Nợ nần chồng chất, tài sản bay hơi trong chốc lát

Kinh tế suy thoái khiến tài sản của những người giàu Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí dẫn đến phá sản, nhiều ông chủ bỏ trốn ra nước ngoài.

Công ty 140 nghìn tỉ đồng nay chỉ còn…1,3 triệu đồng

Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh mới đây thông báo trên Mạng thông tin vụ án rằng, ngày 3/4 tòa đã ra phán quyết tuyên bố phá sản đối với công ty Yinji (Ấn Kỷ) Entertainment Media Co., Ltd. (gọi tắt là "Yinji Media").

Từng có thời được mệnh danh là gã khổng lồ trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí, Yinji đã chính thức sụp đổ sau tuyên bố này, trong khi người kiểm soát thực tế, Tiêu Văn Các (Xiao Wenge) - từng được giới truyền thông ca ngợi là "người giàu nhất Tứ Xuyên" - đã biến mất sau khi rút hơn 4 tỉ NDT (gần 14 nghìn tỉ đồng).

Yinji Media thành lập năm 2008 (trước gọi là Đông Dương Giai Ảnh), bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và truyền hình từ năm 2010. Cùng năm đó, Tiêu Văn Các đã gom được 90% cổ phần của công ty thông qua chuyển nhượng vốn và quyền cổ phần, trở thành người kiểm soát thực tế công ty. Năm 2015, Yinji Media chính thức gia nhập thị trường cổ phiếu A thông qua niêm yết cửa sau.

Từ năm 2011, Yinji Media đã hợp tác với Hollywood liên doanh đầu tư, sản xuất, phân phối hoặc mua lại quyền phân phối ở Trung Quốc 9 bộ phim, trong đó có cả những phim bom tấn.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư và sản xuất hàng loạt phim điện ảnh, truyền hình trong nước. Lĩnh vực truyền thông, điện ảnh và truyền hình trở nên "nóng" trên thị trường vốn vào khoảng năm 2015. Giá cổ phiếu của Yinji Media có lúc lên tới 44,6 NDT, với giá trị thị trường gần 50 tỉ NDT (7 tỉ USD). Giá trị lượng cổ phần mà Tiêu Văn Các nắm giữ tại thời kỳ đỉnh cao đã vượt quá 30 tỉ NDT (4,2 tỉ USD).

Năm 2015, Tiêu Văn Các lần đầu tiên lọt vào danh sách người giàu của Forbes và với tài sản 2,1 tỉ USD, xếp thứ 894 trong số những người giàu nhất thế giới.

Tiêu Văn Các, ông chủ của Yinji Media ôm tiền đi trốn, để lại công ty phá sản vì nợ nần
(Ảnh: Sohu)

Từ năm 2018, Yinji Media bất ngờ gặp sóng gió và làm ăn bết bát. Trong năm đó, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 362 triệu NDT, giảm 83,44% so với cùng kỳ năm trước đó. Công ty mẹ chịu khoản lỗ khổng lồ 1,786 tỉ NDT.

Tính đến cuối quý 3/2019, tổng tài sản của công ty là 2,661 tỉ NDT trong khi tổng nợ lên tới 1,396 tỉ NDT.

Tuy nhiên, báo cáo mà quản trị viên nộp lên tòa án sau khi điều tra cho thấy số dư tài khoản ngân hàng của Yinji Media chỉ có 371,07 NDT (1,3 triệu đồng). Do không đủ khả năng trả nợ, không thể tái cơ cấu hay hòa giải nên người quản lý đã đệ đơn xin tuyên bố phá sản.

Trong khoảng thời gian công ty gặp khó khăn, Tiêu Văn Các đã bắt đầu rút tiền nhiều lần. Theo The Paper, kể từ năm 2018, ông đã giảm cổ phần của mình tại Yinji Media hai lần, rút ra tổng cộng 2,4 tỉ NDT.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của một số hãng truyền thông Trung Quốc, Tiêu Văn Các đã rút tổng cộng 4,45 tỉ NDT từ công ty niêm yết. Ngoài ra, Giám đốc tài chính kiêm thư ký hội đồng quản trị Ngô Băng (Wu Bing) cũng đã nhập quốc tịch Mỹ từ lâu và lấy cớ bị bệnh để ở lại Mỹ.

Trùm dược phẩm suy sụp do thua lỗ

Ngày 25/8/2023, tại sàn đấu giá tài sản Ali, sau 184 lần trả giá, hai chiếc máy bay thương gia đậu tại Sân bay Song Lưu ở Thành Đô, Tứ Xuyên suốt 4 năm đã được bán với giá 123 triệu NDT trong khi giá gốc là 500 triệu NDT.

