Nơi an nghỉ của những hài nhi bệnh AIDS

Từ nhiều năm nay, cái góc nhỏ ở nghĩa trang Việt Mông (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) là nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị nhiễm HIV. Hơn chục nấm mồ trắng tinh, nằm co ro trong gió lạnh ẩn chứa những câu chuyện buồn thảm của phận người. Những đứa trẻ nằm dưới đó, chúng vừa mới đặt chân đến cuộc đời này, đã phải quằn quại đớn đau với căn bệnh HIV/AIDS rồi vội vã ra đi.

Những sinh linh phận mỏng

Bà Yến (67 tuổi, ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội), sống gần khu nghĩa trang kể, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực này là một quả đồi hoang rậm. Ban đầu, chỉ có một vài nấm mộ nằm lúp xúp cùng cỏ dại. Dần dà, số lượng người chết được đưa về đây mai táng tăng lên, người ta quy hoạch thành khu nghĩa trang.

Bình yên trong vòng tay các mẹ ở Trung tâm…

Mãi tới năm 2002, những phần mộ của trẻ nhiễm HIV mới được tập kết tại đây. Phần lớn, các em là những đứa trẻ mồ côi, không tên tuổi, không một dòng địa chỉ và đã bị căn bệnh thế kỷ quái ác HIV/AIDS gieo rắc vào cơ thể, được Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã Hội II (Hà Nội) nhận về nuôi dưỡng cho đến lúc “ra đi”.

Một góc nghĩa trang Việt Mông

Mới đầu, người dân ở đây phản đối việc chôn cất những hài nhi mang mầm bệnh HIV/AIDS, vì họ không muốn để các cháu "ở chung" với người thân của gia đình mình. Nhưng, cũng chính vì thương xót cho những sinh linh phận mỏng, vừa chào đời đã phải gánh chồng chất những nỗi đau, người dân dần chấp nhận. Từ đó, nghĩa trang Việt Mông trở thành chốn chôn cất những đứa trẻ tội nghiệp ấy.

Những ước mơ thơ trẻ…

Trong nghĩa trang, có hơn 10 ngôi mộ trắng nằm quây quần một góc, cạnh con đường mòn lên núi. Không thiếu những nấm mộ đề "sinh tử cùng năm” như cháu Lê Minh Mẫn, Nguyễn Thị Hồng Hà, Nguyễn Thị Lúa, Nguyễn Thị Hoàng Mai, Nguyễn Bích Ngọc… Cháu sống lâu nhất cũng chỉ được 6 tuổi, số còn lại chỉ sống đến 2-3 tuổi.

Có những cháu bị bố mẹ “ném” ra ngoài xã hội ngay từ khi mới lọt lòng, phó mặc sống chết cho cái hài nhi bé nhỏ mình vừa dứt ruột đẻ ra. Như trường hợp cháu Nguyễn Đức Anh, được chuyển đến Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã hội II (Hà Nội) vào năm 2004 từ Bệnh viện Nhi Trung ương. Thông tin về em chỉ vẻn vẹn trong một mẩu giấy: “Bị bỏ rơi, nhiễm HIV từ mẹ!”.

Đức Anh bị 3 vết thương rất nặng, hai mảng đầu bị nhiễm trùng, bốc mùi hôi thối, bụng và chân sưng tấy, có thể do mẹ đẻ khó. Ngoài ra cháu còn bị viêm phổi và đang sốt cao, da bọc xương xanh xao, thân thể co quắp, được quấn tã sơ sài, đặt vừa vặn trong một cái thùng giấy cũ…

Sau khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các “mẹ” ở Trung tâm, Đức Anh dần hồi phục, vết thương đã lên da non và có dấu hiệu lành lặn trở lại. Ai cũng hy vọng cháu sẽ sống khỏe mạnh trong ngôi nhà mới. Ấy vậy mà chỉ vài tháng sau, không thể chống chọi lại với nhưng cơn đau rã rời của căn bệnh HIV đã vào giai đoạn cuối, Đức Anh ra đi vào ngày 6-3-2006.

Nằm cạnh mộ Đức Anh là nấm mộ mang tên Tưởng Duy Anh, bị lớp lớp cỏ phủ lên xanh rì, trên tấm bia đen ghi dòng chữ: Sinh ngày 13-10-2007, mất ngày 12-3-2008. Hoàn cảnh của Duy Anh cũng tận cùng bất hạnh: Mẹ không chồng, đi “xin” con, “xin” phải ông “ết”, mẹ bị, hai đứa con trong bụng cũng nhiễm bệnh. Mẹ mất, Duy Anh cùng người anh em song sinh của mình được Trung tâm đưa về nuôi dưỡng. Sống quặt quẹo được vài tháng, cháu theo mẹ về dưới “suối vàng”.

