Nợ vay ngắn hạn gần gấp đôi vốn chủ, lãnh đạo Dược phẩm Bến Tre (DBT) tăng cường thâu tóm cổ phần

Tổng giám đốc của CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT) tăng cường thâu tóm cổ phần trong bối cảnh giá cổ phiếu của công ty tăng mạnh vài tháng gần đây.

Cổ phiếu Dược phẩm Bến Tre (DBT) liên tục tăng giá, lãnh đạo tăng cường thâu tóm

CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã DBT) có tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Dược Bến Tre, được thành lập từ năm 1983, hợp nhất của hai doanh nghiệp dược là Công ty Dược phẩm tỉnh Bến Tre và Xí nghiệp Dược phẩm tỉnh Bến Tre.

Trong thời gian vừa qua, ngược dòng ảm đạm của thị trường chứng khoán, mã DBT lại có xu hướng tăng giá sau thời gian chạm đáy ở tháng 11 năm 2022.

 Dược phẩm Bến Tre (DBT) kinh doanh khởi sắc nhưng cơ cấu nguồn vốn vẫn tiềm ẩn rủi ro khi nợ ngắn hạn cao gần gấp đôi vốn chủ (Ảnh TL)

Dược phẩm Bến Tre (DBT) kinh doanh khởi sắc nhưng cơ cấu nguồn vốn vẫn tiềm ẩn rủi ro khi nợ ngắn hạn cao gần gấp đôi vốn chủ (Ảnh TL)

Cụ thể thì cổ phiếu DBT từng ghi nhận đáy ở 9.529 đồng/cổ phiếu tại ngày 7/11/2022, sau đó giá cổ phiếu liên tục có những phiên tăng giá và hiện tại đã đạt ngưỡng 14.400 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 14/7/2023.

Trước đà tăng giá của cổ phiếu DBT, ông Phạm Thứ Triệu, Tổng giám đốc của CTCP Dược phẩm Bến Tre cũng vừa có động thái thâu tóm thêm 396.000 cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty.

Dự kiến giao dịch của ông Triệu sẽ được thực hiện từ ngày 14/7 đến ngày 11/8/2023 theo phương thức thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Triệu sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Dược Bến Tre từ 1,97 triệu cổ phiếu lên 2,37 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của ông Triệu cũng sẽ được thay đổi từ 12,61% lên 15,1%.

Với giá trên thị trường trong ngày 14/7/2023 ở mức 14.400 đồng/cổ phiếu thì dự kiến ông Triệu sẽ phải chi ra khoảng 5,7 tỷ đồng để mua cổ phiếu theo lượng đã đăng ký.

Dược phẩm Bến Tre kinh doanh khởi sắc, nhưng áp lực lãi vay gia tăng gần gấp đôi

Việc giá cổ phiếu DBT liên tục tăng trong thời gian qua cũng là điều tương đối dễ hiểu bởi ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 của đơn vị này cũng cho thấy sự khởi sắc khi mà cả doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế đều gia tăng.

Cụ thể thì doanh thu thuần trong Quý 1 của công ty đạt 173,6 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn tới 108,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mang về đạt 65,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp gia tăng từ 31,1% lên 37,6%.

Đáng chú ý nhất đó là doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ sụt giảm từ 2 tỷ xuống chỉ còn 633 triệu đồng trong khi chi phí tài chính lại gia tăng từ 6,3 tỷ lên 9,4 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là chi phí lãi vay, tăng từ 5,5 tỷ lên 9,4 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng tới 71%.

Chi phí bán hàng cũng gia tăng từ 27,3 tỷ lên 34,3 tỷ đồng tương ứng với quy mô của doanh thu. Chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động nhiều, vẫn duy trì ở mức 10,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 10,1 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với Quý 1 năm 2022.

Có thể thấy rằng chi phí lãi vay tương ứng đang chiếm một lượng lớn gần bằng lãi sau thuế của DBT. Và việc chi phí lãi vay trong kỳ gia tăng tương đối cũng đang gây áp lực lớn lên doanh thu mà công ty mang về.

Cơ cấu tài sản phần lớn là nợ vay, rủi ro nợ vay cao gần gấp đôi vốn chủ

Mặc dù kết quả kinh doanh Quý 1 của Dược phẩm Bến Tre ghi nhận sự khởi sắc nhưng cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn của đơn vị này lại tiềm ẩn một số rủi ro.

Tính đến hết Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của DBT đang ở mức 845,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ gần 5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở 10,8 tỷ đồng, công ty cũng có 20,4 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Hiện tại, Dược phẩm Bến Tre đang có 156,2 tỷ đồng tài sản thuộc dạng phải thu từ khách hàng, hàng tồn kho cũng đang ghi nhận ở mức 409,2 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 10,6 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn của Dược phẩm Bến Tre có đến 611,2 tỷ đồng là nợ phải trả. Trong đó công ty đang đi vay nợ ngắn hạn số tiền lên tới 424,3 tỷ đồng. Lượng nợ ngắn hạn gia tăng gần 30 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong đó khoản vay đáng kể nhất trị giá 310,2 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bến Tre. Khoản vay này được đảm bảo bằng 80.000 trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng cùng 3.485.470 cổ phiếu do CTCP Dược Yên Bái phát hành.

Cần phải lưu ý rằng vốn chủ sở hữu của Dược phẩm Bến Tre chỉ có 234,4 tỷ đồng với 156,3 tỷ đồng là vốn góp của chủ sở hữu, 59,9 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Như vậy, chỉ tính riêng tiền đi vay nợ ngắn hạn cũng đã lớn gần gấp đôi so với vốn chủ. Điều này sẽ gây nên rủi ro tương đối lớn cho công tác quản trị nguồn vốn của Dược phẩm Bến Tre.

Và mặc dù kinh doanh có lãi nhưng lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DBT trong Quý 1 vẫn đang âm 25,6 tỷ đồng, cùng kỳ âm khoảng 3,1 tỷ đồng.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-vay-ngan-han-gan-gap-doi-von-chu-lanh-dao-duoc-pham-ben-tre-dbt-tang-cuong-thau-tom-co-phan-post256028.html