Nội chiến Syria sẽ 'xới tung' cả thế giới?

Theo BBC, cuộc nội chiến dường như kéo dài bất tận ở Syria sẽ đảo lộn cả thế giới, thậm chí đó là dấu hiệu đầu tiên về con đường mà cả thế giới đang hướng tới.

Thời gian trung bình của các cuộc nội chiến là khoảng 7 năm. Do vậy, thời gian hơn 5 năm của nội chiến Syria chưa phải là dài. Tuy nhiên, nó đã “sở hữu” một sự tàn phá khủng khiếp, phức tạp khi là nơi tranh chấp giữa lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới.

BBC cho hay, trong cuộc tranh luận The World at One gần đây về Syria, hầu hết các học giả đều cho rằng cuộc nội chiến này sẽ không thể sớm kết thúc. Theo họ, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là dù một số nước tham gia thực sự mong muốn hòa bình cho Syria nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.

Mỹ và phương Tây muốn tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về người tị nạn, người Kurd và dường như mâu thuẫn với phong trào Sunni.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Đối với Iran và Ả Rập Xê-út, Syria giống như một mặt trận để tranh giành vị thế siêu cường chính trong khu vực. Nga muốn hỗ trợ cho Tổng thống Syria Assad và đang có tác động lớn đến cuộc nội chiến này mặc dù chưa ai biết mục đích thực sự của Moscow là gì. Một số người nói rằng ông Putin không muốn mất đi một đồng minh, một số khác cho biết ông muốn đánh bại một cuộc “cách mạng màu”. Hoặc cũng có thể Nga đang muốn tăng cường vị thế ở Trung Đông.

Chiến tranh Lạnh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ, nhưng sự tái cân bằng toàn cầu sau cuộc chiến đó vẫn đang tồn tại, trong đó Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Syria có thể thay đổi điều đó.

Một số chuyên gia lập luận rằng, cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq đã khiến cho đương kim Tổng thống Barack Obama “run tay” khi hành động ở Syria. Ông không muốn dấn chân quá sâu vào cuộc nội chiến này.

Ông Obama đã từng trả lời phỏng vấn: “Tôi không nghĩ là sáng suốt khi cho rằng mỗi khi có vấn đề gì đó xảy ra, chúng ta lại đưa quân đội ra để áp đặt trật tự. Chúng ta không thể làm như vậy”.

Tổng thống Nga Putin đã có vai trò không thể thiếu trong các cuộc đàm phán về Syria.

Syria là một dấu hiệu cho thấy một thế giới nơi Washington đã mất đi sự tự tin để giữ vững trật tự mà Mỹ đứng đầu và đó cũng là khởi đầu của một thế giới ngày càng đa cực.

Theo BBC, việc gần đây Tổng thống Philippines Duterte liên tục có những phát ngôn không thân thiện với Mỹ là do nước này muốn có mối quan hệ tốt hơn với các siêu cường khác như Trung Quốc và Nga.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thì Nga đang tích cực can thiệp ở Syria. Nhiều người dự đoán, Nga sẽ mắc kẹt khi dấn sâu vào cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không phải như vậy. Moscow đang làm thay đổi tiến trình cuộc nội chiến và giữ vững vị trí của Tổng thống Bashar al-Assad. Quan trọng nhất, Tổng thống Nga Putin chắc chắn đã có được một vị trí không thể thiếu trong các cuộc đàm phán về Syria.

Mỹ hành động thận trọng ở Syria do những "tàn dư" của cuộc xâm lược Iraq.

Hoạt động của Nga ở Syria là một phần trong chính sách củng cố vị thế của Moscow ở Trung Đông trong bối cảnh Mỹ đang lúng túng tại khu vực này. Moscow tăng cường mối quan hệ với Iran, hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Angela E. Stent, cựu quan chức tình báo quốc gia chuyên về Nga, hiện làm việc tại đại học Georgetown, Mỹ, nhận định, thành công ở Trung Đông còn giúp Nga đảm bảo ảnh hưởng tại các quốc gia phương Tây, từ đó tác động đến chính sách ngoại giao của phương Tây về cuộc xung đột Syria. Sự can thiệp của Nga đã làm thay đổi đột ngột chiến lược của phương Tây đối với Syria và toàn bộ Trung Đông.

Sự trợ giúp của Nga đã giúp ông Assad tập trung lực lượng, lật ngược tình thế, chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất từ các phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn và IS. Trước khi Nga can thiệp vào Syria, quân đội chính phủ nước này phải rời bỏ vị trí của họ dưới sức mạnh của các chiến binh do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Mặc dù cho tới giờ tình hình ở Syria vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Nga trong việc tiêu diệt lực lượng khủng bố và ổn định tình hình khu vực Trung Đông.

Hồi tháng 2/2016, tờ Huffington Post dẫn lời ông Alistair Crooke, một cựu nhân viên cơ quan tình báo Anh đồng thời cũng là một chuyên gia về Trung Đông cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang đến gần chiến thắng hơn bao giờ hết. Ngược lại, chiến lược Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thất bại thảm hại.

Ông Crooke khẳng định, bàn đàm phán thực ra không ở Geneva mà đang hiện diện trên các chiến trường ở Syria, nơi Nga là “Vua” còn Syria là “Hậu” trong ván cờ với Mỹ, phương Tây và liên minh Ả Rập. Trong đó Nga và Syria đang thắng thế.

PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/noi-chien-syria-se-xoi-tung-ca-the-gioi-post210511.info