Nỗi buồn của những 'người lái đò': Nhiều giáo viên không có thưởng Tết

Tết Nguyên đán cận kề, trong khi mọi người đang mong ngóng khoản tiền thưởng để sắm Tết nhiều thì nhiều giáo viên, nhân viên trường học ở Nghệ An 'không biết' đến thưởng Tết kể từ khi vào nghề....

Thầy cô giáo "chạnh lòng" khi nói về thưởng Tết

Thưởng tết rất thấp hoặc hầu như không có là câu chuyện của những giáo viên, nhân viên hợp đồng, giáo viên mới ra trường và giáo viên dạy chuyên biệt. Mức thưởng trung bình của những giáo viên này chỉ vài trăm nghìn đồng, có người còn không có tiền thưởng tết.

Gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục ở huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, cô Nguyễn Thị H. (Trường THCS huyện Con Cuông) chia sẻ, nhiều năm nay không nghĩ đến hai từ "thưởng Tết". Theo cô H, hàng năm vào dịp Tết, công đoàn của trường có hỗ trợ mỗi người từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Các giáo viên tham gia các hoạt động trong chương trình Tết sum vầy - Xuân chia sẻ do ngành Giáo dục tổ chức.

"Nhiều năm không có thưởng Tết nên mọi người không nghĩ đến nữa. Nhiều giáo viên cũng chạnh lòng khi đọc những thông tin về tiền thưởng Tết của một số ngành, nghề khác", cô Nguyễn Thị H. chia sẻ. Theo cô H., có một số giáo viên kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm còn đỡ vất vả. Đa phần giáo viên sống bằng tiền lương nên phải chắt chiu mới đủ mua sắm Tết cho gia đình.

Trường Tiểu học Châu Hạnh ở huyện miền núi Quỳ Châu vừa trải qua một năm đầy khó khăn khi bị cơn lũ ống gây thiệt hại nặng nề vào tháng 9/2023.

Chúng tôi đang cố gắng để ai cũng có quà tết nhưng có lẽ món quà này sẽ "rất nhỏ" vì trường chúng tôi hoàn toàn không có nguồn thu nào…

Cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh

Nhiều năm cắm bản ở ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cô Trần Thị Lệ cho biết, giáo viên ở đây ai cũng khó khăn nhưng mọi người hiểu và chia sẻ với nhau nên không ai nghĩ đến việc thưởng cuối năm.

Công đoàn ngành Giáo dục trao quà Tết cho đội ngũ làm nhân viên ở các nhà trường.

Cô Trần Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) cho biết, đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa nghĩ đến tiền thưởng Tết cho giáo viên hoặc nếu có chỉ "gọi là" cho có. "Chúng tôi chỉ có một món quà rất nhỏ cho giáo viên, được trích từ tiền công đoàn cơ quan khoảng 100.000 đồng/người. Một phần còn lại sẽ trích từ phần tiết kiệm chi của đơn vị. Số tiền không nhiều vì trường nằm ở vùng khó, học sinh chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo…", cô Cúc nói.

Khéo co mới ấm

Ngoài khoản thưởng tết đúng với tên gọi của nó, được trích từ quỹ phúc lợi nhà trường, giáo viên mong đợi nhất là được nhận khoản tiền kết dư ngân sách và chính nhờ khoản tiền này mà Tết của giáo viên mới... "ấm". Tuy nhiên, khoản kết dư này không phải trường nào cũng có.

Nhìn chung, so với các bậc học khác thì khối các trường THPT có mức thưởng Tết cho giáo viên cao hơn. Ngân sách hằng năm được các trường này chi chủ động, cộng với nhiều hoạt động khác có thu... khiến khoản kết dư cao hơn các bậc tiểu học, THCS vốn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính của địa phương. Thầy Hồ Vĩnh Dương, Chủ tịch Công đoàn, Trường THPT Cờ Đỏ (huyện Nghĩa Đàn) cho biết, đơn vị cố gắng nhưng tiền thưởng Tết cho giáo viên cũng chỉ được từ 1 - 1,2 triệu đồng.

Các giáo viên tham gia Chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" do Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức.

Ông Đặng Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) cho biết, việc thưởng Tết đối với các nhà trường là một điều rất khó khăn, bởi trường học là đơn vị sự nghiệp, không có thu nên cũng không có lương tháng 13.

Vì thế, gọi là "thưởng Tết" nhưng thực chất chỉ là "quà Tết" với một số tiền rất nhỏ nhà trường tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ có những phần quà đặc biệt hơn với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Theo ông Đặng Văn Bằng, năm nay, ngành giáo dục cũng dành sự ưu tiên đặc biệt đến những giáo viên, nhân viên làm công tác đặc thù ở các nhà trường, đó là đội ngũ làm kế toán, nhân viên thư viện, nhân viên y tế… Chương trình "Tết sum vầy" là một trong những hoạt động thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, luôn quan tâm, động viên, chia sẻ đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của tổ chức công đoàn.

"Năm nay, chúng tôi hướng đến những người làm công tác nhân viên ở các trường. Đó là những người lương thấp, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập nhưng vẫn âm thầm, miệt mài gắn bó với nghề, góp sức lực, trí tuệ để cùng với các trường làm tốt công tác dạy và học", ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An chia sẻ.

Theo dự kiến, ngành giáo dục Nghệ An dành hơn 1.3 tỷ đồng để tặng quà cho gần 1500 nhà giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ. Hiện, ngành cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà trường, công đoàn cơ sở chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, quà tết cho giáo viên.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-buon-cua-nhung-nguoi-lai-do-nhieu-giao-vien-khong-co-thuong-tet-169240123085020499.htm