Nobel Văn học Bob Dylan nhiều duyên nợ với Việt Nam

Theo nhà văn Ngô Tự Lập, những sáng tác của Nobel Văn học 2016 Bob Dylan có nhiều duyên nợ với Việt Nam.

Theo nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập, những sáng tác của Bob Dylan có nhiều duyên nợ với Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Tự Lập có bài viết về chủ nhân giải Nobel Văn học Bob Dylan. Theo ông, những sáng tác của Bob Dylan có nhiều duyên nợ với Việt Nam.Báo Giao thông xin gửi trích lược bài viết của nhà văn Ngô Tự Lập tới độc giả:

Bob Dylan sinh ngày 24/5/1941 tại Minnesota, Mỹ. Tên thật của ông là Robert Allen Zimmerman. Ông bà nội và ngoại của Bob Dylan đều là những người Do Thái di cư từ Odessa (Nay thuộc Ucraina) và Lithuania sang Mỹ để tránh sự kỳ thị chủng tộc. Năm 1959, Zimmerman đã đăng ký học tại Đại học Minnesota nhưng bỏ học khi chưa kết thúc năm thứ nhất. Năm 1961, ông chuyển đến New York, bắt đầu chơi cho nhiều câu lạc bộ và bắt đầu được chú ý.

Năm 1962, Robert Allen Zimmerman chính thức đổi tên thành Bob Dylan – một số tài liệu cho rằng do hâm mộ nhà thơ Dylan Thomas. Cũng thời gian đó, ông bắt đầu sáng tác nhiều ca khúc phản kháng, trong đó có bài hát Blowin' in the Wind (Để gió cuốn đi). Những sáng tác của ông trong giai đoạn này chịu nhiều ảnh hưởng của "Woody" Guthrie và Pete Seeger. Pete Seeger chính là tác giả bài hát Teacher Uncle Ho (Thầy giáo Bác Hồ) và nhiều bài hát nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam.

Nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập

Bob Dylan không có bài hát nào trực tiếp nói về Việt Nam, nhưng ông lại có duyên nợ với Việt Nam theo một cách khác. Sự nghiệp âm nhạc của ông khởi đầu gần như đồng thời với cuộc chiến tranh Việt Nam và nhiều ca khúc của ông trở thành thánh ca của phong trào phản chiến và phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự ở Hoa Kỳ trong những năm 1960.

Người tình nổi tiếng nhất của Bob Dylan, người đã góp phần quan trọng đưa ông lên đỉnh cao danh vọng, là nữ danh ca Joan Baez, một nhà hoạt động tích cực chống chiến tranh. Baez đã đến Việt Nam tháng Chạp năm 1972, đúng lúc Nixon ném bom rải thảm xuống Hà Nội và Hải Phòng.

Bài Blowin' in the Wind được Dylan và Baez hát trước 250 ngàn người tại Cuộc diễu hành Washington (March on Washington) ngày 28 tháng Tám, 1963. Đây là một sự kiện lớn trong lịch sử đương đại. Trong cuộc diễu hành đó, Martin Luther King, Jr. đã có bài phát biểu I have a dream (Tôi có một ước mơ) nổi tiếng.

Ca từ của Bob Dylan là những bài thơ sâu sắc và độc đáo, đến mức đã từng có ý kiến đề nghị trao giải Nobel văn chương cho ông. Trong số rất nhiều những bài hát nổi tiếng của ông, không thể không nhắc đến bài Để gió cuốn đi mà tôi tin đã ít nhiều gợi cảm hứng cho Trịnh Công Sơn trong một bài hát với nhan đề tương tự của ông.

Một số người gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Lý do là hai nhạc sĩ này có nhiều nét tương đồng. Cả hai cùng nổi lên vào thập niên 1960 với những bài hát phản chiến; trong sự nghiệp của mình, họ đều gắn bó với một phụ nữ tài sắc –Bob Dylan với Joan Baez và Trịnh Công Sơn và Khánh Ly; ca từ của họ đều là những tác phẩm có giá trị văn chương độc đáo; và cả hai còn là những họa sĩ tài năng.

Như đã nói ở trên, Blowin' in the Wind được Bob Dylan sáng tác năm 1962, khi ông mới có 21 tuổi, và nhanh chóng trở nên nổi tiếng toàn cầu.

BLOWIN' IN THE WIND

Music and lyrics: Bob Dylan

1. How many roads

must a man walk down

Before you call him a man?

How many seas must a white dove sail

Before she sleeps in the sand?

Yes, how many times must

the cannon balls fly

Before they're forever banned?

The answer my friend

is blowin' in the wind

The answer is blowin' in the wind.

