Nỗ lực xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD (*): Lan tỏa giá trị, tuân thủ 'sân chơi'

Không chỉ cà phê mà với nhiều loại nông sản khác cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới, nhất là về môi trường

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết Việt Nam đang xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Trong đó Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm khoảng 40% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê.

Tuân thủ "sân chơi" quốc tế

Tuy nhiên, quy định chống phá rừng (EUDR) được Nghị viện EU thông qua ngày 29-6-2023 và áp dụng từ ngày 30-12-2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cà phê. Cụ thể, kể từ ngày 31-12-2024, EU cấm việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm.

Quy định này yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU phải thu thập tọa độ định vị (GPS) của trang trại sản xuất cà phê. Các công ty có thể kết hợp dữ liệu này với các công cụ giám sát vệ tinh. Từ đó, EU sẽ kiểm tra xem các công ty có đáp ứng quy định hay không và xác định những khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và phá rừng.

Nhờ chủ trương tái canh cà phê mà chúng ta không cần tăng diện tích vẫn bảo đảm được sản lượng và chất lượng. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê ở Đắk Lắk .Ảnh: CAO NGUYÊN

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, quy định của EU là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với các quy định của thị trường thế giới.

Trong thời gian tới, không chỉ cà phê mà với nhiều loại nông sản khác cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới, nhất là về môi trường (xanh hóa, bảo vệ rừng) và phát triển bền vững.

Cũng theo quy định, châu Âu chỉ quan tâm những diện tích trồng sau năm 2020. Trong khi diện tích cà phê mà chúng ta trồng sau năm 2020 lại rất ít. Diện tích hiện có chủ yếu là tái canh trên diện tích đã có trước năm 2020, thậm chí trước năm 2000 từ rất lâu, nên cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng gì. Do đó, thời gian tới, khi thực hiện quy định EUDR sẽ không còn tình trạng phá rừng để trồng cà phê.

Hiện nay, chúng ta đang thay đổi tư duy trồng trọt, chuyển từ chú trọng diện tích sang chú trọng năng suất gắn với chất lượng, áp dụng quy trình canh tác theo các tiêu chuẩn được nhà nhập khẩu chấp nhận, ví dụ tiêu chuẩn RainForest, 4C.

Để bảo đảm sản lượng cà phê xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đang cùng các địa phương rà soát, giữ diện tích ở những vùng có lợi thế, năng suất tốt; trên cơ sở đó áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào canh tác, giảm chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã ban hành chương trình tái canh cà phê - thay thế giống già cỗi, chất lượng không cao bằng giống tốt hơn. "Nhờ chủ trương tái canh cà phê mà chúng ta không cần tăng diện tích vẫn bảo đảm được sản lượng và chất lượng" - ông Cường cho hay.

Ngoài ra, để thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Bộ NN-PTNT đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến cà phê. Gần đây, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình tạm thời về canh tác tiết kiệm chi phí, giảm vật tư đầu vào đối với sản xuất cà phê tại Quyết định 318/QĐ-TT-CCN ngày 5-9-2023.

Phải kể câu chuyện về cà phê

"Chúng ta thường nói chất lượng cà phê của mình ngon, sạch nhưng khách hàng làm sao biết được khi mà trên kệ hàng hiện nay có quá nhiều sản phẩm?" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Theo đó, chúng ta không đơn giản là bán cà phê mà chính là bán "câu chuyện" về cà phê để khẳng định "cà phê sạch".

Để làm được điều đó, từ người trồng cho tới các doanh nghiệp chế biến phải liên kết thế nào để dẫn dắt câu chuyện. "Hoặc là kể cách chúng ta tạo ra sản phẩm cà phê mà không hủy diệt rừng, không hủy diệt tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học. Đó là cách chúng ta bán sản phẩm cà phê" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và lưu ý người sản xuất cà phê cần phải làm cho sản phẩm của mình vượt trội. Khi đó, khách hàng dần dần sẽ không mua cà phê nữa mà mua cách tạo ra cà phê, "mua" con người làm ra hạt cà phê đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu phải chú trọng đến sự phát triển bền vững, thông tin định vị vùng sản xuất, không làm mất rừng để có thể dễ dàng vào các thị trường khó tính.

Theo ông Nguyễn Như Cường, để phát triển cà phê bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, cà phê cảnh quan.

Phấn đấu 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, chống chịu bệnh gỉ sắt, áp dụng đúng quy trình tái canh. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, đặc sản, hữu cơ.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng quy trình tái canh cây cà phê do Bộ NN-PTNT ban hành; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất; chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cà phê…

Về mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu; gia tăng tỉ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường lớn.

Theo ông Tiến, Bộ NN-PTNT và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới và hướng đến cà phê giảm phát thải. Cụ thể, đề án đang được triển khai trên diện tích 19.700 ha tại 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 hợp tác xã được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Ứng dụng khoa học - công nghệ

Ở Lâm Đồng dù diện tích cà phê chỉ đứng thứ 2 nhưng sản lượng lại đứng đầu cả nước và là vùng trọng điểm trồng cà phê Arabica của Việt Nam. Đây là thành quả của việc ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như chuyển hướng kỹ thuật canh tác bền vững.

Một khó khăn lớn của cà phê Lâm Đồng hiện nay là hạn hán, nhiều vùng cà phê chuyên canh của tỉnh như Di Linh, Lâm Hà đang thiếu nước tưới trầm trọng. Để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra giải pháp là phải tập trung canh tác cà phê theo quy trình thích ứng biến đổi khí hậu, canh tác cà phê hữu cơ; trồng cây che bóng cho cà phê, phát triển trồng cà phê cảnh quan; ứng dụng khoa học - công nghệ; cải tạo, ghép cà phê; chuyển đổi cơ cấu cây giống cà phê vối sang cà phê chè ở vùng Lạc Dương - Đà Lạt…

Nguồn nước cho cà phê luôn ổn định, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học để canh tác, phải sản xuất có trách nhiệm với thiên nhiên. Đây là những việc cần làm để sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng. Nông dân đã ý thức tốt điều này.

Lâm Đồng luôn gắn sản xuất cà phê với chuỗi giá trị bền vững, chứng minh canh tác không gây mất rừng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh về chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành cà phê của tỉnh.

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, nông dân trồng cà phê ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai: Bảo đảm tỉ lệ quả chín

Trước đây, đến mùa thu hoạch cà phê, tôi thường thuê người hái đồng loạt, hái nguyên cả cây nhưng hiện nay phải chia thành 3 đợt, cứ quả chín hái trước, quả xanh chừa lại, hái đợt sau. Việc lựa từng cây, từng quả để hái dù tốn nhiều công sức, thời gian hơn nhưng bảo đảm tỉ lệ quả chín đến 90%, khi phơi cà phê cũng ít bị hao hụt so với quả xanh, chất lượng tăng và dễ bán hơn.

Ngoài ra, việc chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, liên kết với các công ty để sản xuất cà phê theo hướng bền vững, phát triển vùng nguyên liệu đã giúp cho cà phê Gia Lai có thể xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất.

Hoàng Thanh - Trường Nguyên ghi

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-luc-xuat-khau-ca-phe-dat-5-ti-usd-lan-toa-gia-tri-tuan-thu-san-choi-196240328202650846.htm