Nơi Bác đã dừng chân

PTĐT - Xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng là một trong những điểm dừng chân của Bác vào năm 1947 khi Người trên đường lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...

Ông Nguyễn Hữu Vạn giới thiệu cho con cháu các vật dụng Bác Hồ đã sử dụng khi ở tại gia đình năm 1947, giờ đang được trưng bày tại Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Vạn giới thiệu cho con cháu các vật dụng Bác Hồ đã sử dụng khi ở tại gia đình năm 1947, giờ đang được trưng bày tại Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh.

PTĐT - Xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng là một trong những điểm dừng chân của Bác vào năm 1947 khi Người trên đường lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của của Bác Hồ năm 1947. Để khắc ghi sự kiện đáng nhớ này, Khu di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng thể hiện niềm vinh dự, tự hào khi được lưu giữ dấu chân Người; cổ vũ, động viên nhân dân, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp.Trở lại Yên Kiện vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi được nghe kể về những ngày Bác ở nhà cụ Nguyễn Ngọc Đa (đã mất). Tại đây, Bác đã viết thư gửi cho Chính phủ, Nghị viện nhân dân Pháp và các nước dân chủ trên thế giới với mong muốn nước nhà độc lập, thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình; bày tỏ quyết tâm không chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp lần nữa; đồng thời ký hai sắc lệnh về hủy bỏ tem trước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19/12/1946, ấn định cách thức thu thuế, tem trước bạ mới.

Ngôi nhà Bác đã từng ở được phục dựng lại theo đúng nguyên mẫu

Ngôi nhà Bác đã từng ở được phục dựng lại theo đúng nguyên mẫu

Vừa dẫn chúng tôi thăm quan Khu lưu niệm được khánh thành năm 2018 với diện tích hơn 7.000m2 trên nền ngôi nhà mà trước đây Bác đã từng ở, ông Nguyễn Hữu Vạn (con trai của cụ Nguyễn Ngọc Đa) vừa kể cho chúng tôi nghe về những vật dụng mà Bác đã sử dụng trong thời gian ở lại nơi này. Dù khi ấy mới khoảng hơn 10 tuổi và sự kiện diễn ra cách đây 73 năm nhưng vẫn in sâu trong tâm trí của ông, trước ngày Bác về ở 2 hôm (ngày 28/3/1947) có hai người cán bộ đến nói chuyện với bố tôi, không biết họ đã trao đổi những gì, chỉ biết khi họ rời đi cũng là lúc bố tôi “lệnh” cho vợ con di chuyển sang nhà ông nội tạm mấy ngày, nhường lại nhà cho một đơn vị đặc biệt ở. Tôi cũng ngạc nhiên, đôi phần thắc mắc bởi trước đó gia đình tôi cũng “tiếp đón” khá nhiều đơn vị bộ đội vệ quốc đến ở nhờ nhưng họ đến bất ngờ, không báo trước cũng không phải nhường hẳn nhà như lần này. Nhưng những thắc mắc của con trẻ không ở trong tâm trí lâu, tôi vui vẻ cùng các anh em dọn qua nhà ông nội. Mãi sau này, khi Bác đã rời đi, chúng tôi mới được bố tiết lộ rằng đấy là Bác Hồ. Tôi cứ tiếc mãi, vì có mấy lần “nhìn trộm” thấy Bác ngồi trên giường đọc sách trong bộ quần áo màu nâu giản dị, trông hiền từ và ấm áp vô cùng”.Ngưng một lúc, cụ Vạn lại giới thiệu cho chúng tôi nghe về các công trình, hạng mục của Khu lưu niệm bao gồm: Ngôi nhà gỗ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Đa được dựng lại đúng theo nguyên mẫu những năm 1947; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; các công trình phụ trợ (ban quản lý, vườn hoa, bãi đỗ xe, cây xanh, ao cá…). Trong ngôi nhà được phục dựng lại với phiên liếp được đan bằng tre có một số vật dụng mà Bác đã sử dụng trong thời gian ở lại gia đình như: Mâm, bát…. sau này khi Khu lưu niệm được xây dựng, khánh thành ông Vạn đã mang ủng hộ để trưng bày, giới thiệu cho thế hệ sau. Trước cửa ngôi nhà, ao cá được đào, kè chắc chắn. Đứng trên bờ ao, ông Vạn kể lại cho chúng tôi nghe về “nồi cá Bác Hồ” để lại cho gia đình ăn trước khi rời đi, về hương vị của cá kho, thơm, mềm, lạ lẫm mà từ trước đến giờ và từ đó về sau chưa một lần nào cụ được thưởng thức lại mặc dù đã ăn món ấy không biết bao nhiêu lần.

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Yên Kiện

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Yên Kiện

Chia tay Khu di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Yên Kiện, chúng tôi mang về những cảm giác thân quen, ấm áp vô cùng. Có lẽ bởi khu di tích được xây dựng trong khuôn viên nhiều cây xanh, hoa cỏ và những câu chuyện lịch sử có sự hiện diện của Bác trong qua lời kể trầm ấm, đong đầy cảm xúc của ông Vạn. Khu di tích được mở cửa hàng ngày đón nhân dân về tỏ lòng tri ân với vị anh hùng của dân tộc cũng như thấy được một phần cuộc sống sinh hoạt giản dị của Người. Ông Phan Tiến Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Kiện cho biết: “Hàng năm địa phương đều tổ chức các hoạt động như dâng hương tri ân công đức của Người, các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa để nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo động lực cho thế hệ trẻ cố gắng học tập, rèn luyện trở thành người công dân tốt, tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng mang dấu ấn lịch sử, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng và tấm gương sống, làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh”.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202004/noi-bac-da-dung-chan-170430