Hai chiếc máy bay được bán đấu giá này vốn thuộc về Công ty TNHH Hãng hàng không Tung Hoành Tứ Xuyên ("Zongheng Airlines"), do Công ty TNHH Phát triển Tứ Xuyên Hengkang kiểm soát 100%. Người kiểm soát thực tế là người giàu nhất Cam Túc Khuyết Văn Bân.

Khuyết Văn Bân từng là người giàu nhất tỉnh Cam Túc (Ảnh: Sohu).

Khuyết Văn Bân làm giàu nhờ loại thuốc truyền thống Tây Tạng "Duyiwei" và thành lập Công ty Duyiwei Cam Túc để sản xuất viên nang Duyiwei, một loại thuốc giảm đau và cầm máu độc quyền của Trung Quốc. Công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến năm 2008 và sau đó đổi tên thành Hengkang Medical (Hằng Khang Y liệu), được gọi là "cổ phiếu bệnh viện tư nhân số 1".

Năm 2009, trong Danh sách người giàu Hurun, Khuyết Văn Bân đứng thứ 200 với khối tài sản 4,8 tỉ NDT và trở thành người giàu nhất tỉnh Cam Túc. Năm 2015, giá trị tài sản ròng của ông từng lên tới 20 tỉ NDT (2,8 tỉ USD).

Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là y học, Khuyết Văn Bân còn liên tiếp phát triển sang lĩnh vực khai thác mỏ, bất động sản, hàng không, xe năng lượng mới và các ngành công nghiệp khác thông qua một loạt hoạt động kinh doanh vốn. Zongheng Airline là một trong số đó.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, Khuyết Văn Bân bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đưa vào hồ sơ điều tra với cáo buộc vi phạm luật pháp và quy định chứng khoán. Sau đó, cuộc khủng hoảng nợ lớn nổ ra.

Năm 2018, Hengkang Medical bất ngờ thua lỗ lớn và tỷ lệ nợ từng lên tới 97,72%. Tháng 7/2021, Tòa án nhân dân Lũng Nam ra phán quyết thụ lý vụ phá sản và tái cơ cấu Hengkang Medical.

Tỉ phú từng giàu nhất Trung Quốc bị điều tra

Tối ngày 10/1/2023, thông tin người sáng lập Tập đoàn Hanergy (Hán Năng) Lý Hà Quân (Li Hejun) bị cảnh sát bắt giữ để hỗ trợ điều tra đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận.

Điều này là bởi Lý Hà Quân từng lọt vào "Danh sách người giàu toàn cầu Hurun" năm 2015 và trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Lý Hà Quân sinh năm 1967 tại Quảng Đông. Khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã vay một giáo viên đại học 50.000 NDT để thành lập Tập đoàn Hanergy. Chỉ sau vài năm, tập đoàn đã kiếm được “hũ vàng đầu tiên” trị giá 80 triệu NDT cho Lý Hà Quân. Sau đó, ông lao vào đầu tư thủy điện. Ngoài tỉnh Quảng Đông, ông còn mua nhiều trạm thủy điện ở Quảng Tây, Chiết Giang và Ninh Hạ.

Lý Hà Quân từng tạo nên huyền thoại về năng lượng sạch ở Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Theo trang web chính thức của Hanergy, Lý Hà Quân đã tạo nên hai huyền thoại trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc: thứ nhất là xây dựng Nhà máy thủy điện Kim An Kiều công suất 300 Kwh trên sông Kim Sa ở Vân Nam; thứ hai là gia nhập ngành công nghiệp màng mỏng điện mặt trời, trở thành người thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng.

Tuy nhiên, hai huyền thoại này lại là dấu ấn cuối cùng trước khi Hanergy và Lý Hà Quân sụp đổ hoàn toàn.

Theo truyền thông Trung Quốc, Nhà máy thủy điện Kim An Kiều sau khi hoàn thành năm 2011 đã đem lại khoản thu nhập khổng lồ. Năm 2015, Lý Hà Quân đã lọt vào "Hurun Global Rich List 2015" với tài sản ròng 160 tỉ NDT (22,4 tỉ USD), trở thành người giàu thứ 12 trong "Hurun China Rich List” (Danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Hurun).

Sau khi trở thành một trong những "người giàu nhất Trung Quốc", công ty niêm yết Hanergy Thin Film Power Generation Group của Lý Hà Quân đã bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Hong Kong điều tra vì nghi thao túng thị trường. Tháng 7/2015, cổ phiếu Hanergy đã bị đình chỉ giao dịch trước khi bị hủy niêm yết năm 2019. Lý Hà Quân bị cảnh sát Liêu Ninh bắt vào cuối tháng 12/2022.

(Còn tiếp)

Theo Creaders

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/no-nan-chong-chat-tai-san-bay-hoi-trong-choc-lat-post174328.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat