Nỗ lực vượt khó, thành công của các nữ quân nhân

Dù ở vị trí nào, đảm nhiệm cương vị gì, các nữ quân nhân luôn cho thấy nghị lực, thể hiện rõ phẩm chất của người phụ nữ Quân đội thời kỳ mới: 'Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái', hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) và 30 năm Ngày truyền thống phụ nữ Quân đội và Ban phụ nữ Quân đội (10-3-1993 / 10-3-2023), Báo Quân đội nhân dân trích đăng ý kiến của một số nữ quân nhân xung quanh vấn đề này.

Đại tá TRẦN THỊ BÍCH DUYÊN, Phó giám đốc kinh doanh Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng:

Chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm

34 năm gắn bó với Nhà máy, trải qua nhiều vị trí công tác, từ nhân viên, trợ lý rồi phó trưởng phòng, trưởng phòng đến vai trò phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Nhà máy Z176, dù ở bất cứ cương vị, trọng trách nào, tôi cũng luôn nỗ lực hết mình. Còn nhớ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu hàng kinh tế của Nhà máy rất khó khăn, doanh thu đứng trước nguy cơ sụt giảm... Bài toán đặt ra cho tôi lúc này là phải tìm ra hướng đi đúng, hóa giải khó khăn.

Phó giám đốc kinh doanh Nhà máy Z176 Trần Thị Bích Duyên (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu sản phẩm của Nhà máy Z176 với đối tác. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tôi đã chủ động tìm hiểu thị trường, kịp thời đề xuất phương án giải quyết tình thế, tháo gỡ khó khăn bằng cách chuyển đổi nhanh sản xuất, phát triển nhóm sản phẩm phòng dịch mới trên cơ sở dây chuyền sẵn có của Nhà máy. Các sản phẩm khẩu trang vải không dệt (AKD 06, AKD 08, AKD 09, AKD 10), bộ quần áo bảo hộ phòng dịch cộng đồng (BH KD 08, BH KD 09), tấm che mặt chống giọt bắn... đã được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, nhiều khách hàng lớn đã tự tìm đến Nhà máy cùng với những đơn hàng trị giá hàng triệu USD. Việc nhanh chóng chuyển đổi sản xuất trong bối cảnh đại dịch đã giúp Nhà máy Z176 sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Kết quả, doanh thu của Nhà máy năm 2020 tăng 20% so với năm 2019, thu nhập của người lao động cũng tăng lên. Để có thành công, theo tôi phải có tâm thế chủ động, đi trước đón đầu và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

-----------------

Thiếu tá ĐINH THỊ HƯƠNG, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 2:

Không buông xuôi, đầu hàng số phận

Cách đây 6 năm, khi con trai Trần Đình Hoàng Duy chưa đầy 3 tuổi, tôi phát hiện mình mắc K tuyến giáp. Vượt qua hoang mang, lo lắng, tôi vừa tích cực điều trị bệnh theo phác đồ, vừa quyết tâm ôn thi cao học. Thời gian đầu truyền thuốc, tôi phải nằm trong phòng cách ly. Cứ ngừng những cơn đau, những đợt hóa trị, xạ trị là tôi lại miệt mài ôn luyện. Bệnh tình dần đi vào ổn định cũng là lúc tôi nhận được kết quả thi đỗ cao học vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Niềm tin vào cuộc đời vừa được lấy lại thì nghiệt ngã thay, chưa đầy một năm sau, tôi lại phát hiện mình mắc thêm một căn bệnh hiểm nghèo khác. Thời điểm đó, tôi đã rơi vào đủ các cung bậc cảm xúc và thất vọng tột cùng...

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mình còn hai con, gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội, công việc yêu thích và những kế hoạch đang dở dang... Vậy là tôi tự đấu tranh với bản thân mình, kiên quyết không được buông xuôi, đầu hàng số phận. Khi đã xác định rõ tư tưởng, tôi cảm thấy đủ mạnh mẽ và tự tin, sẵn sàng đối đầu với hai căn bệnh nan y cùng một lúc. Cho dù cơ thể tôi bị ảnh hưởng bởi quá trình điều trị bệnh, nhưng tinh thần tôi rất vững vàng. Tôi luôn tin tưởng vào bản thân cũng như tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ. Không những thế, bên cạnh tôi còn có gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội. Giữa những đợt điều trị, tôi vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, của các tổ chức quần chúng. Giờ đây, bệnh tình cơ bản đã được khống chế, sức khỏe đi vào ổn định và tôi lại được đứng trên giảng đường truyền dạy kiến thức cho các học viên với tất cả niềm đam mê. Từ câu chuyện bản thân tôi cho thấy, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải có niềm tin và sự lạc quan bởi vì mọi chuyện đều có hướng giải quyết. Điều cốt yếu là phải biết vượt lên chính mình, biến những khó khăn thành động lực, giúp mình sống ý nghĩa hơn.

------------

Trung tá QNCN ONG THỊ ĐIỆP, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Cơ bản-Cơ sở, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ), Quân chủng PK-KQ:

Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục

Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kỹ thuật PK-KQ tập trung thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, chuyển dần từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Để thực hiện được điều đó, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các nữ giảng viên trong trường đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, coi đây là một “mặt trận” để tiến quân vào khoa học công nghệ, trực tiếp đổi mới phương pháp giảng dạy.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường, trong quá trình giảng dạy, tôi và các đồng nghiệp nữ luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt những vấn đề cấp thiết, “điểm nghẽn” để nghiên cứu sáng kiến, đề tài áp dụng có hiệu quả vào quá trình công tác. Khi bắt tay vào nghiên cứu, không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp thuận lợi. Nhiều vấn đề phức tạp buộc phải tìm hiểu kiến thức liên ngành mới có thể giải quyết. Thêm vào đó, phụ nữ khi nghiên cứu khoa học cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố như nhiệm vụ chuyên môn, công việc gia đình... Ví như tôi có hai con nhỏ, chồng là bộ đội thường xuyên công tác xa nhà, việc giảng dạy trên lớp đã chiếm quá nửa thời gian trong ngày. Do đó khi nghiên cứu khoa học, tôi phải cân đối hài hòa giữa gia đình, công việc chuyên môn với đam mê sáng tạo. Nhờ sự quan tâm động viên, khích lệ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhiều đề tài, sáng kiến của hội viên phụ nữ nhà trường được nghiệm thu với chất lượng tốt, tham dự các hội thi đoạt giải cao, được áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-vuot-kho-thanh-cong-cua-cac-nu-quan-nhan-720832