Nỗi buồn ông tây!

Tôi tìm gặp S để viết bài về bảo tồn voọc chà vá chân đen, một loài linh trưởng có tên trong sách đỏ Việt Nam. Gần chục năm trước, người đàn ông Canada này xuất hiện trên báo với biệt danh "ông Tây kiểm lâm". Ông là chủ một khu du lịch sinh thái dưới chân núi Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trên ngọn núi này, đàn voọc chà vá luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, chuyện không lạ ở Việt Nam.

Đằng sau nguy cơ tuyệt chủng của một loài động vật quý hiếm là thậm thụt kín đáo, ồn ào khoe mẽ những lời truyền tai về thần dược bổ thận tráng dương dành cho giới đàn ông trung niên vốn thường bị liệt dương, chuyện không khó lý giải ở một nước uống bia hàng đầu thế giới.

Trái ngược với mong đợi của tôi, ông Tây già tỏ ra buồn bã và bực bội, liên tục lắc đầu khi nhắc lại chuyện voọc chà vá. Lửa nhiệt tình đã thành tro nguội bụi lạnh sau những nỗ lực không hồi đáp. Sau một số khảo sát ban đầu, chính quyền địa phương đã không lập khu bảo tồn, trong khi bán đảo hòn hèo đang dần mất đi vẻ nguyên sơ do xây dựng và công nghiệp hóa, không gian cho đàn voọc thêm một lần nữa bị thu hẹp. Và khi đường lớn mở ra tiện cho việc xâm nhập vào rừng thì không biết rồi đây đàn voọc sẽ ra sao. Sau một hồi căng thẳng trách móc, ông Tây cảm thông: "Việt Nam vẫn còn nghèo, nhiều người không có gạo ăn, chính quyền cần lo cho con người trước". Điều ông bức xúc và lên tiếng, suy cho cùng cũng chỉ là một vấn đề nhỏ trong đất nước nơi ông đặt chân đến và chọn ở lại với nó. Sự mỏi mệt và buông tay của ông, có lẽ bởi ông đã nhận ra điều ấy. Ngoài kia, "còn nhiều người không có gạo ăn", hàng nghìn người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, nông dân khóc ròng vì nông sản không có đầu ra, thực phẩm và không khí nhiễm độc, đám sinh viên ra trường thất nghiệp... Nhiều đến nỗi, người ta bão hòa với mọi vấn đề và không còn tìm được một hướng giải quyết nào. Và thật kì lạ, mỗi khi có ông Tây nào lên tiếng, tất cả bọn họ lại nhao lên như đã từng chú ý đến ông. Sau đó mọi chuyện lại như cũ.

Tất cả như một cái vòng lẩn quẩn. Những kẻ ít nhiều có học thường lên facebook ca thán. Nhiều người chọn cách làm việc, truyền cảm hứng, tất nhiên chúng tôi cũng tìm một ngọn hải đăng nào đó khi đang chơi vơi giữa biển. Câu chuyện của tôi và ông Tây xoay quanh những vấn đề thiên nhiên, là những gì chắc chắn nhất chúng ta có thể để lại cho thế hệ sau. Nhưng có một chuyện bên lề khác ông Tây không kể, tôi nghe được từ trợ lý của ông. Người con gái đầu tiên ông kết hôn ở Việt Nam, khi ly hôn đã đòi dành hết tài sản, ông bỏ tiền mua về phía mình. Tất nhiên, tôi không hiểu chuyện hôn nhân của người khác, nhưng cái cách mà người con gái hành động, tôi thấy quen. Kể chuyện này với một người bạn lớn tuổi, anh bảo người mình sống coi trọng tiền bạc quá, sau đó là một tiếng thở dài...

Một bữa khác tôi tìm đến du lịch của S. Sau khi tắm biển về, ông rửa vết thương ở chân trước khi tiếp chuyện tôi. Nhìn cái chân rồi nghĩ đến chuyện ly hôn của ông, tôi chợt thấy thương cảm. Người ta bảo ông ở lại với Việt Nam vì tình yêu với thiên nhiên hoang sơ, nhưng ông đã chịu những phản bội từ con người. S từng là một đông-ki-sốt đơn độc và giờ như một người lính già chịu di chứng của những thương tổn. Sau cuộc hôn nhân sóng gió, S đã yêu và kết hôn với một người con gái Việt Nam khác. Cuối tuần nào ông cũng chạy xe từ Ninh Hòa vào Nha Trang để gặp gia đình: hai đứa con và người vợ mới. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp tục và con người luôn phải bước qua các thương tổn.

Nhưng cái cách ông gắn bó với Việt Nam thật lạ khi ông đã trải nhiều thương tổn từ nó nhưng không chịu rời đi. Người Việt Nam chúng tôi, vẫn thường nói yêu quê hương, nhưng nhiều người đã rời đi, nhiều người đang âm thầm vun vén chờ một chuyến khởi hành đến miền đất mới.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/noi-buon-ong-tay-516789.bld