Nở rộ giải thưởng văn học thiếu nhi

Cuối tháng 5, Nhà Xuất bản Kim Đồng công bố Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất với cơ cấu giải thưởng gồm giải nhất lên đến 100 triệu đồng, giải nhì 60 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng… Đây là giải thưởng dành cho thiếu nhi mới và có giá trị giải thưởng lớn, dù trước đây Nhà Xuất bản Kim Đồng có những cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2 năm một lần.

Em bé đọc sách ở Nhà sách Kim Đồng, TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2020, Báo Thể thao & Văn hóa đã sáng lập nên Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn chủ yếu để tưởng thưởng các tác giả viết cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao tặng “Hiệp sĩ Dế Mèn” lần đầu tiên. Năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi 2023 - 2025. Rồi hàng năm, Hội Xuất bản sách Việt Nam cũng trao Giải sách quốc gia, trong đó có hạng mục sách thiếu nhi. Cùng thời điểm, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng thiếu nhi cho 1 tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Được biết, đầu tháng 6, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ lập thêm một giải thưởng văn học thiếu nhi với cơ cấu giải thưởng không thua kém so với các giải trước đó.

Có thể nói, chưa bao giờ văn học thiếu nhi lại được ưu ái lớn như thế. Có lẽ giới cầm bút, xuất bản đều nhận thấy rằng, thế hệ trẻ, đặc biệt là thiếu nhi hôm nay đã khác trước rất nhiều. Ngày trước, lớp cha anh luôn coi sách, báo là sản phẩm tinh thần duy nhất cho mình, nên có quyển nào thì đọc quyển ấy, không có sự lựa chọn; thị trường sách cũng không đa dạng, phong phú, ấn phẩm xuất bản đẹp, tốt như ngày nay. Thị trường sách và văn hóa đọc thời trước không cần phải kích hoạt, cổ động gì mạnh mẽ mà bạn đọc vẫn nồng nhiệt hưởng ứng, tiếp nhận. Còn hôm nay, trên kệ của các nhà sách tràn ngập sách, truyện tranh của thế giới. Có lẽ khởi đầu chính là bộ truyện tranh Nhật Bản Doreamon do Nhà Xuất bản Kim Đồng nhập về thập niên đầu những năm 1990 đã làm bùng nổ làn sóng nhập truyện nước ngoài về Việt Nam, tạo cho thị trường sách thiếu nhi đa dạng, phong phú sách… ngoại. Đây là vấn đề mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhìn nhận: "Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…".

Trong khi đó, sách do tác giả Việt viết thì không phát triển như kỳ vọng. Có chăng chỉ mỗi tác giả Nguyễn Nhật Ánh là nổi trội và tiêu biểu. Sau Nguyễn Nhật Ánh, không có cây bút nào có phong độ, nhịp độ viết và sự ăn khách như vậy. Những cuốn sách nổi tiếng dành cho thiếu nhi mà các tác giả viết như một cuộc chơi bất chợt không đều, có thể kể những tác giả từng được giải thưởng như: Bình Ca, Trung Sỹ, Lê Văn Nghĩa… Hiện nay, cũng có đội ngũ các cây bút chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi như: Trần Đức Tiến, Cao Xuân Sơn, Thái Chí Thanh, Nguyễn Đức Quang, Trần Quốc Toàn, Nguyên Hương, Võ Thu Hương, Bảo Ngọc, Bùi Tiểu Quyên…, tuy nhiên chưa rõ nét và trở thành đội ngũ hùng hậu có bề dày như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Đoàn Giỏi, Trần Đăng Khoa… nên người ta vẫn đánh giá là văn học thiếu nhi đang “thiếu vắng”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thừa nhận, lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi. Vốn quen viết về những vấn đề lớn của thời đại, của xã hội, nên khi chạm vào văn học thiếu nhi thì họ lúng túng. Họ mang vào trang viết sự cồng kềnh của người lớn, trong khi thiếu nhi cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu. Vì thế, chúng ta chờ đợi một thế hệ mới, trẻ trung và sáng tạo hơn. Ông kêu gọi các nhà văn hãy dành 1/4 quỹ thời gian sáng tác để viết cho thiếu nhi, không cần phải đề tài gì lớn lao mà hãy viết về con, cháu, chắt của mình với lòng yêu thương, chân thật.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là văn hóa đọc của thiếu nhi đã giảm sút, các em mê thiết bị nghe nhìn, ngại đọc truyện; nếu có thì chỉ đọc truyện tranh nước ngoài hay truyện minh họa nhiều, ít thích truyện chữ. Vì thế, đã đến lúc phải chấn hưng ở 2 khía cạnh: Người viết và người đọc. Có nhiều truyện, sách hay sẽ thu hút các em.

Giữa thông tin về các giải thưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi hiện nay làm chúng ta nhớ đến câu nói của nhà văn Tô Hoài: “Nếu đầu tư thích đáng với những giải thưởng lớn thì chắc chắn văn học thiếu nhi sẽ khởi sắc!”. Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phấn khởi: “Càng nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi càng tốt! Những giải thưởng như thế này sẽ phần nào tạo động lực cho nhà văn trẻ, khơi gợi hứng thú cho cả những nhà văn đã thành danh”.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/no-ro-giai-thuong-van-hoc-thieu-nhi-17c0950/