vài nhánh nhỏ, anh Lương hồ hởi: “Có rồi, trên ngọn cây kia là tổ ong sắc đấy. Loài ong này tinh khôn lắm, chúng toàn làm tổ ở nơi hiểm yếu, trên những cành xa thân cây, như thể để tránh tai họa do loài gấu, loài người đưa đến”. Dứt lời, anh Lương thoăn thoắt dùng rựa phát quang mặt bằng phía dưới gốc cây, lấy củi khô chất đầy xung quanh và châm lửa đốt, rồi giải thích: “Ban đêm lũ ong không thấy đường, tuy nhiên khi bị động chúng sẽ tấn công. Nhưng nếu gặp lửa chúng sẽ tản mát hoặc lao vào ngọn lửa, lúc đó mình cứ việc leo lên lấy tổ ong”.

Ăn vội chén cơm lót dạ, lợi dụng trời còn tranh tối tranh sáng, anh Lương mặc quần áo gọn gàng, bao trùm đầu bằng cái mũ mo cau, rồi quấn sợi dây thừng xung quanh hông thành nhiều vòng, dùng búa khoét vào thân cây thành những lỗ sâu như những bậc thang, anh Lương đưa bàn chân vào đó, lấy đà bước lên. Chỉ trong chớp mắt, anh đã treo mình vắt vẻo trên ngọn cây cao, cạnh nơi đàn ong sắc làm tổ. Đàn ong bị động, bay tán loạn, rồi cứ gặp nơi lửa sáng là lao vào như thiêu thân. Chẳng bao lâu, đàn ong bị lửa thiêu hết. Bấy giờ, anh Lương mới lần sát đến gần tổ, đưa miệng thùng đựng mật đến dưới tổ ong tự nhiên lấy sáp đựng đầy mật bỏ vào thùng. Khi thấy sáp mật đầy thùng, từ dưới đất, nhận được tín hiệu của bạn mình, anh Nguyên kéo dây chuyển thùng xuống, rồi kéo thùng khác lên để anh Lương tiếp tục lấy mật sáp cho đến khi hết túi mật.

Tuy nhiên, với cách khai thác theo kiểu “tận diệt”, cùng với diện tích rừng ngày càng thu hẹp nên ong rừng ngày càng ít đi, không còn làm tổ nhiều như trước đây. Vì vậy, phần đông người đi rừng đã chuyển sang nuôi ong lấy mật, cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổi đời nhờ nuôi ong

Huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) là một trong những địa phương có đàn ong nuôi lớn nhất tỉnh Gia Lai. Chỉ một đoạn đường ngắn từ trung tâm thị trấn Chư Ty tới xã Ia Kla (huyện Đức Cơ), có hàng chục lán trại với hàng trăm tổ ong đặt san sát nhau. Dẫn chúng tôi tham quan trại ong của gia đình, ông Nguyễn Văn Quế, ở khu phố 7, thị trấn Chư Ty, cho biết: “Huyện Đức Cơ có nhiều rừng cao su, cà phê, cộng với khí hậu thuận lợi là điều kiện lý tưởng cho đàn ong phát triển nguồn mật. Nếu trời nắng đẹp, một tuần ong cho mật một lần. Với hơn 400 đàn ong, mỗi lần tôi thu được hơn 3 tấn mật. Mật sau thu hoạch sẽ được các công ty đến tận nơi thu mua với giá khoảng 31.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm tôi thu về cũng từ 600 - 700 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Quế kể, trước đây, gia đình ông sống ở tỉnh Phú Thọ, nhưng do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng đùm túm nhau vào Gia Lai lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất đỏ bazan không có nghề nghiệp, vốn liếng, ông gia nhập đội quân “săn” mật ong rừng làm kế sinh nhai. Những năm sau này, rừng ngày càng ít, ong không còn nơi làm tổ nên ông... thất nghiệp. Không đành lòng nhìn cảnh vợ con thiếu thốn, ông trăn trở tìm cách mưu sinh. Sẵn chút hiểu biết về các loại ong, ông mày mò nghĩ cách nuôi ong lấy mật ngay trong vườn cao su nhà mình. Và ông đã thành công. “Có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng gia đình mình có được như ngày hôm nay. Tất cả đều do đàn ong đem lại đấy. Dự tính, sang năm tôi sẽ mở rộng thêm vài trăm đàn ong nữa. Người có công, ong chẳng phụ mà”, ông Quế hồ hởi tâm sự.

Không chỉ ở huyện Đức Cơ, các huyện khác như Chư Sê, Ia Grai, Krông Pa, Kbang (tỉnh Gia Lai); huyện Đăk Hà, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum)… mô hình nuôi ong cũng phát triển mạnh, đem lại thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của những hộ nuôi ong cũng được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, nghề nuôi ong không nhàn nhã chút nào. Muốn nuôi được ong, người nuôi phải bỏ ra nhiều công sức, trong đó kỹ thuật và đam mê là yếu tố quyết định. Đàn ong nuôi phải thường xuyên được kiểm tra, theo dõi để giữ gìn đàn. Bởi chỉ cần một đàn kiến hay đàn ong vò vẽ, ong đất đến quấy rối, là cả đàn ong mật bỏ đi ngay. Hay trong thời điểm đàn ong đi hút mật hoa, nếu trúng những khu rừng có phun thuốc trừ sâu thì coi như… mất toi cả đàn.

Ông Trần Trọng Nghĩa, chủ trang trại nuôi ong ở huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), một nông dân giàu lên từ nghề nuôi ong, chia sẻ: “Chi phí đầu tư nuôi ong khoảng 1,6 triệu đồng/thùng, nếu một hộ nuôi từ 10 - 20 thùng, sau 4 tháng sẽ thu được 300 - 500kg mật, thu lãi 30 - 35 triệu đồng”. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong đi trước như ông Nghĩa, để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong đến những khu rừng, vườn cây khác nhau, nơi có nhiều hoa, việc di chuyển phải thực hiện trong đêm. Vì thời gian này đàn ong về tổ ngủ, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi môi trường đột ngột. Mỗi năm đàn ong của ông Nghĩa sinh sống ở Kon Tum khoảng 6 tháng, từ tháng 11 của năm trước đến tháng 4 của năm sau. Thời điểm này vào mùa khô, các vườn cà phê, điều, cao su… nở hoa, đàn ong có đủ nguồn thức ăn để làm mật. Còn khi Tây Nguyên bước sang mùa mưa (khoảng từ tháng 5 đến tháng 10), ông Nghĩa sẽ chuyển đàn ong của mình ra các tỉnh phía Bắc để tìm thức ăn từ các vườn vải, nhãn lồng…

Theo ông Lê Sỹ Quý, Phó phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), trong điều kiện thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, bình quân mỗi năm ong nuôi mang lại cho người nuôi lời khoảng 1,5 triệu đồng/đàn. Ngoài lợi ích kinh tế, việc nuôi ong còn đem lại cân bằng sinh thái môi trường, thụ phấn cho cây trồng, làm tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất nông lâm sản.

Mật ong là sản vật quý của tự nhiên, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Mật ong quen thuộc với con người ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều ứng dụng trong đời sống và y dược. Một trong những ứng dụng phổ biến của mật ong là làm giảm nhẹ các triệu chứng thường gặp ở vùng họng như viêm họng, ho, ngứa rát họng, đau họng… Các bác sĩ ở Trường Đại học Y Dược Pensylvania (Mỹ) đã tổng hợp và phân tích về tác dụng của mật ong như sau: Mật ong rất lành lại có hoạt tính kháng khuẩn nên được xem như một loại kháng sinh tự nhiên. Bôi mật ong trực tiếp lên các vết trầy xước, vết thương, vết nhiễm trùng ngoài da có tác dụng chống nhiễm khuẩn, giúp vết thương mau lành. Sử dụng kết hợp mật ong và thuốc kháng sinh cho kết quả làm lành các ổ loét niêm mạc dạ dày, tá tràng nhanh hơn sử dụng kháng sinh đơn độc. Mật ong cũng được sử dụng để đề phòng nhiễm khuẩn và điều trị các vết thương hậu phẫu.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2013/12/336054/