Nơi bác sĩ tìm ra 'căn bệnh bị lãng quên'

Bệnh ký sinh trùng có thể được tạm gọi như 'căn bệnh bị lãng quên'. Đến Viện, mọi người đều bất ngờ khi được chẩn đoán căn nguyên gây ra các triệu chứng khó chịu.

Ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, với môi trường sinh sống và thói quen ăn uống đa dạng, vấn đề lây nhiễm các loại ký sinh trùng khó tránh khỏi. Thế nhưng, các bác sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lại gọi đây là “căn bệnh bị lãng quên”. Bởi đây là những bệnh lý đặc thù, không nghĩ đến và khó phát hiện.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Lan Quỳnh, Trưởng khoa xét nghiệm, cho biết là chuyên khoa đầu ngành về khám và điều trị các bệnh lý gây ra bởi ký sinh trùng, côn trùng, mỗi ngày, nhân viên y tế luôn phải làm việc với cường độ cao và tiếp xúc với rất nhiều nguồn lây.

“Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 6h, ngay sau khi có bệnh nhân đến thăm khám. Ngoài những bệnh lý về ký sinh trùng, côn trùng thông thường, bệnh viện cũng điều trị sốt rét ác tính. Bệnh lý có tính chất cần cấp cứu nên khoa luôn có người trực 24/24 để trả kết quả nhanh nhất cho bệnh nhân”, thạc sĩ Quỳnh nói.

Hiện nay, trong y khoa có khá nhiều các phương pháp xét nghiệm ký sinh trùng. ELISA là phương pháp xét nghiệm ký sinh trùng phổ biến.

Các xét nghệm sinh học phân tử (PCR), Western blot về ký sinh trùng cũng được các bác sĩ, kỹ thuật viện tại đây thực hiện nhuần nhuyễn.

Số bệnh nhân đến Viện xét nghiệm các bệnh lý về ký sinh trùng ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa này xét nghiệm cho khoảng 150-200 bệnh nhân. Những ngày cao điểm, số lượng lên tới 250 trường hợp.

Bên cạnh những cách xét nghiệm trên, các chuyên gia cũng phát hiện ký sinh trùng qua phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, Chụp cộng hưởng từ (MRI)…

“Công việc này khá vất và cần độ chính xác cao. Hơn thế, chúng tôi phải làm việc trên các mẫu bệnh phẩm là huyết thanh, phân, nước tiểu… Kỹ thuật viên có áp lực nhất định bởi nguy cơ phơi nhiễm không chỉ với bệnh về ký sinh trùng mà còn là bệnh truyền nhiễm qua đường máu, phân”, thạc sĩ Quỳnh chia sẻ.

Khu khám bệnh cũng căng thẳng không kém khi hàng trăm bệnh nhân đến khám mỗi ngày với nhiều triệu chứng nhiễm ký sinh trùng đa dạng. Mọi người thường nghĩ giun chỉ cần tẩy giun là xong. Tuy nhiên, những biến chứng do ký sinh trùng gây ra lại rất nguy hiểm.

Số lượng bệnh nhân đến khám do nhiễm ấu trùng sán lợn, sán lá gan lớn, giun đũa chó mèo, sán dây… khá lớn. Nhiều người bàng hoàng khi biết tình trạng của mình. Một số trường hợp chia sẻ họ chưa bao giờ nghĩ chỉ vì một lần ăn đồ sống mà tính mạng có thể bị đe dọa.

Tới khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm vết ngoằn ngoèo như giun bò, anh H. (32 tuổi, Hà Nội), bất ngờ khi được chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo. “Tôi không nghĩ sẽ bị nhiễm bệnh từ thú cưng của mình. Tôi thường xuyên bị những cơn ngứa dữ dội hành hạ, tái đi tái lại suốt 10 năm”, bệnh nhân kể lại.

TS.BS Đinh Tuấn Đức, Trưởng khoa Điều trị, cho hay không giống với các bệnh lý khác “đau đâu thì biểu hiện ở đó”, đa số bệnh về ký sinh trùng triệu trứng thường mơ hồ. Không ít bệnh nhân đã khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán và điều trị triệu chứng động kinh nhưng không thể khỏi được do chưa tìm ra căn nguyên, sau khi đến đây điều trị thì phát hiện sán não.

“Các thuốc điều trị giun sán hiện không nhiều, đa số người bệnh điều trị nội khoa, dùng thuốc trong dài ngày. Vì thế, bệnh nhân có thể không tuân thủ đầy đủ, dẫn tới hiệu quả thấp. Điển hình như bệnh nhân tôi đang khám, đã điều trị bệnh sán não đợt thứ 8. Tuy nhiên, bệnh nhân về nhà vẫn sử dụng rượu, không ý thức được độ nguy hiểm của bệnh. Em bé này cũng điều trị bệnh tại đây khá lâu. Những bệnh nhân như vậy không hiếm”, bác sĩ Đức tâm sự.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, cho hay bệnh do ký sinh trùng đều từ thói quen ăn uống của người dân như ăn gỏi sống, rau sống, thịt tái, ôm ấp thú cưng… Có thời điểm, 70% người dân đến khám là do nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo, hơn 20% bệnh nhân bị sán lá gan, sán dây lợn, bò.

“Những con sán này dài từ 2-4 m, có khi tới 8-10 m và sống rất nhiều năm trong cơ thể người. Tôi từng gặp bệnh nhân có sán dây hơn 20 năm nhưng không phát hiện. Nếu xuất hiện ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, thèm ăn, lo lắng, bất an..., mọi người nên đi khám sớm để chẩn đoán chính xác bệnh”, PGS Dũng khuyên.

Trong khuôn viên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, còn có Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ là cơ sở giáo dục lâu đời. “Nhà trường xây dựng khu phòng thí nghiệm với nhiều phòng chuyên môn dành riêng cho từng môn học. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cũng là nơi các sinh viên thường xuyên được thực hành những bài giảng của thầy cô.”, bà Dương Thị Hồng, giảng viên khoa Hóa sinh, chia sẻ.

Các kỹ thuật viên ngành xét nghiệm y học, điều dưỡng là trợ thủ đắc lực của bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Sinh viên đào tạo tại đây cũng giải quyết vấn đề thiếu nhân lực ngành điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm trong những năm tới.

Việt Linh - Phương Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-bac-si-tim-ra-can-benh-bi-lang-quen-post1463269.html