Nỗ lực 'xóa sổ' bệnh lao ra khỏi cộng đồng

Việt Nam đặt mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035. Trong bối cảnh tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao được quản lý điều trị mới đạt khoảng 60%, tỉ lệ lao kháng đa thuốc ngày càng nhiều, để xóa sổ được bệnh lao như mục tiêu đã đề ra, cần sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Hoạt động khám và điều trị lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Thu Hương

Hoạt động khám và điều trị lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Thu Hương

Gánh nặng bệnh lao cao tốp đầu thế giới

Những năm qua, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Trong năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia tiếp tục có sự cải thiện đáng kể sau khi phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình. Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao kết hợp nhiều hình thức, vận động sự cam kết và chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh lý khác..., chương trình đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 trường hợp (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

Dù đã được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống lao, nhưng dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Đánh giá từ Chương trình chống lao quốc gia cho thấy, tốc độ giảm tỉ lệ bệnh nhân mắc lao quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Số liệu bệnh nhân mắc lao mới vào năm 2022 là 172.000 người. Năm 2023, ước tính có khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện. Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023, phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, sẽ có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Đáng lo ngại hơn nữa là Việt Nam đang phải đối mặt với tỉ lệ bệnh lao kháng đa thuốc khá cao. Theo thống kê của cơ quan y tế, số lượng bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 người, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới các nỗ lực điều trị bệnh lao.

So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn rất nhiều. Tại một số tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ như An Giang và Cần Thơ, số ca lao phát hiện và tỷ lệ mắc lao trên dân số năm 2023 lần lượt là 5.467 (270/100.000 dân) và 2.713 (218/100.000 dân), và trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, khoảng 400-500/100.000 dân.

Quyết tâm chấm dứt bệnh lao

Ngày thế giới phòng chống lao (24/3) của Việt Nam năm nay được triển khai trên tất cả các địa phương với chủ đề: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Chủ đề này như một lời "hồi đáp", hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Trong năm 2023, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức khám sàng lọc bệnh lao tại nhiều địa phương trên cả nước nhằm sớm phát hiện, đưa vào điều tri, cắt đứt nguồn lây bệnh lao ra cộng đồng. Ảnh: Thu Hương

Trong năm 2023, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức khám sàng lọc bệnh lao tại nhiều địa phương trên cả nước nhằm sớm phát hiện, đưa vào điều tri, cắt đứt nguồn lây bệnh lao ra cộng đồng. Ảnh: Thu Hương

Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả, trong đó có chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực và xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh" nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, trong năm 2024 sẽ hoàn thiện thủ tục phê duyệt Dự án nhận viện trợ Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2024-2026 và các nguồn viện trợ khác; phê duyệt kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính Dự án năm 2024. Đồng thời, hoàn thành chiến lược cộng đồng chấm dứt bệnh lao; thành lập mạng lưới cộng đồng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam và mở rộng ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao.

Cùng với đó, Chương trình chống lao quốc gia tiếp tục tham mưu với Bộ Y tế để trình Chính phủ chủ trương, phương án đảm bảo thuốc cho người bệnh lao không có thẻ bảo hiểm y tế và chưa tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh. Đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động phòng chống lao, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm trong Chương trình chống lao quốc gia nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Nhằm vận động đông đảo người dân cả nước ủng hộ, hỗ trợ người bệnh vượt qua những ảnh hưởng bệnh tật, chữa khỏi bệnh lao, năm 2024, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1.400, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC tổ chức vận động người dân cả nước ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản, quét mã QR và nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 (cú pháp: TB gửi 1402 từ ngày 8/3/2024 đến hết ngày 6/5/2024).

Thanh Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-quotxoa-soquot-benh-lao-ra-khoi-cong-dong-post473871.html