Nở rộ sáng kiến ở Sư đoàn 315

Từ thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của Sư đoàn 315 (Quân khu 5) đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được các cơ quan, đơn vị triển khai, ứng dụng mang lại hiệu quả cao.

Kiểm tra công tác huấn luyện bắn súng ở một số đơn vị, thấy nhiều chiến sĩ mới chưa thực sự “tâm phục, khẩu phục” khi cấp trên nhận xét đường ngắm bị lệch trái, lệnh phải, cao hoặc thấp, Thiếu tá Phạm Lâm Vũ, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 142 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Thiết bị kiểm tra đường ngắm cơ bản của súng tiểu liên AK”. Mỗi khi người học báo cáo đã lấy xong đường ngắm, cán bộ huấn luyện chỉ cần bấm nút nguồn trên thiết bị điều khiển từ xa, đèn laser tích hợp quang học, điện tử, gắn trên thân súng sẽ được kích hoạt và chiếu sáng điểm ngắm thực tế của người học trên mục tiêu. Thiết bị giúp chiến sĩ mới thấy rõ kết quả huấn luyện của mình để không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vươn lên, quyết tâm giành kết quả cao nhất”.

Thiết bị đo độ chênh cao, đo độ dốc dọc do Đại úy Nguyễn Thanh Trường, Trợ lý Công binh (Phòng Tham mưu, Sư đoàn 315) sáng chế.

Thiết bị đo độ chênh cao, đo độ dốc dọc do Đại úy Nguyễn Thanh Trường, Trợ lý Công binh (Phòng Tham mưu, Sư đoàn 315) sáng chế.

Đơn giản, gọn nhẹ, an toàn, hiệu quả là nhận xét của nhiều người khi nói về sáng kiến “Ụ súng lắp ghép phục vụ huấn luyện dã ngoại, diễn tập kết hợp báo trúng mục tiêu” của Trung úy Lê Văn Minh, Trung đội trưởng Trung đội 2 (Trung đoàn 142) và Trung úy Hoàng Xuân Anh, Trung đội trưởng Trung đội 1 (Trung đoàn 143, Sư đoàn 315). Là những sĩ quan trẻ mới ra trường, có chung sở thích tìm tòi, sáng tạo nên tuy ở cách xa nhau gần 70 cây số, Lê Văn Minh và Hoàng Xuân Anh vẫn phối hợp nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến hữu dụng này. Với hệ thống cảm biến bố trí trên các mảnh ghép của ụ súng, khi huấn luyện chiến thuật, nhất là vào ban đêm, mỗi lần bộ đội ném lựu đạn trúng đích, thiết bị đều phát ra âm thanh, tiếng nổ, giúp người học cảm thấy hào hứng, tự tin hơn.

Ngoài ra, sáng kiến “Bộ băng đạo diễn, dẫn bắn ban ngày và ban đêm” của Đại úy Nguyễn Quốc Ánh, Đại đội trưởng Đại đội 8 (Trung đoàn 142), “Bình huấn luyện phòng, chống cháy nổ” của Thượng úy QNCN Lê Tấn Nam (Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 143), “Thiết bị cân bằng giá chân súng SPG-9” của Thượng úy QNCN Trịnh Thanh Sang, nhân viên quân khí (Đại đội 26, Phòng Kỹ thuật)... cũng đang được ứng dụng rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn 315 và Quân khu 5.

Trung tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 315, cho biết: “Quá trình công tác, kiểm tra, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, khuyến khích, định hướng để cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị không ngừng tư duy, nghiên cứu, có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Điểm chung của các sáng kiến đều có cấu tạo đơn giản, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả sử dụng cao, áp dụng thiết thực vào thực tế.

Bài và ảnh: AN KHANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-ro-sang-kien-o-su-doan-315-695841