2. Yes, how many years

can a mountain exist

Before it's washed to the sea?

Yes, how many years

can some people exist

Before they're allowed to be free?

Yes, how many times

can a man turn his head

Pretending he just doesn't see?

The answer my friend

is blowin' in the wind

The answer is blowin' in the wind.

3. Yes, how many times

must a man look up

Before he can see the sky?

Yes, how many ears must one man have

Before he can hear people cry?

Yes, how many deaths

will it take till he knows

That too many people have died?

The answer my friend

is blowin' in the wind

The answer is blowin' in the wind.

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

Lời Việt: Ngô Tự Lập

1. Qua bao nhiêu núi

với bao nhiêu con đường

Đàn ông mới xứng danh đàn ông?

Và chim câu trắng

lướt qua bao biển rộng

Để mai đây ngủ yên nơi chân cồn?

Và viên đạn đại bác sẽ bay đi bao lần

Để mai đây bị cấm trên hành tinh?

Lời đáp xa vời, để gió cuốn đi bên trời

Để gió cuốn đi, bạn ơi.

2. Được bao nhiêu năm tháng

núi non kia còn lại

Rồi trôi đi theo nước ra biển khơi?

Bao nhiêu năm tháng chúng ta tồn tại

Để mai đây được tự do trên đời?

Và còn bao lâu nữa

những ai kia quay mặt

Làm như không hay biết điều chi?

Lời đáp xa vời, để gió cuốn đi bên trời

Để gió cuốn đi, bạn ơi.

3. Mở to thêm đôi mắt

ngước trông lên bao lần

Thì ta trông thấy trời cao?

Cần bao đôi tai nữa

gắn thêm cho mỗi người

Để nghe tiếng khóc than muôn người?

(Và cần) thêm bao cái chết

đến khi ai kia biết rằng

Bao nhiêu mạng sống đã bị hy sinh?

Lời đáp xa vời, để gió cuốn đi bên trời

Để gió cuốn đi, bạn ơi.

Bài hát là sự kết hợp tuyệt diệu giữa giai điệu, hòa âm và lời ca - tất cả đều hết sức giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Được nghe bài hát lần đầu tiên cách đây mấy chục năm, đến nay tôi vẫn không hết ngỡ ngàng với câu hỏi: tại sao một chàng trai 21 tuổi có thể đạt đến độ chín muồi như vậy?

Rất nhiều ca sĩ và ban nhạc đã hát thành công ca khúc này, trong đó ngoài Joan Baez, phải kể đến Tam ca Peter, Paul and Mary, Bruce Springsteen, Elvis Presley, Stevie Wonder,... Tuy nhiên, có lẽ hay nhất vẫn là bản do chính Bob Dylan thể hiện cùng tiếng kèn harmonica rất đặc trưng và giọng ca tự sự đầy ưu tư của ông.

Năm 1994, qua giọng hát của Joan Baez, bài hát lại một lần nữa vang lên cùng hình tượng nhân vật Jenny trong bộ phim nổi tiếng Forrest Gump - cũng là một bộ phim về chiến tranh Việt Nam.

Nên đọc

Vì sao Nobel Văn học 2016 lại trao cho nhạc sĩ?

Không chỉ sâu sắc, ca từ của Bob Dylan còn giàu hình ảnh. Nói đúng hơn, ca từ của Bob Dylan sâu sắc chính là vì nó giàu hình ảnh. Ông không nói gì cụ thể. Trong bài hát, Bob Dylan chỉ đưa ra hàng loạt câu hỏi và một câu trả lời - mà nhiều người cho là mơ hồ. Cũng vậy, trong một bài hát nổi tiếng khác, Knockin’ on Heaven’s Door (Gõ cửa thiên đàng), ông chỉ chép lại những lời khẩn cầu - cũng không thật rõ ràng.

Không lời giải, không giáo huấn, ông để cho các hình ảnh và ẩn dụ gợi những liên tưởng ám ảnh và mỗi người nghe đều có thể tìm thấy một thông điệp thích hợp. Nói cách khác, ca khúc của ông để lại nhiều khoảng trống để người nghe chủ động tham gia sáng tạo. Có lẽ chính điều đó khiến cho ca khúc của ông phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều quốc gia và nhiều thời đại. Và có lẽ cũng chính vì thế ca khúc của ông có sức sống mạnh mẽ vượt thời gian.

>>> Xem video Bob Dylan hát ca khúc Blowin' in the Wind:

Ngô Tự Lập

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nobel-van-hoc-bob-dylan-nhieu-duyen-no-voi-viet-nam-d172116.html