“Hiếm có đám tang nào hiu hắt như đám tang những đứa trẻ tội nghiệp nơi nghĩa trang này. Nhiều lắm cũng chưa đầy chục người, chủ yếu là cán bộ trung tâm, y bác sĩ và các mẹ nuôi. Tất cả đều diễn ra lặng lẽ… Mới đây, có một bà cụ lặn lội từ Bắc Giang lên xin đưa cháu về chôn để tiện bề hương khói. Theo tâm nguyện của người con gái trước lúc nhắm mắt, gia đình gửi đứa cháu không may nhiễm bệnh từ bố mẹ lên Trung tâm. Thương cháu, người bà già cả, còm cõi lên đón về…”, bà Yến xót xa.

Tương lai nào cho những đứa trẻ còn sống?

Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây) hiện nuôi dưỡng hơn 50 em nhỏ, bé lớn nhất sinh năm 2004, nhỏ nhất chỉ tầm 2-3 tháng tuổi. Nhìn những gương mặt thơ ngây, những đôi mắt sáng lấp lánh, khó ai có thể ngờ rằng chúng đều mang trong mình mầm mống của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Hầu hết những đứa trẻ này đều được chuyển xuống từ các bệnh viện lớn trên Hà Nội. Mỗi số phận một cảnh ngộ nhưng các em đều có chung lý lịch bị bỏ rơi và mang trong mình căn bệnh AIDS.

Anh Chu Văn Nam, nhân viên của Trung tâm, kể: Một đêm mùa đông lạnh giá, lúc ấy đã khuya, tôi đang trực cùng một đồng nghiệp khác thì nghe thấy tiếng khóc ré lên của trẻ con. Tìm quanh quẩn mới phát hiện ra có một đứa nhỏ bị bỏ lại trên ghế đá. Quanh người được quấn rất nhiều quần áo, da dẻ cháu tím tái vì rét. Có lẽ cháu bé nằm ngoài đó đã lâu và rất đói….

“Trung tâm có bao nhiêu bé thì các mẹ có bấy nhiêu con. Thương tụi nó, lắm lúc trào nước mắt. Bọn trẻ mới được mấy tuổi đầu đã sống hôm nay, lo ngày mai...”. Chị Dung, một mẹ nuôi ngậm ngùi.

Khu vực nuôi dưỡng các cháu là 2 dãy nhà cấp 4 sạch sẽ, gọn gàng, được bố trí ở phía sau, sát ngay khu cai nghiện ma túy là một đại gia đình với 19 người mẹ nuôi và 53 đứa con. Cô Nguyễn Thị Lịch, cán bộ y tế trung tâm chia sẻ: “Bọn trẻ ở đây ngoan ngoãn, thông minh lắm. Nhất là rất quấn quýt và nghe lời các mẹ”.

Ngay phòng đầu hồi, lũ trẻ đang túm tụm đọc truyện cổ tích. Thi thoảng, chúng lại phá lên cười giòn tan vì một hình minh họa ngộ nghĩnh nào đó, mấy bé khác còn hò nhau chơi bịt mắt bắt dê…

Lặng lẽ ở một góc nhỏ, Đồng Đặng Thanh Nghĩa, bé trai quê tận Quảng Nam đang hí hoáy tập vẽ tranh: “Nghĩa vẽ gì thế?”. “Con vẽ mẹ”. “Thế mẹ con đâu?”. “Mẹ con… đi công tác”. Câu trả lời thơ ngấy khiến cho người nghe có cái gì đó nghèn nghẹn, xót xa.

Nguyễn Phương Anh là bé vào cùng ngày với Đức Anh và còn sống đến bây giờ, mặt buồn thiu, mắt nhìn xuống chực khóc. Đã 5 tuổi nhưng Phương Anh chỉ nặng chưa đến 10 kg, khuôn mặt hốc hác, chân tay khẳng khiu đến đáng thương. Thân hình tiều tụy, nhỏ nhắn kia đã phải chịu đựng biết bao đau đớn về thể xác, căn bệnh HIV đang ngày đêm ăn mòn cơ thể em. Có thể em không hình dung được điều đó. Em ngồi buồn và không nói câu nào, không một cử động. Tôi bắt chuyện, tôi hỏi gì em cũng không nói, em chỉ nhìn, hết ngước lên nhìn tôi rồi lại nhìn xuống nền nhà. Vậy mà khi tôi đứng dậy đi ra ngoài, Phương Anh bỗng nói một câu, thản nhiên khiến tôi sững sờ: “Cháu sắp chết rồi phải không chú?”.

Hơn 11 giờ trưa, các bé được mẹ cho dùng bữa rồi ngoan ngoãn lên giường đi ngủ. Trong giấc mơ, các em hẳn không vướng chút âu lo, không hẳn biết, mình đã viết lên những câu chuyện bi thương về khoảng thời gian ngắn ngủi tồn tại trên cõi đời này. Nhìn những gương mặt thiên thần đẹp đến thánh thiện trong giấc ngủ êm đềm ấy, chợt rùng mình nghĩ tới, một ngày nào đó, cái nghĩa địa xám hiu hắt gió nằm ngoài bìa núi sẽ lại thêm những ngôi mộ mới…

Nguyễn Bảo

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/noi-an-nghi-cua-nhung-hai-nhi-benh-aids-c1047n20120308180955609p0.htm